Trang chủ / Cây ăn trái / Chuối

Sâu Đục Thân Cây Chuối

Sâu Đục Thân Cây Chuối
Ngày đăng: 04/03/2011

Câu hỏi: Gia đình tôi có trồng một vườn chuối già, những năm đầu cây phát triển rất tốt cho nhiều trái, trái lớn. Nhưng không rõ tại sao sau khi trồng vài năm thì cây chuối thường có hiện tượng cây còi cọc, trái nhỏ, lá bị gẫy rủ xuống và héo, có khi cả khóm chuối bị chết rũ, quầy chuối dễ bị gẫy, cây chuối dễ bị đổ ngã. Khi chẻ cây chuối ra thì thấy bên trong có những con sâu mầu trắng ngà, rất mập, nhưng không có chân. Xin cho biết đó là con sâu gì? Cách phòng trị loại sâu này?

Trả lời: Qua mô tả của các bạn chúng tôi cho rằng con sâu đang gây hại trên cây chuối  của gia đình các bạn là con sâu đục thân cây chuối (Cosmopolites sordidus), chúng thuộc họ vòi voi (Curculionidae) bộ cánh cứng (Coleoptera) có người gọi là con nhậy, con bọ đầu dài hay con sùng đục gốc chuối...Ở nước ta cũng như các nước trên thế giới nơi nào trồng chuối cũng đều thấy có mặt của lòai sâu hại này, nhất là trên giống chuối già (chuối tiêu).

Con trưởng thành của chúng là một loại bọ cánh cứng đầu dài, có mầu nâu đen hoặc mầu xám đen, cơ thể hình bầu dục, dài khoảng 12-16 ly, chiều ngang khoảng 3-4 ly, và có vòi dài khoảng 3 ly, chúng hoạt động và đẻ trứng vào ban đêm, ít khi bay mà thường di chuyển bằng cách bò, con cái thường đẻ trứng rải rác ở giữa các bẹ lá, vào chỗ bẹ hay cuống lá bị thối nhũn, hoặc đục lỗ nhỏ  ở mặt ngoài bẹ của những cây chuối đang có hoặc sắp có buồng rồi đẻ trứng  vào đó. Con trưởng thành cái cũng có thể  chui xuống đất dùng vòi nhọn ở đầu đục  củ chuối thành những lỗ nhỏ rồi đẻ trứng vào trong đó. Con trưởng thành có thể sống tới 2 năm.

Trứng có hình bầu dục  dài khoảng 2 ly, mầu trắng, thời gian trứng kéo dài khoảng 7-8 ngày. Sau khi nở sâu non (ấu trùng) có mầu trắng sữa, mập mạp nhưng không có chân đục vào trong thân giả thành những đường hầm ngang dọc trong thân, các đường hầm này ngày càng dài và rộng ra (tại các lỗ đục thường thấy có nhựa chuối tiết ra lầy nhầy mầu vàng đục), đi đến đâu sâu để lại một đường phân như mùn cưa. Nếu nặng thân cây có thể bị rỗng như xơ mướp, làm cho thân gỉa bị thối, lá vàng, nõn bị héo, củ thối và cuối cùng là cả cây bị chết. Nếu cây đã có buồng thì thường sẽ bị gẫy ngang thân hoặc  gẫy cuống buồng. Thời gian sâu non kéo dài khoảng 3 tuần. Đẫy sức sâu non làm môt cái kén  hình bầu dục ở những bẹ bị thối nhũn phía ngoài, rồi hoá nhộng bên trong, thời gian nhộng kéo dài khoảng 5-8 ngày. Những cây bắt đầu trổng bông trở đi thường là những cây bị sâu gây hại nhiều nhất.

Để phòng trị sâu, các bạn nên tiến hành một số biện pháp sau đây:

-Không nên lấy con giống ở những vườn đang bị sâu gây hại. Trước khi trồng nên cắt bỏ hết những bẹ, những cuống lá bị thối  ở cây giống, thu gom tất cả những bộ phận cắt bỏ này đem chôn hoặc tiêu hủy. Nên ngâm cây giống vào dung dịch nước thuốc Basudin hoặc Furadan theo nồng độ khuyến cáo của nhà sản suất, để diệt sâu (nếu cây này đã bị nhiễm trước khi trồng.

