Sốt Dịch Vụ Máy Gặt Đập Liên Hợp
Những ngày lúa chín rộ, máy gặt đập liên hợp (GĐLH) luôn trở thành mối quan tâm lớn của các hộ nông dân. Câu chuyện về chiếc máy gặt vì thế cũng trở nên “sốt” hơn, nhất là ở nơi đồng chiêm trũng Lương Tài (Bắc Ninh).
Gặt ngày gặt đêm
12 giờ trưa, dưới cái nắng như đổ lửa, những chiếc máy GĐLH vẫn chạy đều đều trên cánh đồng thôn Tuyên Bá, xã Quảng Phú (Lương Tài). Chỉ trong phút chốc cả thửa ruộng 6-7 sào đã thu hoạch xong trong sự hồ hởi, phấn khởi của người nông dân nơi đây.
Ông chủ nhiệm HTX Trịnh Văn Lực tự hào chia sẻ với chúng tôi: “Nói về máy gặt, có lẽ làng tôi là một trong số những làng sở hữu nhiều máy nhất tỉnh này. Toàn thôn có 8 chiếc, công suất trung bình từ 45-70ML (mã lực) việc thu hoạch lúa chỉ gói gọn từ 4-6 ngày là xong, nhà nông bây giờ đỡ vất vả hơn nhiều”.
Trong ảnh: Máy gặt anh Trịnh Văn Chiến trên cánh đồng thôn Tuyên Bá, xã Quảng Phú (Lương Tài).
Khoảng 3 năm trở lại đây, các gia đình ở Tuyên Bá bắt đầu mua nhiều máy GĐLH. Những hộ này đều có người nhà làm ăn trong miền Nam, thấy chiếc máy GĐLH có hiệu quả nên đã đầu tư mua về thử nghiệm trên đồng đất quê hương. Hiện tại, giá thuê máy gặt là 120.000 đồng/sào, máy GĐLH có nhiều ưu điểm hơn so với gặt tay thông thường. Cùng với việc hoàn thành dồn điền đổi thửa, chân ruộng ổn định, nhu cầu sử dụng máy GĐLH của người dân Tuyên Bá và các vùng lân cận đã ngày càng tăng.
Những ngày mùa, câu chuyện về việc thuê máy GĐLH luôn được người nông dân quan tâm nhất. Anh Trịnh Văn Chiến, chủ một chiếc máy gặt chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười: “Năm vừa rồi tôi đầu tư mua một chiếc máy GĐLH của Nhật, với nhiều ưu điểm như đường cắt nhanh, gọn nên nhà nào cũng muốn thuê. Những khi mang máy ra đồng, người này người kia tranh giành nhau để gặt trước, tôi khó xử không biết lựa chọn thế nào”.
Người làng còn như vậy, những người dân của các vùng lân cận muốn thuê máy gặt phải đăng ký trước với chủ máy. Để đáp ứng nhu cầu, các máy GĐLH ở đây đều phải hoạt động với cường độ cao, thường là bắt đầu từ sáng sớm đến khoảng 21h. Những bữa cơm ngay trên cánh đồng của các chủ máy gặt và các hộ thu hoạch lúa đã tạo ra một không khí rộn ràng của ngày mùa ở Tuyên Bá.
Bài toán khó về hiệu suất máy gặt
Ông Bùi Quang Thạo, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Lương Tài cho biết, toàn huyện có trên 10 chiếc máy GĐLH, số lượng này chỉ đáp ứng được chưa đến 5% so với nhu cầu thực tế. Vì thế, việc mua máy gặt và sử dụng máy với hiệu suất tối đa vẫn còn là một bài toán khó giải. Một chiếc máy của Trung Quốc hiện nay có giá 200-300 triệu, nhưng thời gian sử dụng ngắn, năng suất gặt chưa cao và lộ nhiều khuyết điểm. Trong khi đó, để mua được một chiếc máy Nhật người dân phải bỏ ra gần 600 triệu đồng. Điều mà những chủ máy lo lắng là đầu tư lớn như vậy nhưng thời vụ gặt chỉ kéo dài khoảng 15 ngày.
Nếu chủ máy tích cực đi sang các huyện hay tỉnh khác thì có thể duy trì làm dịch vụ trong gần 1 tháng. Năm nay, anh Trịnh Văn Chiến cũng đã phải thuê xe chở máy GĐLH vào Nghệ An làm dịch vụ khoảng 15 ngày trước khi trở về địa phương. Tính trung bình, phải sau từ 3-5 vụ mới trả hết số vốn ban đầu bỏ ra, đó là khi may mắn, máy không trục trặc, bởi nếu máy gặp sự cố, nhẹ thì mất 1 đến 2 ngày, nặng thì coi như mất trắng cả vụ.
Một điều nữa gây khó khăn cho máy gặt đập liên hợp hiện nay ở tỉnh Bắc Ninh là tuy các xã đã dồn điền đổi thửa nhưng diện tích vẫn chưa bảo đảm cho máy gặt dập liên hợp phát huy hiệu quả. Hơn nữa các hộ gia đình khi cấy thời gian không đồng nhất, lúa chín không đều nên việc sử dụng máy gặt đập liên hợp rất khó khăn.
Được biết, phần lớn những chủ máy GĐLH ở đây đều tự vay mượn để mua máy. Trước đó, một số máy GĐLH cũng đã được hỗ trợ vay vốn theo chính sách và phải đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa của các máy đạt 60% trở lên. Tuy nhiên, theo đánh giá của người nông dân, chất lượng các loại máy GĐLH này không thực sự tốt, thời gian sử dụng ngắn. Vì vậy, người dân rất mong muốn có sự hỗ trợ phù hợp theo nhu cầu sử dụng máy GĐLH ở từng địa phương.
Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp đang dần đi vào cuộc sống. Do vậy, các chính sách phát triển cơ giới hóa đồng ruộng cần được xem xét cụ thể, gắn liền với thực tiễn để nâng cao hiệu quả máy móc, đem lại những mùa vàng bội thu cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
7 học viên là cán bộ hội nông dân (ND), hội viên, ND vừa hoàn thành khóa thực tập sinh 4 tháng ở các trang trại của CHLB Đức. Đây là đợt thực tập sinh đầu tiên sang Đức học làm nông nghiệp trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Hội ND Đức và Hội NDVN.
Đó là thành quả khi tham gia Dự án "Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt của Việt Nam với mục tiêu cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng" do Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) phối hợp với cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện.
Thời gian gần đây, bên cạnh việc đưa sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My - Quảng Nam), Công ty cổ phần thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam còn đưa thêm cây sâm Cao Ly (Hàn Quốc) di thực về trồng thử nghiệm tại huyện miền núi biên giới Tây Giang.
Do chủ yếu người dân theo đạo Hồi nên đồ uống có cồn ở các quán ăn, nhà hàng của Indonesia cũng rất ít và rất hiếm thấy người dân ngồi nhậu vỉa hè, nhậu trong quán...
Cách đây mấy năm, anh Huỳnh Trung Quân (38 tuổi), ở số 18B, tổ 9, Bắc Hội, Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng đã thành công khi trồng cây phúc bồn tử.