Nuôi Bò Sữa Cho Nghe Nhạc
Cầm trong tay tấm bằng cử nhân ngành Quản trị kinh doanh, chàng trai 22 tuổi Phạm Văn Hiếu (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng - Lâm Đồng) quyết tâm trở về quê nhà để lập nghiệp. Công việc mà Hiếu chọn để khởi nghiệp cũng khá đặc biệt, đó là chăn nuôi bò sữa cho nghe nhạc.
Phạm Văn Hiếu là con trai út trong gia đình thuần nông. Từ khi còn học ở Trường Đại học Yersin, Hiếu luôn là gương mặt tiêu biểu trong học tập cũng như hoạt động đoàn. Điều này được minh chứng qua rất nhiều những giấy khen, bằng khen mà Hiếu đã đạt được.
Đặc biệt, trong cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh” do Trường Đại học Yersin phối hợp với Tập đoàn L’appel - Pernod Ricard (Pháp) tổ chức cho sinh viên trên toàn tỉnh Lâm Đồng, Dự án “Nuôi bò sữa cho nghe nhạc” của chàng sinh viên năm 4 Phạm Văn Hiếu đã vượt qua hơn 50 đề tài khác để giành giải nhì của cuộc thi. Do có tính ứng dụng thực tiễn cao nên dự án này đã được Tập đoàn L’appel - Pernod Ricard hỗ trợ 90 triệu đồng để triển khai.
Ngay khi tốt nghiệp đại học, Hiếu đã bắt tay triển khai dự án này trong thực tế. Lý giải về việc chọn bò sữa để khởi nghiệp, Hiếu cười nói: “Quê em giàu lên nhờ bò sữa, em muốn làm giàu từ chính lợi thế của mảnh đất này. Hơn nữa, dự án cũng vừa sức với điều kiện kinh tế gia đình và giúp em có nhiều thời gian bên ba trong những ngày bạo bệnh”.
Mẹ của Hiếu, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, chia sẻ: “Ngày đầu khi nghe Hiếu nói về dự án của mình, chúng tôi chưa hoàn toàn tin tưởng nên không dám vay mượn hàng trăm triệu đồng cho con làm. Nhưng thấy Hiếu quyết tâm, đưa ra cách thức kinh doanh hợp lý cộng với sự hỗ trợ của nhà trường và của tổ chức từ Pháp, gia đình tôi mới mạnh dạn vay 200 triệu đồng giúp con thực hiện ước mơ”.
Kỹ thuật nuôi bò sữa cho nghe nhạc đã được áp dụng có hiệu quả tại những trại chăn nuôi bò lớn trong và ngoài tỉnh. Để chuẩn bị cho việc chăn nuôi bò, suốt thời sinh viên, Hiếu đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa hiện đại. Hiếu đặc biệt quan tâm và tìm tòi những kiến thức về lợi ích của việc cho bò nghe nhạc. Hiếu tâm sự: “Ngoài lý thuyết, những bài học thực tiễn rất quan trọng. Riêng trong nuôi bò sữa, yếu tố giống quyết định 60% thành công. Đây là bài học thực tiễn khó khăn nhất của em.
Do đó, em luôn tìm đến những người chăn nuôi đi trước để học hỏi thêm kinh nghiệm”. Theo người hàng xóm của Hiếu, ông Trần Văn Ngọc (cũng là chủ một trang trại chăn nuôi bò sữa ở xã Hiệp Thạnh), thì bất cứ khi nào có ai trong xóm xuống Trung tâm bò giống ở Sài Gòn hay Củ Chi, Hiếu đều xin đi theo để học hỏi cách lựa chọn bò giống tốt. Đến nay, Hiếu đã có đủ tự tin để chọn bò giống như một người nuôi bò kinh nghiệm”.
Từ 2 con bò giống ban đầu, hiện Hiếu đã sở hữu cơ sở chăn nuôi khang trang với 4 con bò mẹ chuẩn bị sinh sản và một con bò con.
