Mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững
Chư Pưh là địa phương có diện tích sản xuất hồ tiêu lớn của tỉnh với khoảng 2.773 ha. Trong đó, diện tích tiêu kinh doanh khoảng 2.272 ha, tổng sản lượng tiêu hàng năm dao động 10.000 - 11.000 tấn, thu khoảng 800 - 1.000 tỷ đồng. Là cây trồng có giá trị kinh tế lớn nên trong những năm qua, diện tích hồ tiêu trồng tự phát không ngừng tăng nhanh đã phá vỡ quy hoạch của địa phương. Cùng với đó, việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và các chất điều hòa sinh trưởng để tăng năng suất làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Phần lớn người dân chưa nắm rõ được quy trình kỹ thuật, chủ yếu trồng theo kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau nên những kiến thức về kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững còn nhiều hạn chế, thiếu cơ sở khoa học. Hậu quả là nhiều hộ trồng tiêu đã bị thiệt hại kinh tế do vườn tiêu bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt.
Trước thực tế trên, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã xây dựng dự án phát triển hồ tiêu bền vững bằng các chế phẩm sinh học nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và từng bước thay thế những phương thức canh tác bất hợp lý, đảm bảo tính bền vững, giữ gìn và cải thiện môi sinh... Theo đó, cơ quan chuyên môn của huyện đã xây dựng 4 mô hình, quy mô là 4 ha, trong đó 3,6 ha trình diễn, 0,4 ha đối chứng với 8 hộ tham gia; thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12-2016, tổng kinh phí hơn 534 triệu đồng (nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng, còn lại dân đóng góp). Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ các loại chế phẩm sinh học có tính năng kháng nấm bệnh, diệt sâu rầy, rệp sáp, tuyến trùng hại rễ bảo vệ cây trồng; bổ sung, cân bằng hàm lượng dinh dưỡng hữu cơ cho đất và cây trồng nhằm cải tạo môi trường, nâng cao giá trị sản xuất, giúp cây hồ tiêu phát triển bền vững.
Sau thời gian triển khai, dự án phát triển hồ tiêu bền vững bằng các chế phẩm sinh học bước đầu đã mang lại hiệu quả. Anh Nguyễn Văn Đoan (thôn Phú An, xã Ia Le)-một trong 8 hộ tham gia mô hình cho hay: “gia đình tôi có 7 sào đất trồng tiêu được hơn 3 năm nay nhưng hay bị bệnh vàng lá, chết nhanh, chết chậm và cây phát triển rất kém. Vừa qua, gia đình tôi được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ phân chế phẩm sinh học để bón đợt I cho cây hồ tiêu. Hiện vườn hồ tiêu của gia đình đang phát triển ổn định và tốt hơn nhiều so với trước đây”. Tương tự, anh Rơ Lan Ke (thôn Bê Têl, xã Ia Rong) cho hay: Gia đình có 1,2 ha hồ tiêu trồng từ những năm 2000. Khi đó thấy nhiều người trồng nên mình cũng trồng theo nhưng kỹ thuật không có nên tiêu của nhà thường xuyên bị bệnh và chết rải rác nên phải trồng đi trồng lại nhiều lần. Vừa rồi, được nhà nước hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và phân, vườn tiêu đang phục hồi và phát triển ổn định.
Những năm qua, tình hình sâu bệnh gây hại trên cây hồ tiêu ở huyện Chư Pưh ngày một gia tăng về diện tích và mức độ nên việc ứng dụng mô hình sẽ mang lại hiệu quả, giúp người trồng tiêu có thêm nhận thức về chế độ canh tác và ứng dụng các chế phẩm sinh học cho cây tiêu trong điều kiện khí hậu, thời tiết ngày càng biến đổi thất thường, sự suy thoái chất lượng về giống, đất đai ngày một gia tăng. Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết thêm: Phần lớn người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc hồ tiêu, dẫn đến tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong sản xuất. Việc này đem lại lợi ích trước mắt nhưng không bảo đảm thâm canh cây trồng bền vững, làm cho đất ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái, hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy, tồn dư các chất độc hại trong đất ngày càng nhiều làm phát sinh, tồn tại một số loại sâu bệnh gây hại, dẫn đến tình trạng hồ tiêu chết nhanh, chết chậm nghiêm trọng như hiện nay. Đồng thời, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Dự án sử dụng chất hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp sạch và sử dụng chế phẩm sinh học sẽ mang lại nhiều ưu điểm vượt trội như không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, không làm hại kết cấu đất, không làm chai đất, thoái hóa đất mà còn góp phần tăng độ phì nhiêu của đất, đồng hóa các chất dinh dưỡng, góp phần tăng năng suất và chất lượng. Ngoài ra, còn tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng. Người dân sử dụng chế phẩm sinh học sẽ giảm được khoảng 50% chi phí so với sử dụng phân bón hóa học.
Có thể bạn quan tâm
“Thất bại không phải là vấn đề, quan trọng nhất là biết mình thất bại ở đâu. Trong nuôi tôm công nghiệp, ai thành công đều phải nếm trải nhiều lần thất bại mới rút ra được kinh nghiệm xương máu cho mình” – ông Trần Quang Hiên, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bộc bạch.
Nhờ vào sự linh hoạt và mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất, ông Đinh Văn Sơn (xã Yên Thắng, Yên Mô) đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp có thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Gần đây, hội viên nông dân Nguyễn Quốc Thắng, Chi hội Nông dân ấp Bình Lợi, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chủ động xây dựng mô hình nuôi dê nhốt chuồng quy mô lớn (thí điểm), khởi đầu cho phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi do Hội Nông dân xã phát động.