Sẽ giảm dần diện tích hành tím
Mấy tháng gần đây, giá hành tím liên tục giảm, người trồng hành tại các huyện Trần Đề, Vĩnh Châu (Sóc Trăng) điêu đứng, có lúc giá chỉ còn 2.000đ/kg. Bằng nhiều giải pháp cũng như sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, đến nay giá hành tím đang nhích dần...
Hậu quả...
Nhiều năm này, hành tím là "đặc sản độc quyền" của tỉnh Sóc Trăng. Giá luôn ở mức khá cao nên người dân đua nhau mở rộng diện tích đến mức khó kiểm soát.
Trước Tết Nguyên đán, giá hành tím lên đến 15.000đ/kg, người dân trồng hành phấn khởi ra mặt. Sau đó đột nhiên giá liên tục giảm, tỷ lệ thuận với sản lượng thu hoạch. Thời điểm đầu tháng 4, giá hành chỉ còn 2.000đ/kg.
Ông Trần Xiên, ấp Sóc Lèo, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề cho biết: Thời điểm đó, thương lái địa phương không thèm mua hành, người dân thu hoạch chất đống khắp nơi. Theo nghề trồng hành tím đã hơn 20 năm nay, chưa năm nào ông Xiên thấy cái nghề này lại bạc bẽo như vậy.
Theo tính toán của ông Xiên, chi phí một vụ hành cả tiền giống, phân bón, chưa tính công chăm sóc, 2 công hành tím nhà ông hết khoảng 10 triệu đồng. Gia đình ông thu hoạch được khoảng 2,5 tấn hành, với giá đó ông lỗ khoảng 50% tiền đầu tư.
Ông Kim Sà Lịnh ở phường 1, thị xã Vĩnh Châu than thở: Trồng hành phải hơn 2 tháng mới thu hoạch. Năm nay, năng suất tính ra không bằng năm trước nhưng không hiểu sao giá lại giảm mạnh. Cả mùa vụ cực khổ, vậy mà khi thu hoạch phải năn nỉ thương lái mà họ không buồn mua.
Ông Dương Minh Hoàng, Giám đốc TTKN Sóc Trăng nhận định: Mấy năm nay con tôm gặp khó, người dân chuyển đổi từ nuôi tôm sang trồng hành khá nhiều
Diện tích hành tím 3 năm trước chỉ khoảng 4.000ha, nay đã tăng lên hơn 7.700 ha. Thêm vào đó, nước NK hành tím chủ yếu của ta đã ngừng tiêu thụ. Doanh nghiệp XK cũng chưa tìm được thị trường mới nên giá hành lao dốc không phanh.
Hành tím là một trong những cây trồng đặc trưng của Sóc Trăng, được trồng tập trung nhiều nhất tại Vĩnh Châu. Ông Lê Minh Trường, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết: Vụ hành tím năm nay nông dân thị xã trồng gần 6.000 ha, sản lượng đạt khoảng 100.000 tấn. Trừ số hành giống cho vụ sau và lượng hành đã tiêu thụ, hiện tại còn tồn khoảng 50% sản lượng.
Sẽ giảm dần diện tích
Để gỡ khó cho người trồng hành, các cơ quan chức năng của tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các bộ, ngành tìm mọi giải pháp cứu người trồng hành tím Vĩnh Châu.
Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng có văn bản gửi liên đoàn lao động các huyện, thị, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở trực thuộc đề nghị vận động đoàn viên mua hành tím ủng hộ nông dân.
Đây là việc làm chung tay chia sẻ những khó khăn trước mắt của nông dân trồng hành tím, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc.
Cùng thời điểm, Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng có văn bản gửi Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và dân vận các huyện, thị trên địa bàn đề nghị kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia mua hành tím giúp nông dân.
Bên cạnh đó, phương án tăng cường công tác tuyên truyền vận động người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và người dân cả nước chia sẻ khó khăn với các hộ trồng hành thông qua việc làm thiết thực là mua ủng hộ cũng được triển khai khắp nơi...
Từ nhiều giải pháp trên, đến nay giá hành tím tại Sóc Trăng đã nhích lên đáng kể. Nếu ở thời điểm đầu tháng 4, giá hành chỉ trên dưới 2.000đ/kg, thì gần 1 tuần nay giá đang được mua ở mức 7.000 đến 8.000đ/kg; với hành loại tốt, củ to, đều, một số thương lái đã trả giá tới 9.000 đến 10.000đ/kg. Tuy nhiên tốc độ tiêu thụ vẫn rất chậm.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Sóc Trăng, giải pháp trên chỉ là tình thế. Về lâu dài, tỉnh sẽ có kế hoạch tổ chức lại sản xuất. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ khuyến cáo bà con giảm dần diện tích trồng hành tím ở mức độ hợp lý để đảm bảo cung cầu.
Ngoài ra, sẽ xây dựng kế hoạch, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp để thay thế hành tím. Bên cạnh đó, hướng dẫn và vận động bà con tham gia vào việc sản xuất theo hướng liên kết "4 nhà", thông qua sản xuất theo mô hình HTX, tổ hợp tác, nhằm ổn định đầu ra.
Đi liền đó, Sở NN-PTNT Sóc Trăng sẽ hỗ trợ, chuyển giao cho người dân khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình sạch, thu hút các doanh nghiệp tiêu thụ hành tím ổn định cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 7-11, tại Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cùng Công ty cổ phần khử trùng Việt Nam (VFC) và Công ty Syngenta Việt Nam hợp tác để đưa ra phương pháp xử lý tuyến trùng cho cây cà phê tái canh.
Trung tâm Giống Nông nghiệp đang triển khai thực hiện Đề tài nuôi vỗ đàn cá tra được cải tạo di truyền thành cá tra bố mẹ, nhằm giúp các hộ sản xuất giống cá tra trong tỉnh Bến Tre có đàn cá bố mẹ được chọn lọc di truyền, cho ra những thế hệ con giống có tỷ lệ thịt phi lê cao và tăng trưởng nhanh.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 146 cơ sở sản xuất kinh doanh và 1.264 cơ sở ương giống thuỷ sản; đặc biệt, trong đó có 1.174 cơ sở nhân giống cá tra, sản xuất được hơn 28 tỷ cá bột và trên 2 tỷ cá tra giống. Các cơ sở không những cung ứng đủ giống cá tra trong tỉnh mà còn cung ứng 60 - 70% cá tra giống cho các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Bao đời nay đời sống của người dân tại các vùng ven biển Quảng Trị nói chung và xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong nói riêng chủ yếu dựa vào nghề biển. Từ năm 2008, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng rộ lên với nhiều gia đình trúng tiền tỷ từ con tôm thì giấc mơ đổi đời từ tôm đã có sức hút mạnh mẽ đối với người dân. Nhiều gia đình đã bỏ nghề đi biển để đầu tư tiền bạc, công sức vào nuôi tôm. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi tôm cũng chỉ trúng vài vụ đầu, đến nay do dịch bệnh tràn lan đã khiến hàng trăm hộ gia đình nơi đây lâm vào cảnh nợ nần.
Vốn đầu tư không nhiều; thị trường rất tiềm năng; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản; rủi ro ít, thức ăn tiêu tốn chỉ bằng 1/3 heo nhà… Đó là những lợi thế vượt trội của việc nuôi heo rừng hiện nay. Ông Nguyễn Văn Bồng, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết như vậy.