Ngoài thiết kế xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò sữa theo kỹ thuật hiện đại, điều đặc biệt nhất ở khu chuồng trại của Hiếu chính là hệ thống âm thanh hoạt động 12 tiếng/ngày. Trên những góc cao của cột chuồng, tự tay Hiếu mắc hệ thống dây điện có hai loa âm thanh loại nhỏ kết nối với máy tính.
Từ đây, những bản nhạc cổ điển lan tỏa đều khắp với âm lượng vừa phải. Hiếu cho biết: “Từ thực tế áp dụng cho thấy, những bản nhạc giao hưởng giúp bò sinh trưởng, phát triển tốt, bò ăn ngon hơn và kích thích cho nhiều sữa hơn.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu cho bò nghe những bản nhạc du dương sẽ giúp chúng giảm stress và tăng khoảng 3% lượng sữa mỗi ngày. Với mức giá sữa khoảng 14 - 15 ngàn đồng/lít như hiện tại, dự kiến trong khoảng một năm rưỡi, dự án sẽ thu hồi được vốn”.
Hàng ngày, Hiếu vừa là ông chủ, vừa làm công nhân. Tự tay chàng trai trẻ làm tất cả mọi việc liên quan đến đàn bò từ xay cỏ, cho bò ăn, điều chỉnh âm nhạc, dọn rửa chuồng. Hiếu chăm sóc đàn bò một cách cần mẫn, say sưa và đầy tính chuyên nghiệp. Sau khi vượt qua 3 lần kiểm tra thực tế của đại diện Tập đoàn L’appel - Pernod Ricard, Hiếu đã được nhận số tiền hỗ trợ của tập đoàn để triển khai dự án.
Ông Nguyễn Đình Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh, cho biết: Đây là dự án chăn nuôi bò theo mô hình mới đầu tiên của người dân tại xã. Hiện tại, địa phương rất khuyến khích và tạo điều kiện để có những mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi cho bà con nông dân. Ngoài tận dụng được lợi thế của địa phương, những mô hình như Dự án “Nuôi bò sữa cho nghe nhạc” của Hiếu còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, từ khi Dự án 418 khép kín, ngọt hóa, các ấp: Thạnh Bình, An Thạnh, một phần Thạnh Quí B và Thạnh Quí A, người dân làm lúa được một vụ.
Thực hiện chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ cho bà con nhà vườn trong phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn, theo Công văn số 498/TTg-KTN, ngày 13/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã tiến hành các bước để làm cơ sở cho việc hỗ trợ nhà vườn trồng nhãn phòng, chống bệnh chổi rồng. Bước đầu tiên là thống kê sơ bộ diện tích nhiễm bệnh và mức độ thiệt hại để có cơ sở công bố dịch; bước tiếp theo là lập biên bản xác định diện tích nhiễm bệnh, tỉ lệ thiệt hại được lập cho từng hộ là căn cứ để hỗ trợ kinh phí phòng trừ bệnh; bước thứ ba là thẩm định việc phòng trừ bệnh của nhà vườn theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT để xác định chính xác số tiền được hỗ trợ của từng hộ trồng nhãn.
Trời mưa lớn kéo dài đã khiến trên 40 ha đỗ tương, đỗ xanh của xã Tiền Phong (Thanh Miện, Hải Dương) đang chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch bị thối.
Ông Toái cho biết, 1 năm trước, thấy có người bán trứng gà rừng, ông mua về cho gà ri ấp. Chẳng bao lâu, gà rừng con nở và ông phát triển đàn từ đó. Sau khi bán hơn một nửa, hiện nay, đàn gà rừng của ông có hơn 40 con. Theo ông Toái, cùng một lứa, khi gà trống biết gáy (6 tháng), tháng sau gà mái cũng vào tuổi sinh sản. Gà rừng mái thường đẻ trứng ngoài bụi cây, lùm cỏ, ông Toái theo dõi, nhặt trứng về, rồi làm tổ, ép cho gà ri mẹ ấp.
Ông Đỗ Chí Sĩ-Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau, cho biết: Vừa gởi báo cáo bước đầu với UBND tỉnh Cà Mau về kết quả thu mẫu tìm nguyên nhân cá chết bất thường ở Bồ Đề (xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau).