Sang Đức Học Làm Nông
7 học viên là cán bộ hội nông dân (ND), hội viên, ND vừa hoàn thành khóa thực tập sinh 4 tháng ở các trang trại của CHLB Đức. Đây là đợt thực tập sinh đầu tiên sang Đức học làm nông nghiệp trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Hội ND Đức và Hội NDVN.
Các thực tập sinh sang làm việc tại các nông trang Đức đều là những ND trẻ, khỏe. Trong 4 tháng, các thực tập sinh có nhiều trải nghiệm thú vị, bổ ích về nông nghiệp, ND và nông thôn tại một đất nước phát triển bậc nhất khu vực Tây Âu.
Làm nông hiện đại
Ngày 29.8.2013, 7 thực tập sinh bay từ Việt Nam sang Đức sau một thời gian được T.Ư Hội NDVN hỗ trợ học ngoại ngữ và trang bị một số kiến thức về văn hóa, xã hội, đất nước, con người Đức. Họ được đưa về học tập và làm việc tại 7 trang trại khác nhau thuộc bang Baden-Wurttemberg. Chủ các trang trại đều là ND Đức, quy mô mỗi trang trại từ vài chục ha đến 160ha.
Anh Lê Quang Thưởng- cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (TTDNHT ND) Hội ND tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Chính vì Sản xuất nông nghiệp ở Đức được cơ giới hóa rất cao. Chỉ cần một đầu máy với hộp đen lập trình sẵn, tích hợp được với rất nhiều các loại máy móc, phụ kiện khác nhau có các công dụng nhau như làm máy kéo, máy làm đất, gieo hạt, thu hoạch…”.
Trang trại Thưởng làm việc rộng tới 90ha, trồng ngũ cốc, cỏ và chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt. Trang trại có 200 đầu lợn nái. Lợn nái đẻ thì lợn con nuôi thành lợn thịt. Quy mô lớn nhưng trang trại chỉ có 2 lao động là vợ chồng chủ nhà và một thực tập sinh là Thưởng. “Thu hoạch hơn 4ha lúa mạch chỉ gần 2 giờ là xong, làm liên hoàn từ cắt, vò, cho vào xe tải và chở về đưa vào máy sấy và chất vào kho. Máy làm đất lướt qua là đã có máy gieo hạt, máy phun thuốc sâu… Các máy đã lập trình, định vị rồi, sai sót khoảng cách giữa các hàng, các cây chỉ là 3cm…”- Thưởng cho hay.
Anh Nguyễn Văn Giới- Phó Chủ tịch Hội ND xã Hồng Thái Đông, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) thực tập trại trang trại chăn nuôi lợn 160ha-thuộc loại lớn nhất ở nước Đức. Chủ trang trại xây dựng hệ thống chuồng trại trên diện tích 10ha, 150ha còn lại để trồng lúa mì, lúa mạch và các loại rau, cỏ phục vụ chăn nuôi. Anh Giới tấm tắc: “Việc chăm sóc, theo dõi đàn lợn nuôi đều thông qua lập trình tự động trên máy tính từ khâu trộn phối thức ăn, kiểm tra chất lượng, hàm lượng, khẩu phần, chuyển tới máng ăn và vệ sinh chuồng trại…”.
Thân thiện môi trường
Hầu hết trang trại nơi thực tập sinh học tập và làm việc gần như khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi cho tới thu hoạch. Việc trồng các loại cây lương thực, thực phẩm trong trang trại chủ yếu dùng để chế biến thành thức ăn cho vật nuôi tại chỗ. Trồng ngô, cỏ còn để lấy thân và lá làm nguyên liệu chạy bể khí biogas phát điện sinh học. Anh Thưởng cho biết, Nhà nước Đức có chính sách khuyến khích ND đầu tư làm điện sinh học. Điện sản xuất ra càng giảm phát thải Nhà nước mua với giá càng cao. Điện sản xuất từ nguồn nguyên liệu là cây cỏ thực vật được mua với giá cao hơn điện sản xuất từ phân gia súc...
Ngoài điện sản xuất từ hầm biogas, các hộ ND Đức đều lắp hệ thống phát điện từ năng lượng mặt trời. Tất cả các nguồn điện đó được phục vụ các hoạt động sản xuất trong trang trại, nếu thừa thì đưa lên mạng điện lưới bán cho Nhà nước. “Mỗi tháng, trang trại nơi tôi thực tập tiết kiệm được khoảng 2.000 EUR chi phí điện sản xuất và còn bán cho Nhà nước gần 10.000 EUR điện tự sản xuất, trong đó có 9.500 EUR điện biogas và 1.200 EUR điện mặt trời. Rất nhiều hộ ND Đức giàu lên nhờ bán điện sinh học”- Thưởng cho hay.
