Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phòng Chống Dịch Bệnh Trong Nuôi Trồng Thuỷ Sản Cần Chủ Động Hơn

Phòng Chống Dịch Bệnh Trong Nuôi Trồng Thuỷ Sản Cần Chủ Động Hơn
Ngày đăng: 15/10/2014

Trong nhiều năm gần đây, tình hình dịch bệnh đối với nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn Quảng Ninh diễn ra hết sức phức tạp, mặc dù ngành chức năng tích cực lấy mẫu xét nghiệm, đưa ra khuyến cáo đối với người nuôi để giảm bớt thiệt hại song các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay còn gặp không ít khó khăn.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi thuỷ sản toàn tỉnh là trên 20.100ha; trong đó, nuôi nước mặn lợ 16.730ha; nuôi nước ngọt 3.370ha và hơn 8.000 ô lồng.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh đã xảy ra và gây thiệt hại nghiêm trọng đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng tại các địa phương: Quảng Yên, Tiên Yên, Móng Cái... với diện tích mắc bệnh 634ha. Cùng với đó tại Vân Đồn, Hải Hà vẫn xảy ra tình trạng tu hài và cá song chết rải rác.

Qua kết quả các mẫu xét nghiệm của cơ quan chức năng, tôm nuôi tại các địa phương nói trên đã mắc các loại bệnh, như: Đốm trắng, MBV (bệnh còi tôm), hoại tử gan tụy đầu vàng, taura... Ngay khi kiểm tra, phát hiện dịch bệnh, cơ quan thú y đã cấp phát thuốc khử trùng tiêu độc cho các địa phương để khử trùng, vệ sinh nguồn nước ao nuôi, khuyến cáo người nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tránh lây lan.

Tuy nhiên, hầu hết các ao nuôi có tôm mắc bệnh đều không chữa khỏi và tiếp tục lây lan; phần lớn các vùng nuôi có ao nuôi mắc bệnh đều bị thiệt hại nặng. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, dịch bệnh đã gây thiệt hại trầm trọng cho người nuôi tu hài ở Vân Đồn và Đầm Hà.

Vụ nuôi xuân hè năm 2012 - 2013, tại Vân Đồn, đã có gần 700 hộ dân và các doanh nghiệp nuôi tu hài có tu hài chết với số lượng thống kê của địa phương lên tới gần 200 triệu giống cấp 2, ước thiệt hại trên 200 tỷ đồng. Tại Đầm Hà, 52.000 ô lồng nuôi tu hài của bà con nông dân cũng bị chết.

Qua kiểm tra, tu hài có hiện tượng sưng vòi, không co được vòi, rìa vỏ thâm đen, chết hàng loạt. Chi cục Thú y đã tiến hành thu 6 mẫu, kết quả 6/6 mẫu dương tính với vi khuẩn Vibrio spp và nội ký sinh Perkinsus spp (Vân Đồn: 4 mẫu, Đầm Hà: 2 mẫu). Mặc dù ngành chức năng và địa phương đã khuyến cáo dừng nuôi tu hài song vụ nuôi năm nay, người dân và các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nuôi, tình trạng tu hài sưng vòi, chết hàng loạt vẫn xảy ra.

Ông Đỗ Tờ, Giám đốc Công ty TNHH Đỗ Tờ cho biết: Liên tục trong mấy năm nay, dịch bệnh trên tu hài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương. Việc tu hài chết hàng loạt mà chưa tìm ra nguyên nhân khiến người nuôi thiệt hại nặng nề và lúng túng trong việc tiếp tục phát triển nghề nuôi.

Từ tháng 4-2012, khi dịch bệnh trên tu hài gây thiệt hại tại vùng nuôi Vân Đồn, vụ nuôi sau Công ty đã sử dụng tu hài giống tự nhiên để sản xuất thử, đồng thời kết hợp với nuôi ngao nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra; tỷ lệ tu hài sống chỉ đạt 5-7 con/lồng. Hiện doanh nghiệp đã chuyển hẳn sang nuôi một số giống ngao mới để từng bước thay thế con tu hài.

