Sên Vét Ao Đầm Và Nỗi Lo Kiểm Soát Dịch Bệnh
Mỗi năm, cứ vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bắt tay vào sên vét ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Thế nhưng, cứ đến mùa sên vét lại xảy ra bao nỗi lo về kiểm soát dịch bệnh, bởi lịch sên vét ao đầm vẫn chưa được thống nhất, quá nhiều bất cập, khiến vấn đề này cứ mãi luẩn quẩn chưa có lối ra.
Đã hơn 3 năm kể từ sau khi thực hiện theo Quyết định 09/2010/QÐ-UBND ngày 6/7/2010 về ban hành quy định sên vét ao đầm nuôi thuỷ sản (NTTS) và Quyết định số 13/2011/QÐ-UBND ngày 5/10/2011 của UBND tỉnh về sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 09 nhằm tránh sự chồng chéo về thời gian sên vét giữa các huyện: Cái Nước, Ðầm Dơi, Phú Tân, TP Cà Mau và Năm Căn.
Nhưng đến nay, vấn đề bất cập này vẫn chưa được xở gỡ, việc sên vét vẫn không đồng loạt, tình trạng xả thải ra sông vẫn còn… Hệ luỵ đã và đang nhìn thấy là dịch bệnh bùng phát và lây lan như hiện nay.
Thiếu “tiếng nói chung”
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân Phạm Văn Den cho biết, những năm trước đây, hầu hết các huyện chênh lệch nhau về thời gian sên vét. Ðể tránh sự chồng chéo đó, năm 2010, UBND tỉnh đã ra quyết định giao cho các huyện tự thương thảo để đưa ra thống nhất thời gian sên vét.
Thế nhưng, đến nay đã 3 năm, các địa phương vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung” và hầu hết đều trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Thực tế, theo kế hoạch hằng năm, UBND các huyện đưa ra, lịch sên vét ao đầm thường trong thời điểm từ tháng 8-9 và kéo dài trong vòng 60 ngày.
Tuy nhiên, do mỗi vùng có đặc thù riêng đã cho ra đời nhiều lịch thời vụ khác nhau. Cụ thể, năm 2014, lịch sên vét của huyện Cái Nước bắt đầu từ 15/7-15/9 âm lịch (10/8-10/10 dương lịch), huyện Ðầm Dơi từ ngày 14/9-15/10 dương lịch, còn huyện Năm Căn bắt đầu từ đầu tháng 8 và mỗi con nước xổ, đơn vị huyện lại ngưng nạo vét, do đó, thời gian kéo dài 2 tháng.
Ông Nguyễn Quốc Thống, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ðầm Dơi, thở dài: “Ðó cũng là một trong những mối lo ngại, trăn trở của địa phương. Bởi Ðầm Dơi chỉ nạo vét khoảng 1 tháng, còn các huyện khác lại nạo vét sớm hơn, kết thúc muộn hơn. Trong khi các tuyến sông giữa một số huyện thông thương với nhau, vấn đề sên vét không tập trung, không đồng loạt như thế này rất dễ phát sinh dịch bệnh khi người dân lấy nước ra vào”.
Mùa sên vét năm nay trễ hơn năm trước khoảng 15 ngày. Nguyên nhân cũng chính từ việc “dây dưa” khó đưa ra một quy định thống nhất và chặt chẽ giữa các địa phương nhằm bảo vệ môi trường ao nuôi, giảm dịch bệnh. Các đơn vị chờ dự thảo mới từ Sở NN&PTNT để mở hướng cho vấn đề này nhưng dự thảo hiện vẫn chưa thể thực hiện.
Do lịch sên vét chậm, nhiều hộ dân vì nóng lòng đã “xé rào” sên vét trước, khiến việc quản lý môi trường càng trở nên rối rắm hơn. Ông Den nhìn nhận: “Việc sên vét không đồng loạt tất yếu sẽ dẫn đến vấn đề người nuôi tôm lấy nước ra vào, dễ phát sinh dịch bệnh”.
