Sầu Riêng Tuột Giá Vì Cắt Bán Trái Non

Từ mức giá kỷ lục 125.000 đồng/kg bán tại vườn thời điểm cuối tháng 11, hiện giá sầu riêng tại Tiền Giang rớt xuống chỉ còn trên dưới 50.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân và cả thương lái thiệt hại nặng.
Theo một thương lái, sầu riêng lâu nay chủ yếu được xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, một số ít bán qua Campuchia. “Riêng năm nay, do sản lượng và diện tích nghịch mùa ít, trong khi nhu cầu của khách hàng tăng nên "hút" hàng. Vì vậy, để mua được sầu riêng, nhiều thương lái đã cạnh tranh quyết liệt và đẩy giá lên cao. Thậm chí, có người còn mua và cắt luôn sầu riêng chưa đủ độ già để đem đóng thùng xuất khẩu, đến khi giao hàng thì sầu riêng chưa... kịp chín hoặc thối nên bị đối tác từ chối không nhận, khiến cho giá tuột dốc thê thảm”, người này nói.
Ông Ngô Quốc Cường, Phó bí thư Đảng ủy xã Long Trung (H.Cai Lậy), đồng thời cũng là một nông dân trồng sầu riêng, lại cho rằng giá sầu riêng tuột dốc còn có nguyên nhân do sầu riêng chính vụ chuẩn bị thu hoạch, đồng thời sầu riêng Mong Thong của Thái Lan cũng bắt đầu đưa ra thị trường nên “đụng hàng”. Hiện nhà vườn kêu giá 50.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không mua.
Anh Nguyễn Văn Năm, một nông dân ở xã Long Trung (H.Cai Lậy), cũng cho biết: “Thông thường sầu riêng giống Ri-6 sẽ thu hoạch sau 3 tháng kể từ lúc hoa nở, nhưng cũng còn tùy theo điều kiện thời tiết mà trái có thể chín muộn hơn. Vậy mà lúc đang sốt giá, vườn sầu riêng của tôi còn chưa chín nhưng thương lái cứ quyết liệt đòi mua với giá 110.000 đồng/kg rồi họ cắt luôn khi trái mới được 80 ngày”. Còn chị Kim Nguyên (xã Long Tiên, H.Cai Lậy) kể: “Lúc thương lái tới mua giá 100.000 đồng/kg với điều kiện phải cho cắt ngay thì tôi quyết từ chối vì trái chưa già nên chỉ nhận tiền cọc. Đến khi giá tuột xuống thì họ tới năn nỉ, xin giảm giá, nếu không thì họ bỏ tiền cọc, không cắt. Thế là tôi bị thiệt vì đã không bán trái non”.
Hiện nay, trên một đoạn đường chưa đầy 5 km của tỉnh lộ 867 và 868 thuộc 2 xã Long Trung và Tam Bình (H.Cai Lậy) có tới hơn 100 vựa mua sầu riêng, trong đó 7 đầu mối bán trực tiếp qua Trung Quốc, còn lại là những vựa làm vệ tinh cho các đầu mối lớn để ăn tiền chênh lệch. Bên dưới mỗi vựa vệ tinh còn có hàng chục lái con, những người này tỏa đi khắp nơi để “săn” sầu riêng cho các vựa.
Theo bà B., chủ một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, giá sầu riêng tuột dốc còn có lý do tại... mình. “Khi thấy thương lái cứ nâng giá liên tục và cắt cả trái chưa chín thì tôi ngưng không mua nữa, vì lúc đó tôi chỉ ký hợp đồng xuất được với mức giá dưới 135.000 đồng/kg. Chính sự cạnh tranh không lành mạnh đã làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng sản phẩm. Chúng tôi tha thiết mong có một tổ chức đứng ra điều tiết, hướng dẫn việc mua bán, xuất khẩu trái cây để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, gây thiệt hại cho nông dân”, bà B. nói.
Nguồn bài viết: http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/sau-rieng-tuot-gia-vi-cat-ban-trai-non-517073.html
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo vừa công bố của Cơ quan Dịch vụ xuất khẩu gạo Một cửa Campuchia, nước này đã xuất khẩu được 369.105 tấn gạo trong chín tháng đầu năm 2015, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2014.

Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu hàng trăm triệu USD trái cây để phục vụ thị trường nội địa. Liệu việc xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường "kỹ tính" như Nhật, Australia, Mỹ... có giải được bài toán đầu ra cho trái cây Việt Nam?

Thịt bò Úc đang tiêu thụ rất tốt tại thị trường Việt Nam. Thời gian qua, các doanh nghiệp đua nhau nhập khẩu bò Úc nguyên con về giết mổ và đưa đi tiêu thụ, một số doanh nghiệp lại chuyển sang nhập khẩu và bán giống bò Úc cho nông dân nuôi.

Xu hướng cà phê Arabica tháng 12: hiện tại giá đã vượt mô hình cái nêm, nằm trong giai đoạn tích luỹ, nếu đóng cửa trên kháng cự mạnh 125 triển vọng khá hơn và hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn 115 vì có 3 phiên đều thử nhưng không xuyên thủng qua được.

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có Văn bản số 2978/UBND/KT về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.