Cũng theo một số hộ nuôi tu hài tại Vân Đồn, do nhu cầu lớn về con giống nên người nuôi chủ yếu mua giống về từ Nha Trang hoặc nhập về từ Trung Quốc; một số hộ nuôi lấy nguồn giống này tự lai giống đến thế hệ F3, F4 khiến sức đề kháng của con giống yếu, ảnh hưởng tới chất lượng nghề nuôi.

Theo kết quả chẩn đoán ban đầu của ngành chức năng, tu hài chết là do vi rút Perkinsus sp. Tuy nhiên, tại hội thảo xác định nguyên nhân gây chết tu hài và khôi phục nghề nuôi do Tổng cục Thuỷ sản tổ chức tại Hạ Long vào cuối tháng 8 vừa qua thì Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I lại cho rằng tu hài chết không phải do vi rút Perkinsus sp mà do một loại vi rút gây sưng vòi cộng thêm với độ pH, độ mặn gây chết. Bên cạnh đó là do kỹ thuật nuôi, quy hoạch vùng nuôi và việc kiểm soát con giống là những nguyên nhân quan trọng dẫn tới dịch bệnh trên tu hài.

Hiện nay, nguồn giống tu hài chưa được kiểm soát nên cần nhanh chóng kiểm soát chặt chẽ nguồn giống, có phương pháp chẩn đoán vi rút. Giải pháp lâu dài là phải có chiến lược đối với đàn tu hài bố mẹ có khả năng kháng bệnh cao, thích ứng tốt với môi trường nuôi.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho rằng: Việc phát triển quá nhanh, thiếu kiểm soát về con giống là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản nói chung, nuôi tu hài nói riêng. Trước mắt cần sớm đưa ra kết luận chẩn đoán dịch bệnh đối với tu hài.

Về lâu dài, các viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản cần nghiên cứu, tạo ra giống tu hài có sức đề kháng tốt với môi trường, khả năng kháng bệnh cao; xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn đáp ứng nhu cầu nghề nuôi hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

Một số mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả Một số mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả

Nhằm giúp bà con có những thông tin cần thiết để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên xin giới thiệu một số mô hình chuyểnđổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả trên đất lúa đã được thực hiện thành công tại một số địa phương…

20/06/2015
Khô hạn ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa vụ thu đông Khô hạn ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa vụ thu đông

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, nắng nóng tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến ở mức 35 đến 380C, có nơi hơn 380C. Do ảnh hưởng hút gió của rìa đông nam vùng áp thấp phía tây cho nên ở vịnh Bắc Bộ có gió nam đến đông nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Sóng biển cao từ 1,5 đến 2,5m. Biển động.

20/06/2015
Thành lập Tổ hợp tác trồng nấm rơm sạch Phước Thành (Tây Ninh) Thành lập Tổ hợp tác trồng nấm rơm sạch Phước Thành (Tây Ninh)

Vừa qua, Hội Nông dân xã Phước Lưu (Trảng Bàng - Tây Ninh) đã công bố quyết định thành lập Tổ hợp tác trồng nấm rơm sạch ấp Phước Thành.

20/06/2015
Mô hình 3 giảm 3 tăng, lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha Mô hình 3 giảm 3 tăng, lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha

64 hộ nông dân thuộc mô hình trình diễn “3 giảm, 3 tăng” tại ấp Hòa Hưng, xã Hòa Tân (Châu Thành - Đồng Tháp) đã thu hoạch dứt điểm 60ha diện tích trình diễn theo mô hình 3 giảm, 3 tăng và sản xuất giống lúa chất lượng cao OM 5451.

20/06/2015
Hiệu quả mô hình trồng nấm rơm từ rơm cuộn Hiệu quả mô hình trồng nấm rơm từ rơm cuộn

Tiếp tục thực hiện Dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi: Giảm tác động biến đổi khí hậu dựa trên cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững” do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tài trợ; mới đây Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuyển giao công nghệ trồng nấm bằng nguyên liệu rơm cuộn từ máy cuốn rơm sau khi thu hoạch lúa, trong khuôn khổ hợp phần năng lượng tái tạo.

20/06/2015