Cần một giải pháp
Tại huyện Ðầm Dơi, lịch sên vét “ra đời” chưa đầy một tuần lễ nhưng hộ dân đã sên vét trước đó rất lâu. Ông Nguyễn Văn Quảng, khóm 5, thị trấn Ðầm Dơi, vô tư: “Gia đình tôi sên ao đến nay gần 10 ngày rồi. Lịch năm nay trễ quá, không phải riêng tôi, ai cũng nóng lòng muốn sên sớm để thả vụ mới”.
Ngoài vấn đề lịch sên vét khá trễ so với những năm trước, phải kể đến ý thức của người dân trong vấn đề xả thải khiến địa phương lúng túng trong cách xử lý.
Ông Thống bộc bạch: “Dù đã tăng cường kiểm tra hoạt động sên vét nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng bao ví mang tính chất đối phó, người dân vẫn lén lút đổ bùn ra sông. Thật ra việc này cũng rất khó cho người dân, đã qua mấy chục năm nuôi tôm, vườn cũng đã trồng cây trái, diện tích bao ví giờ không còn bảo đảm nữa”.
Bà Lê Huyền, ấp Tân An Ninh A, xã Tạ An Khương Nam, huyện Ðầm Dơi, than: “Gia đình đã cố gắng bao ví để không xả thải ra sông, nhưng khó lắm vì vườn trồng cây ăn trái, xả trực tiếp lên thì cây chết, còn bao ví ở ngoài thì không có đất”.
Một điều bất cập khác là số hộ đăng ký sên vét cứ giảm dần theo từng năm. Năm 2013, toàn huyện Ðầm Dơi có 764 hộ làm đơn xin đăng ký cải tạo ao đầm, phương tiện cải tạo, nhưng năm 2014 chỉ còn 114 hộ. Theo đánh giá chung, thủ tục đăng ký khá rườm rà, mặt khác số hộ không đăng ký vẫn được cải tạo nhưng cũng không bị xử lý.
Về vấn đề này cần phải nhìn nhận các địa phương chưa thật sự quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Tính riêng Phòng NN&PTNT huyện Ðầm Dơi năm 2013 đã phát hiện 212 trường hợp vi phạm, nhưng chỉ xử lý hành chính 45 trường hợp. Ông Thống phân trần: “Chủ yếu là nhắc nhở răn đe, bởi thật ra đời sống một số hộ cũng khó khăn, thiếu khả năng nộp phạt”.
Ðể giải quyết những bất cập nêu trên, hầu hết các địa phương đều lúng túng. Phải làm gì để sên vét ao đầm không còn là nỗi “ám ảnh” chung, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, rất cần các ngành chức năng có liên quan vào cuộc, tìm một hướng đi phù hợp cho các địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, anh Phạm Văn Chương (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình nhờ trồng mía nguyên liệu mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
Trong tháng 6 năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bạc Liêu thực hiện mô hình nuôi cá chẽm tại 2 hộ là ông Nguyễn Văn Tùng ở ấp Rạch Rắn, xã Long Điền, huyện Đông Hải và ông Trần Vũ Linh ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình. Tổng kinh phí đầu tư cho mô hình quy mô 1ha là hơn 58 triệu đồng.
Tình hình nuôi tôm biển (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) trong vùng quy hoạch ngọt hóa (VQHNH) đã và đang xảy ra. Nếu diện tích này tăng, sẽ gây ô nhiễm môi trường và phá vỡ vùng nước ngọt trong hệ thống Cống đập Ba Lai (Bến Tre).
Trạm Khuyến nông TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) vừa tổ chức hội thảo về kết quả sản xuất nấm bào ngư. Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 11/2012 đến tháng 3/2013 tại xã Hòa An và Tịnh Thới.
Với lợi thế là dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, đầu ra ổn định, cây tắc đã được nhiều hộ dân ở xã Tân Thiềng (Chợ Lách - Bến Tre) chọn làm kinh tế gia đình. Trong đó có gia đình nông dân Lê Văn Sớt (56 tuổi), ở ấp Tân Thạnh - xã Tân Thiềng. Gia đình ông Sớt đã trồng tắc hơn 25 năm qua, với hiệu quả cao.