Nông dân “đa di năng”
Ấn tượng thứ 2 đối với các thực tập sinh Việt Nam tại Đức là ND Đức có thể lực rất tốt và “đa di năng-làm được nhiều việc, nhiều nghề”, tính kỷ luật, tự giác rất cao, có tiền nhưng chi tiêu tiết kiệm, hợp lý.
Anh Hoàng Bùi Đồng - cán bộ Trung tâm Dạy nghề Hỗ trợ ND-Hội ND Thanh Hóa nhận xét: “Cùng một khối lượng công việc như nhau, nhưng sức làm việc của người Đức hơn hẳn người Việt vì thể lực của họ rất tốt”. Theo anh Đồng “ND Đức không có khái niệm làm hết việc là nghỉ, hết việc này đã có việc khác. Tôi kết thúc công việc chăm sóc vườn anh đào lúc 11 giờ 25 phút, nhưng chủ trang trại bảo tiếp tục hái táo. Kỷ luật, tác phong lao động của của ND Đức rất nghiêm, tự giác, không phải thích thì làm, không thích thì thôi, mưa gió thì nghỉ hoặc để dành việc hôm sau làm…”- anh Đồng tâm sự.
Gọi là “đa di năng” bởi hầu hết các chủ trang trại nơi 7 thực tập sinh làm việc đều am hiểu cấu tạo, vận hành được tất cả các máy móc, trang thiết bị. Vũ Duy Anh thán phục: “Chủ trang trại nơi tôi thực tập làm được rất nhiều công việc khác nhau từ xây dựng, thợ mộc; hàn xì…Việc đào móng, thiết kế, xây nhà nghỉ cuối tuần cho dân thành phố thuê đều tự họ làm hết”.
Mở rộng tầm mắt
Theo anh Thưởng, ND Đức rất quan tâm tới thời tiết để lập kế hoạch cho sản xuất. Dự báo thời tiết ở Đức cũng rất chính xác. Khoa học công nghệ tiên tiến, trình độ, kỹ năng quản lý, điều hành sản xuất của ND giỏi nên năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản của Đức rất cao. Cả nước chỉ có tầm 2% dân số làm nông nghiệp nhưng sản xuất lượng lương thực, thực phẩm đủ cung cấp cho cả nước và xuất khẩu.
Phải mất 2 tuần, các thực tập sinh mới làm quen và bắt nhịp được với công việc nhà nông Đức. Theo anh Đồng, điều kiện tự nhiên, kinh tế trình độ phát triển của nền nông nghiệp Đức và Việt Nam khác nhau, song anh vẫn học được nhiều ở ND Đức.
“Tôi thực tập ở trang trại trồng cây ăn quả táo, lê, mận, anh đào… Những cây này khó có thể trồng ở Việt Nam. Nhưng tôi học được công nghệ thu hái, bảo quản hoa quả để khi về áp dụng đối với các loại cây ăn quả có múi…”-anh Đồng thổ lộ.
Theo anh Thưởng, quy trình phòng trừ bệnh dịch trên đàn gia cầm ở các trang trại Đức cực kỳ đơn giản. “Tôi học hỏi được rất nhiều kiến thức, kỹ thuật, phương pháp phòng trừ dịch bệnh trên gia cầm, gia súc và có thể áp dụng tại Việt Nam đối với những trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn”- Thưởng tâm sự.
Vũ Duy Anh - chàng trai đến từ Hà Tĩnh thì ấp ủ ước mơ: “Nếu có vốn đầu tư, em sẽ xây dựng ở Việt Nam một trang trại bò sữa chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật như bên Đức. Tất nhiên, lúc đó phải nhập khẩu một số máy móc thiết bị bên Đức và xây dựng được vùng nguyên liệu thức ăn. Em thấy ở Việt Nam, ngành chăn nuôi chủ yếu nhập nguyên liệu từ nước ngoài nên người chăn nuôi lãi chẳng bao nhiêu”.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam vừa được công bố trở thành nước thứ 3 về sản xuất cao su. Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển vượt bậc này lại còn tiềm ẩn nhiều nỗi lo.
Hội thảo góp phần phẩn bổ sung và hoàn thiện công tác chọn giống cá tại hai Quốc gia đặc biệt nâng chất lượng con giống cá tra tại Việt Nam.
Nhằm giúp người chăn nuôi có đầu ra ổn định và hướng tới mục tiêu cung cấp những sản phẩm chăn nuôi chất lượng, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã chủ động làm "cầu nối" để các cơ sở giết mổ và doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm ký kết hợp tác với cơ sở chăn nuôi trên địa bàn TP.
Trúng đậm phải kể đến tàu cá của ngư dân Huỳnh Sỹ, chỉ một mẻ lưới đã thu hơn 5 tấn cá sòng. Sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 20 triệu đồng, ngư dân đi bạn được chia 4 triệu đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay toàn tỉnh thả nuôi trên 70.000/89.000ha tôm, đạt gần 79% kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp là 702ha, quảng canh cải tiến trên 13.740ha và tôm-lúa là 55.780ha.