Sở Tài Nguyên - Môi Trường đề xuất dừng hoạt động sản xuất bột cá
Trước thông tin này, nhiều DN chế biến bột cá cho rằng, địa phương cần phải xây dựng một lộ trình cụ thể để họ có định hướng sản xuất kinh doanh.
Sản xuất bột cá tại Công ty TNHH bột cá Hiền Nam Hải (xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu)
Trên địa bàn tỉnh hiện có có 15 nhà máy chế biến bột cá, tập trung ở huyện Tân Thành (10 nhà máy), huyện Đất Đỏ (4 nhà máy) và TP. Bà Rịa (1 nhà máy). Ước tính, các đơn vị sản xuất bột cá này mỗi ngày thải ra khoảng 1.000m3 nước thải gây ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm khí thải.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường – Tài nguyên (TP. Hồ Chí Minh), vấn đề ô nhiễm từ hoạt động sản xuất bột cá chủ yếu là do hơi nước từ việc sấy bột cá.
Ví dụ, 4kg cá nguyên liệu khi qua lò sấy sẽ cho ra 1kg bột cá nhưng đồng thời cũng tạo ra 3kg hơi nước bão hòa. Khí thải từ lò sấy cá là các loại khí độc hại như amoniac, hydro sulfua, mercaptan, các amin hữu cơ… Hiện nay, có 13/15 nhà máy chế biến bột cá đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải bột cá theo công nghệ sử dụng khí ozôn và công nghệ chế phẩm sinh học.
Theo đánh giá của Viện Môi trường – Tài nguyên, với công nghệ này, mùi hôi từ hoạt động sản xuất bột cá đã giảm đáng kể, nhưng vẫn gây tác động xấu đến chất lượng môi trường không khí xung quanh, với bán kính ảnh hưởng từ 2,5 đến 5km.
Bà Lê Thị Công, Giám đốc Sở TN-MT cho biết: “Hiện nay, hoạt động chế biến bột cá đang gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, quỹ đất của tỉnh ngày càng hạn hẹp, việc tìm vị trí xa khu dân cư để di dời các nhà máy sản xuất bột cá rất khó khăn.
Do đó, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh trong thời gian tới sẽ tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất bột cá trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh đang nghiên cứu chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến bột cá chuyển đổi công năng, sau đó di dời vào cụm chế biến hải sản tập trung”.
Trước thông tin này, nhiều DN chế biến bột cá cho rằng, ngay từ bây giờ, tỉnh cần có lộ trình cụ thể để họ có định hướng sản xuất kinh doanh. Ông Ngô Hồng Quân, Quản lý Công ty TNHH bột cá East Wind Việt Nam (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) cho biết: “Nhà máy chúng tôi hiện đang hoạt động với công suất 120 tấn/ngày.
Mặc dù đã được Sở TN-MT thông báo về việc này nhưng chúng tôi chưa nhận được thông tin cụ thể khi nào thì dừng hoạt động, tạm dừng bao lâu hoặc di dời như thế nào nên công ty không an tâm sản xuất kinh doanh”.
Công ty TNHH Đa Năng (hoạt động trong lĩnh vực chế biến bột cá) nằm trong khu chế biến hải sản xã Tân Hải (huyện Tân Thành) được xây dựng từ năm 2007, công suất 20 - 30 tấn/ngày, tổng mức đầu tư khoảng 5 triệu USD.
Ngoài việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, năm 2014, công ty đã đầu tư xây dựng thêm hệ thống xử lý khí thải với kinh phí khoảng hơn 1,5 tỷ đồng.
Công ty đã trả tiền thuê đất 50 năm (đến năm 2057). Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đa Năng cho biết: “Nếu UBND tỉnh có chủ trương dừng sản xuất bột cá thì DN sẽ chấp hành. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn địa phương nên sớm đưa ra lộ trình cụ thể về việc này, đồng thời có cơ chế chính sách hỗ trợ DN”.
Có thể bạn quan tâm
Từ nghèo khó, bà Lê Thị Kim Liên (thôn 17, xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp, Đăk Nông) đã có cơ ngơi bạc tỷ. Bí quyết của nông dân U60 này chính là mô hình đa canh, đa con để sẵn sàng “đối mặt” với bấp bênh của thị trường nông sản.
Chỉ với 8.000 m2 đất trồng bưởi xa xanh (BDX) VietGAP, ông Đào Văn Minh, ngụ xã Quới Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) thu về hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình của ông được nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tham quan học hỏi kinh nghiệm sản xuất.
Trang trại với các giống vật nuôi quý như gà Đông Tảo, vịt trời, lợn Bỉ… đem lại thu nhập trên một tỷ mỗi năm cho anh Phan Văn Miền ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô.
Ở thôn Minh Kha, xã Đồng Thái, huyện An Dương (TP.Hải Phòng), trang trại trồng hoa Mây Xanh của nông dân Đỗ Văn Xanh được rất nhiều người biết tới
Mô hình này đã đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế gia đình và góp phần vào sự phát triển chung của huyện Vĩnh Bảo.