Sớm Khai Thông Tín Dụng Cho Tam Nông

Việc Chính phủ ủng hộ đề xuất mới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về một chương trình hỗ trợ tín dụng lớn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được các ngân hàng đánh giá là dấu hiệu tích cực để sớm khai thông nguồn vốn cho khu vực này.
Hướng đi đúng...
Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) khẳng định: Hiện nay, mặt bằng lãi suất thị trường đang ổn định và có xu hướng giảm. Vấn đề là làm sao để khu vực nông nghiệp, nông thôn hấp thụ được vốn nếu các ngân hàng tung tiền ra khi thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng.
“Chúng ta phải phát triển hợp tác xã để đứng ra hỗ trợ nông dân, rồi phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hàng hóa thì mới có thể hấp thụ được vốn tín dụng (mô hình cánh đồng mẫu lớn giảm được 2% chi phí so với sản xuất nhỏ lẻ)” - ông Mạnh cho biết.
Thực tế hiện nay, nông dân sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có liên kết, cây, con nào có dấu hiệu tốt thì đổ xô vào làm, cuối cùng không bán được dẫn đến vỡ nợ, không trả được nợ. Vì vậy, ông Mạnh cho rằng, để có chính sách tín dụng hiệu quả thì phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết từ đầu vào tới đầu ra, khi đó tín dụng sẽ bền vững, thậm chí không cần thế chấp ngân hàng vẫn có thể cho vay.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng cho biết, chủ trương của ngành ngân hàng sẽ dành khoản tín dụng nhất định cho chương trình thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là hướng đi đúng giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; vào mô hình sản xuất mới; phục vụ tăng trưởng xuất khẩu nông - thủy sản.
Khoản tín dụng này sẽ có thời hạn vay, lãi suất phù hợp. Ðối với việc cho vay hộ nghèo và cận nghèo, hướng sắp tới là tập trung vào một số chương trình thiết yếu, tập trung vào phát triển sản xuất kinh doanh.
Nông thôn sẽ có đột phá
Ông Trịnh Ngọc Khánh cho rằng, nếu chủ động xây dựng, triển khai các gói sản phẩm tín dụng khép kín dựa trên chuỗi liên kết từ sản xuất, thu mua chế biến đến tiêu thụ và xuất khẩu thì sẽ nâng cao được hiệu quả và giảm chi phí hoạt động cho vay, không lo tín dụng “tắc”.
Thông điệp ủng hộ của Chính phủ và NHNN về một chương trình tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn đang được các ngân hàng đón nhận khá tích cực. Bởi nhiều ngân hàng hiện nay đã và đang cho vay khu vực này rất lớn.
Ông Trịnh Ngọc Khánh -Tổng Giám đốc Agribank cho biết, năm 2014, chủ trương của Agribank là tiếp tục mở rộng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu nâng tỷ lệ dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tối thiểu 72% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, riêng dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân tăng tối thiểu 17% so với năm 2013.
Không chỉ ủng hộ đề xuất của NHNN, Tổng Giám đốc Agribank còn yêu cầu sở giao dịch, các chi nhánh của mình tập trung nguồn vốn để tăng trưởng tín dụng, ưu tiên lĩnh vực, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ kịp thời cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; mở rộng và tăng trưởng tín dụng hộ sản xuất và cá nhân đảm bảo an toàn, hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Một vị lãnh đạo khác của Agribank cũng cho biết: Để có thể khơi thông dòng vốn cho nông dân trước hết ngân hàng sẽ cố gắng đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn, cũng như cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con. Ví dụ, ngân hàng cho vay theo niên vụ cây trồng; cho vay theo hạn mức tín dụng...
Ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn (Viện Quản lý kinh tế Trung ương): Với cơ cấu tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tương đối toàn diện như hiện nay, thì chương trình hỗ trợ tín dụng tới đây kết hợp với các chính sách khác của Nhà nước như chính sách khuyến nông, khuyến công sẽ tạo nên hiệu quả tổng hợp của chương trình.
Tuy nhiên, cần khắc phục hạn chế tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận trang trại và xác nhận giấy tờ vay vốn ở các địa phương còn chậm, ảnh hưởng tới tiến độ thẩm định, quyết định cho vay vốn, tới việc sản xuất kinh doanh mang nhiều tính thời vụ ở địa bàn nông thôn...
Sớm tháo gỡ điều này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản khu vực nông thôn, tạo điều kiện phát huy hiệu quả các chính sách của Nhà nước.
Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Hiện tín dụng dành cho nông nghiệp đã xác định hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải đưa được khoa học- công nghệ vào sản xuất, đưa thị trường, quan hệ thị trường đi vào mô hình tổ chức sản xuất để lĩnh vực này thu hút được vốn đầu tư lẫn vốn tín dụng. Vì vậy rất cần sự hỗ trợ từ chính sách để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có điều kiện tiếp cận vốn.Mai Nguyễn (ghi)
Related news

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tôm đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 29,2% so với cùng kỳ. Dự báo tổng xuất khẩu tôm Việt Nam trong 6 tháng cuối năm đạt trên 1,9 tỷ USD, còn cả năm ước đạt 3,2 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Những năm gần đây, phong trào nuôi yến ở Bình Định phát triển mạnh mẽ, hiện có khoảng 100 cơ sở nuôi, khai thác yến. Đi liền đó, các cơ sở mua bán, kinh doanh mặt hàng này cũng nở rộ.

Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học & Công nghệ), Phòng Kinh tế huyện Tánh Linh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Lạc Tánh đã triển khai mô hình liên kết trồng nấm linh chi, nấm rơm, sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm trên diện tích nhỏ tại vườn nhà anh Nguyễn Ngọc Dũng (khu phố Lạc Tín, thị trấn Lạc Tánh) mang lại hiệu quả kinh tế hộ gia đình.

Thời gian qua, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong) có nhiều bước phát triển, nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả. Cũng từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều tấm gương ngư dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, mà anh Võ Mao (SN 1960), thuộc KP Hải Tân 1, Phan Rí Cửa là một điển hình.

Theo cam kết, đến năm 2018, thuế suất đối với thuế nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0%, thay vì 30% như hiện nay. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành mía đường Việt Nam.