-Thường xuyên thu gom những bẹ lá, cuống lá đã bị thối, bị khô, dọn sạch lá già, lá khô, cỏ rác trong vườn. Định kỳ tỉa bỏ những cây con dư thừa...tạo cho vườn chuối luôn được thông thoáng.

-Với những vườn đã bị sâu hại nhiều, sau khi thu hoạch buồng cần chặt bỏ sát gốc, đào bỏ hết cả phần củ rồi dưa ra khỏi vườn tiêu hủy.

-Dùng những cây chuối vừa thu hoạch buồng  chặt thành những khúc dài khoảng bẩy, tám tấc , bổ đôi thành hai mảnh rồi úp  mặt vừa chẻ xuống mặt đất xung quanh gốc chuối. Cũng có thể dùng những đoạn cây như đã nói ở trên chẻ dọc ở một đầu làm hai hoặc làm bốn khe, sau đó đặt úp phía có chẻ xuống  đất gần các gốc chuối. Ban đem con trưởng thành  sẽ mò ra ăn và ần nấp phía dưới của các mảnh thân cây chuối và ở những khe chẻ này này, sáng ra các bạn lật khúc chuối lên để bắt con trưởng thành. Trong sản xuất biện pháp này thường mang lại hiệu qủa cao.

-Cũng có thể dùng một số loại thuốc  trừ sâu dạng hột như Furadan, Padan, Basudin, Regent...rải vào xung quanh gốc chuối (cách gốc khoảng 3 tấc). Hoặc dùng thuốc trừ sâu phun xịt vào thân cây để diệt sâu (biện pháp này thường có hiệu qủa không cao). Nếu đã áp dụng những biện pháp trên mà tác hại của sâu vẫn không giảm hoặc chỉ giảm rất ít, chứng tỏ vườn chuối của các bạn đã bị sâu hại rất nặng, gặp trường hợp này các bạn nên phá bỏ chuối, tạm thời luân canh với cây trồng khác một vài năm sau đó mới quay lại


Có thể bạn quan tâm

Kỹ Thuật Trồng Chuối Phủ Bạt Kỹ Thuật Trồng Chuối Phủ Bạt

Trồng chuối phủ bạt là biện pháp kỹ thuật mới, sử dụng màng phủ nông nghiệp (bạt plastic, sử dụng 6 cuộn khổ 1,2m x 400m/ha) hạn chế được rệp truyền virus cho cây, hạn chế cỏ dại, ổn định nhiệt độ đất, giữ được độ ẩm đất, khi mưa tránh cho đất bị xói mòn gây tổn thương bộ rễ và phân bị rửa trôi

04/03/2011
Kinh Nghiệm Trồng Chuối Cho Năng Suất Cao Kinh Nghiệm Trồng Chuối Cho Năng Suất Cao

Cây chuối có tên khoa học là Musa sapientum L., thuộc họ Musaceae. Chuối là loại cây ăn quả nhiệt đới, ngắn ngày, dễ trồng và cho sản lượng khá cao, trung bình có thể đạt năng suất 20-30 tấn/ha

04/03/2011
Cách Bón Phân Cây Chuối Cách Bón Phân Cây Chuối

Cây chuối sinh trưởng hàng năm, sinh trưởng nhanh và sản lượng nhiều, đặc điểm khí hậu nước ta nóng và mưa nhiều, nên phân bón rất dễ bị tan chảy. Vì vậy, bón phân cho cây chuối phải bón ít bón đều, phải theo nguyên tắc bón nhiều vào thời kỳ cần thiết.

10/02/2012
Phòng Chống Bão Cho Vườn Chuối Phòng Chống Bão Cho Vườn Chuối

Chuối là cây thân giả, do bẹ lá hợp thành (còn thân thật chính là "củ" chuối, lại có lá to, thuộc loai lớn nhất trong các loài thảo mộc nhiệt đới), nên diện "cản phong cản vũ" rất lớn, dễ bị xiêu đổ trong mùa mưa bão. Những cây đã bị quật ngã nếu dựng lại cũng bị suy giảm năng suất phẩm chất nông sản, rất dễ bị "thâm rễ thối mầm"...

27/12/2011
Bón Phân Cân Đối Và Hợp Lý Cho Chuối Bón Phân Cân Đối Và Hợp Lý Cho Chuối

Cân đối đạm-kali cho chuối có tầm quan trọng đặc biệt, tuy nhiên tỷ lệ canxi và magiê cũng rất quan trọng vì chúng chi phối hiệu lực của kali

04/03/2011