Sẽ xử lý mạnh tay với chất tạo nạc

Tình trạng sử dụng chất tạo nạc ngày càng có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng
Theo Chỉ thị số 7285 do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát ký ngày 7-9, về việc tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi, Bộ yêu cầu các địa phương tổ chức ngay các đoàn công tác kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là chất salbutamol (chất tạo nạc) trên địa bàn.
Nơi tập trung kiểm tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, trang trại, lò mổ và các chợ.
Về việc kiểm tra ở địa phương, tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cần lưu ý các cơ sở gia công thức ăn chăn nuôi, phối trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung. Tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi cần kiểm tra thức ăn chăn nuôi, nhất là nước tiểu vật nuôi ở giai đoạn vỗ béo, xuất bán đối với lợn thịt và bò thịt.
Đối với các lò mổ, cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận, nhất là nước tiểu của các loại lợn, bò thịt trước khi đưa vào giết mổ. Các chợ cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận của lợn và bò thịt.
Định kỳ ngày 25 hàng tháng, các tỉnh tổng hợp báo cáo tình hình kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn gửi Cục Chăn nuôi tập hợp báo cáo Bộ và Ban chỉ đạo 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các địa phương cũng phải tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam; thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm. Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phi đạo đức phải bị cộng đồng, dư luận tố giác và tẩy chay.
Đồng thời Bộ trưởng Phát cũng yêu cầu xử lý thật nghiêm các vi phạm về sản xuất kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo các quy định tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT và Điều 155 Bộ Luật hình sự quy định đối với hành vi sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng cấm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo thông tin tại buổi họp báo thường kỳ được tổ chức cuối tháng 8 vừa rồi tại Bộ NNPTNT, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng, đáng báo động, đặc biệt là các tỉnh ở khu vực phía Nam. Chi cục Thú y TP HCM trong 6 tháng đầu năm nay đã kiểm tra 277 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô và phát hiện ra 31 mẫu dương tính với chất salbutamol với hàm lượng cao từ 80-1.300 ppb thuộc 7 lô heo. Trong đó có 4 trường hợp xuất xứ từ Đồng Nai, 2 trường hợp ở Tiền Giang và 1 trường hợp ở Long An.
Bên cạnh đó, không chỉ các hộ dân trang trại nhỏ lẻ bị phát hiện có sử dụng chất tạo nạc mà ngay cả các trang trại gia công cho các công ty lớn cũng bị phát hiện có sử dụng chất cấm.
Có thể bạn quan tâm

Không chỉ trang bị kiến thức, tư vấn làm ăn cho bà con nông dân (ND) Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND Hà Tĩnh còn làm đầu mối “tiếp sức” cho bà con ND sau học nghề được tiếp cận vốn ưu đãi, ký kết hợp đồng cung ứng giống, phân bón thức ăn và bao tiêu sản phẩm.

Sau hơn hai năm triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập người dân, phát triển KTXH trên địa bàn mà OCOP đã khẳng định thương hiệu riêng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh.

Phong trào “nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân (HND) đang ngày càng lan rộng trong các tầng lớp nông dân toàn tỉnh. Qua đó, đã khơi dậy ý chí làm giàu, là động lực giúp nông dân vươn lên trong cuộc sống.
Nhà nông Cao Minh Chí (sinh năm 1961) áp dụng biện pháp luân canh giữa các loại rau với hoa trong nhà kính ở khu vực Đất Mới, phường 7, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm. Nhiều năm liền, ông Chí được bầu chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Khi truyền thông đưa tin đại gia này nuôi bò thu về lợi nhuận khủng, đại gia kia dốc hàng trăm tỉ đồng ra trồng rau…, không ít người cho rằng những đại gia Việt này đang chạy theo phong trào. Thế nhưng, chính những dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của họ đang mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp Việt.