Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác
Giải đáp nhiều chất vấn trong lĩnh vực nông nghiệp, sáng nay, người đứng đầu ngành NNPTNT – Bộ trưởng Cao Đức Phát đã được ưu tiên một khoảng thời lượng khá dài - gần 20 phút, để chia sẻ thông tin.
Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Triệt phá các đường dây buôn bán chất cấm
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Sỹ Cương về vấn đề phân bón giả đang hoành hành gây thiệt hại cho bà con nông dân, Bộ trưởng Phát cho biết: Để ngăn chặn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hoành hành, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với các loại phân bón, quản lý chặt chẽ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn này.
“Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón.
Đến 1.2.2016, nếu doanh nghiệp nào không đạt yêu cầu sẽ bị đóng cửa”, ông Phát khẳng định.
Về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của toàn ngành và phối hợp triển khai nhiều biện pháp.
Tuy vậy, kết quả giám sát trong 9 tháng đầu năm, theo báo cáo của Bộ trưởng Cao Đức Phát cho thấy, tỷ lệ mẫu vi phạm còn cao, chưa cải thiện được so với năm 2014.
Về thủy sản có 1,01% mẫu có hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng; rau có 10,3% mẫu có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng.
Thịt có 7,6% mẫu có hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng, 16% mẫu có salmonella (một loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm).
Do vậy, Bộ đã phát động cao điểm hành động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm kéo dài tới hết tháng 2.2016, để chấn chỉnh tình hình, rút kinh nghiệm làm tốt hơn trong những năm tiếp theo.
Trong đó có kế hoạch riêng về kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Ông Phát thông tin thêm: Vừa qua, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có giảm, nhất là khu vực xung quanh TP.HCM, nhưng vẫn còn.
Việc kiểm tra những mẫu thịt, nước tiểu của heo chỉ là ngọn.
Bộ chủ trương phối hợp làm rõ và xóa bỏ các đường dây buôn bán chất cấm phi pháp này.
“Tôi nhất trí với ĐB Đỗ Văn Đương là phải đấu tranh với chất cấm trong chăn nuôi như với ma túy.
Đối với cá nhân tôi, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ hết sức chia sẻ với bà con nông dân
Trước đó, Bộ trưởng cũng cho biết hết sức chia sẻ với bà con nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp một năm hết sức khó khăn.
Nước ta đang phải đối phó với El Nino kéo dài và gay gắt nhất trong 60 năm.
Trong khi đó, thị trường nhiều loại nông sản chính gặp khó khăn như: Lúa gạo, cao su, cà phê, tôm và cá tra.
Theo Bộ trưởng, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tộc độ bình quân thấp, tính tới tháng 9 năm nay là 2,1% (thấp hơn mức 3% cùng kỳ năm 2014).
Tuy vậy, chăn nuôi và lâm nghiệp phát triển vẫn phát triển với tốc độ cao hơn (đặc biệt lâm nghiệp tới gần 8%).
Sản lượng hầu hết các loại mặt hàng nông lâm thủy sản đều tăng, nhưng một số mặt hàng chủ lực tăng chậm, như lúa năm nay có thể chỉ tăng 500.000 tấn, so với 1,6 triệu tấn năm ngoái.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ đạt 21,71 tỷ USD, giảm 5% do 5 mặt hàng chủ lực của chúng ta là gạo, cà phê, cao su, tôm, cá tra giảm mạnh.
Dù có 5 mặt hàng thuộc diện tỷ USD (rau, quả, điều, sắn, đồ gỗ) cũng tăng cao nhưng không kéo lại được.
“Từ giờ tới cuối năm, để tiếp tục phát huy những khả năng và phát triển sản xuất có tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiếp tục nâng cao đời sống nông dân, chúng ta cần tập trung khắc phục khó khăn về hạn hán, phát huy cơ hội thị trường, phát triển các loại nông lâm thủy sản có thị trường tốt như lúa gạo, điều, hồ tiêu, rau quả, sắn, đồ gỗ, tôm sú và các sản phẩm chăn nuôi”, Bộ trưởng Phát khẳng định.
