Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sớm Khai Thông Tín Dụng Cho Tam Nông

Sớm Khai Thông Tín Dụng Cho Tam Nông
Ngày đăng: 04/03/2014

Việc Chính phủ ủng hộ đề xuất mới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về một chương trình hỗ trợ tín dụng lớn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được các ngân hàng đánh giá là dấu hiệu tích cực để sớm khai thông nguồn vốn cho khu vực này.

Hướng đi đúng...

Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) khẳng định: Hiện nay, mặt bằng lãi suất thị trường đang ổn định và có xu hướng giảm. Vấn đề là làm sao để khu vực nông nghiệp, nông thôn hấp thụ được vốn nếu các ngân hàng tung tiền ra khi thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng.

“Chúng ta phải phát triển hợp tác xã để đứng ra hỗ trợ nông dân, rồi phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hàng hóa thì mới có thể hấp thụ được vốn tín dụng (mô hình cánh đồng mẫu lớn giảm được 2% chi phí so với sản xuất nhỏ lẻ)” - ông Mạnh cho biết.

Thực tế hiện nay, nông dân sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có liên kết, cây, con nào có dấu hiệu tốt thì đổ xô vào làm, cuối cùng không bán được dẫn đến vỡ nợ, không trả được nợ. Vì vậy, ông Mạnh cho rằng, để có chính sách tín dụng hiệu quả thì phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết từ đầu vào tới đầu ra, khi đó tín dụng sẽ bền vững, thậm chí không cần thế chấp ngân hàng vẫn có thể cho vay.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng cho biết, chủ trương của ngành ngân hàng sẽ dành khoản tín dụng nhất định cho chương trình thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là hướng đi đúng giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; vào mô hình sản xuất mới; phục vụ tăng trưởng xuất khẩu nông - thủy sản.

Khoản tín dụng này sẽ có thời hạn vay, lãi suất phù hợp. Ðối với việc cho vay hộ nghèo và cận nghèo, hướng sắp tới là tập trung vào một số chương trình thiết yếu, tập trung vào phát triển sản xuất kinh doanh.

Nông thôn sẽ có đột phá

Ông Trịnh Ngọc Khánh cho rằng, nếu chủ động xây dựng, triển khai các gói sản phẩm tín dụng khép kín dựa trên chuỗi liên kết từ sản xuất, thu mua chế biến đến tiêu thụ và xuất khẩu thì sẽ nâng cao được hiệu quả và giảm chi phí hoạt động cho vay, không lo tín dụng “tắc”.

Thông điệp ủng hộ của Chính phủ và NHNN về một chương trình tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn đang được các ngân hàng đón nhận khá tích cực. Bởi nhiều ngân hàng hiện nay đã và đang cho vay khu vực này rất lớn.

Ông Trịnh Ngọc Khánh -Tổng Giám đốc Agribank cho biết, năm 2014, chủ trương của Agribank là tiếp tục mở rộng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu nâng tỷ lệ dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tối thiểu 72% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, riêng dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân tăng tối thiểu 17% so với năm 2013.

Không chỉ ủng hộ đề xuất của NHNN, Tổng Giám đốc Agribank còn yêu cầu sở giao dịch, các chi nhánh của mình tập trung nguồn vốn để tăng trưởng tín dụng, ưu tiên lĩnh vực, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ kịp thời cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; mở rộng và tăng trưởng tín dụng hộ sản xuất và cá nhân đảm bảo an toàn, hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Một vị lãnh đạo khác của Agribank cũng cho biết: Để có thể khơi thông dòng vốn cho nông dân trước hết ngân hàng sẽ cố gắng đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn, cũng như cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con. Ví dụ, ngân hàng cho vay theo niên vụ cây trồng; cho vay theo hạn mức tín dụng...

Ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn (Viện Quản lý kinh tế Trung ương): Với cơ cấu tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tương đối toàn diện như hiện nay, thì chương trình hỗ trợ tín dụng tới đây kết hợp với các chính sách khác của Nhà nước như chính sách khuyến nông, khuyến công sẽ tạo nên hiệu quả tổng hợp của chương trình.

Tuy nhiên, cần khắc phục hạn chế tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận trang trại và xác nhận giấy tờ vay vốn ở các địa phương còn chậm, ảnh hưởng tới tiến độ thẩm định, quyết định cho vay vốn, tới việc sản xuất kinh doanh mang nhiều tính thời vụ ở địa bàn nông thôn...

Sớm tháo gỡ điều này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản khu vực nông thôn, tạo điều kiện phát huy hiệu quả các chính sách của Nhà nước.

Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Hiện tín dụng dành cho nông nghiệp đã xác định hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải đưa được khoa học- công nghệ vào sản xuất, đưa thị trường, quan hệ thị trường đi vào mô hình tổ chức sản xuất để lĩnh vực này thu hút được vốn đầu tư lẫn vốn tín dụng. Vì vậy rất cần sự hỗ trợ từ chính sách để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có điều kiện tiếp cận vốn.Mai Nguyễn (ghi)


Có thể bạn quan tâm

Trồng Đậu Xanh Cao Sản Trồng Đậu Xanh Cao Sản

Bà con 2 thôn Phú Sơn Nam và Phú Sơn 1, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) đang thu hoạch đợt cuối vụ đậu xanh cao sản, lần đầu tiên đưa vào SX trên vùng đất khô hạn theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong vòng 70 ngày kẻ từ khi tra hạt, đậu cho năng suất hơn 2 tấn/ha. Với giá 22 nghìn đồng/kg, người trồng thu hơn 40 triệu đồng/ha, cao gần gấp 2 lần trồng lúa.

05/08/2013
Thất Thu Tiền Tỷ Do Cá Lồng Chết Hàng Loạt Và Bài Học Nuôi Ngoài Quy Hoạch Thất Thu Tiền Tỷ Do Cá Lồng Chết Hàng Loạt Và Bài Học Nuôi Ngoài Quy Hoạch

17 hộ nuôi cá lồng trên dòng Kênh Than - nơi giao nhau với vịnh Nghi Sơn, thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang đứng ngồi không yên bởi hiện cá chết hàng loạt. Mấy ngày qua, có người đã phát ốm vì thất thu hàng trăm triệu đồng, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

06/08/2013
Đậu Phộng Rớt Giá Mạnh Đậu Phộng Rớt Giá Mạnh

So với thời điểm sau Tết Nguyên đán, giá đậu phộng do nông dân huyện Tri Tôn (An Giang) canh tác ở vùng ruộng trên giảm gần 100.000 đồng/giạ (tương đương 40 lít).

06/08/2013
Bơ Được Mùa, Nhà Nông Thu Nhập Cao Bơ Được Mùa, Nhà Nông Thu Nhập Cao

Những ngày cuối tháng 7, các vùng quê huyện Gio Linh và Cam Lộ (Quảng Trị) đang vào mùa thu hoạch bơ. Nông dân rất phấn khởi vì vụ bơ năm nay được mùa, cho thu nhập cao.

06/08/2013
Tăng Cường Các Biện Pháp Bảo Vệ Con Nuôi Thủy Sản Tăng Cường Các Biện Pháp Bảo Vệ Con Nuôi Thủy Sản

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định đã và đang có bước phát triển mạnh. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm tập trung có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã nuôi thả 15.567ha, trong đó nuôi nội đồng 9.410ha, nuôi mặn lợ 6.159ha.

07/08/2013