Tái cơ cấu nông nghiệp đến đâu?
Trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Văn Tiếp hỏi về quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, người đứng đầu ngành NNPTNT thông tin: Hơn 2 năm qua, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế VAT.
Chính phủ cũng đã ban hành, sửa đổi nhiều chính sách với hầu hết các lĩnh vực nông lâm thủy sản.
Về tổ chức lại sản xuất, Bộ NNPTNT đã cùng các địa phương thúc đẩy sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn.
Năm 2015 đã có 536.000ha lúa tham gia cánh đồng mẫu lớn.
Mô hình liên kết cũng đã được xây dựng với các loại cây trồng vật nuôi khác.
Bộ cũng đã quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19 để tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Rất phấn khởi là gần đây đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư vào lĩnh vực này.
Bộ cũng đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy việc chuyển giao KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia và phát huy thế mạnh.
Nhiều doanh nghiệp có đóng góp rất tốt trong việc tạo, chọn và phổ biến các loại giống cây tốt cho nông dân.
Có thể ví dụ như Công ty giống Thái Bình có giống lúa được trồng trên diện tích lớn nhất trong tất cả các tổ chức nghiên cứu về giống lúa ở VN.
Nhờ có tái cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu sản xuất, đang tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng phát huy các lợi thế của cả nước và lợi thế vùng.
Đã có khoảng 200.000ha diện tích gieo trồng lúa được chuyển sang trồng cây khác có giá trị hơn.
Trong sản xuất lúa đang có xu hướng chuyển sang trồng những giống lúa có chất lượng, tỷ lệ giống lúa chất lượng cao tăng nhanh.
Riêng ở Thái Bình, vụ mùa vừa qua, 70% diện tích gieo trồng lúa có chất lượng cao.
Ngành thủy sản tiếp tục phát triển lĩnh vực đánh bắt xa bờ.
Riêng năm nay nhân dân đóng hơn 800 tàu cá.
Phát triển nuôi tôm công nghiệp và thâm canh bền vững.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo dừng khai thác rừng tự nhiên, tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn.
các hoạt động trên đều đang đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân, duy trì tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, sự chuyển động ở các địa phương còn có sự khác nhau, nhìn chung còn chậm so với yêu cầu như nhiều ĐBQH đã nêu.
Đến tháng 10.2015, hạn hán đã làm 155.000ha cây trồng ảnh hưởng, 36.000ha không thể gieo cấy.
Ở Ninh Thuận có những nơi 3, 4 vụ ko thể gieo trồng, nắng nóng ảnh hưởng tới năng suất lúa, cà phê ở nhiều nơi, Quảng Ninh, Quảng Ngãi bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ bất thường.
90 % xác suất là hạn hán còn gay gắt hơn và kéo dài tới mùa xuân sang năm.
Có thể bạn quan tâm
Rời TP Hồ Chí Minh khi đang có công việc ổn định, anh Nguyễn Văn Đảm đã lên Tây Nguyên tìm đất phù hợp để sản xuất bưởi da xanh theo hướng hữu cơ.
Trồng lan bán hoa cắt cành cho lợi nhuận cao gấp 1,5 lần thâm canh quất cảnh cùng diện tích.
Người dân ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đều ngưỡng mộ ông Nguyễn Văn Hùng, bởi ông đã nuôi thành công 2 giống gà quý hiếm.
Anh Nguyễn Thanh Nhàn (34 tuổi), ngụ ấp 6, xã Vĩnh Trung, H.Vị Thủy, Hậu Giang, được xem là người đầu tiên đưa giống xoài cát hồng về trồng thành công ở xã này,
Đó chính là chị Trương Ánh Nguyệt, ở ấp Láng Hầm, xã Thạnh Xuân, huyên Châu Thành A (Hậu Giang) khi nuôi cua đinh và ba ba cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.