Sản Xuất Vụ Thu Đông Ở Mường Chà
Năm nay tổng diện tích gieo trồng vụ thu – đông của huyện Mường Chà là 250ha, tập trung vào 3 giống cây chủ lực: ngô, lạc và đậu tương. Diện tích cây vụ thu – đông nhiều nhất tập trung ở xã Mường Mươn với 120ha, chủ yếu là ngô; diện tích còn lại rải rác ở các xã: Na Sang, Sá Tổng và Pa Ham.
So với các địa phương khác trong tỉnh, diện tích trồng cây vụ đông ở Mường Chà còn hạn chế do bà con khai hoang ở khu vực đất bồi ven sông hoặc tận dụng trong các khe suối.
Vụ thu – đông ở Mường Chà thường gối tiếp sau khi kết thúc vụ xuân hè, bà con nông dân sẽ để đất nghỉ trong vòng 1 tháng, đến cuối tháng 8 chính thức trồng vụ thu đông.
Bà Lâm Thị Thương Huyền, Trưởng trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Mường Chà cho biết: Vụ thu – đông năm nay có 32,2/250ha được huyện chỉ đạo người dân trồng luân phiên nhằm thay thế diện tích cây trồng vụ xuân hè bị thiệt hại do lũ cuốn trôi trong mùa mưa vừa qua.
Ngay sau đợt mưa to cuốn trôi hàng chục héc ta lúa mùa, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị khảo sát thực tế nhu cầu của các hộ dân bị ảnh hưởng đến sản xuất và triển khai trồng cây vụ thu – đông sớm hơn, góp phần đảm bảo lương thực, sớm ổn định đời sống cho người dân.
Trong đó, ngô và đậu tương là 2 giống cây được người dân lựa chọn trồng thay thế. Huyện cũng hỗ trợ 594kg đậu tương và 294kg/ngô giống cho người dân. Ngô LVN10 và nếp MX2 là những giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất khá cao nên được gieo trồng phổ biến hơn.
Vụ thu – đông năm nay, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện triển khai mô hình trồng lạc ở xã Sá Tổng với diện tích 4ha tại 3 bản: Sá Tổng, Phi 2 và Xá Ninh, tổng kinh phí thực hiện mô hình 100 triệu đồng. Trước đây, mỗi vụ thu – đông bà con dân bản vẫn thường trồng giống lạc địa phương ở những chân đồi thấp, mát nên không mất nhiều công chăm sóc.
Song do giống cũ là loại lạc đỏ, củ bé, tỷ lệ đậu hạt không cao nên năng suất thấp (trung bình đạt 20 tạ/ha), hiệu quả kinh tế kém. Năm nay, với sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ khuyến nông – khuyến ngư huyện, bà con đưa vào trồng thử nghiệm giống lạc TB25 do Công ty Giống cây trồng Thái Bình cung cấp đã từng được trồng ở xã Mường Mươn trong niên vụ trước.
Vừa qua, trạm phối hợp với chính quyền xã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình. Với năng suất bình quân đạt 28 tạ/ha, giống lạc TB25 có ưu thế trội hơn so với giống địa phương bà con thường gieo trồng. Tỷ lệ đậu hạt tương đối cao, 3 – 4 hạt/quả, hạt mẩy, tròn, nếu bán non ngoài thị trường cũng được 12.000 đồng/kg.
Mặc dù diện tích trồng cây vụ thu – đông ở huyện không lớn, song để đạt hiệu quả cao, giúp người dân đảm bảo phần nào lương thực trong mùa giáp hạt, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất và giải quyết việc làm lúc nông nhàn, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Mường Chà tăng cường chỉ đạo, giám sát tại cơ sở.
Đặc biệt, cán bộ thường xuyên bám bản hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân thực hiện đúng quy trình, nhất là trong những ngày thời tiết rét đậm, có sương muối và áp dụng biện pháp chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hợp lý đúng thời vụ.
Hiện nay, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây vụ thu – đông ở huyện Mường Chà. Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện thì năng suất ngô, giống chủ lực trong vụ thu - đông sẽ đạt trung bình 18,7 tạ/ha; đậu tương đạt 12 tạ/ha.
Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-v%E1%BB%A5-thu-%E2%80%93-%C4%91%C3%B4ng-%E1%BB%9F-m%C6%B0%E1%BB%9Dng-ch%C3%A0
Có thể bạn quan tâm
Dù chỉ chăn nuôi heo ở quy mô nhỏ lẻ, nhưng nhiều hộ nông dân tại xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) đã biết liên kết với nhau để cùng mua cám với số lượng lớn. Sự liên kết này đã giúp họ mua được cám với giá rẻ của đại lý, nên chi phí chăn nuôi giảm và lợi nhuận tăng đáng kể.
Mùa khô hạn, chuồng trại nuôi dê phải khô ráo, sạch sẽ, thông thoáng, tránh được nóng và ẩm ướt. Sàn chuồng phải cách mặt đất từ 50 – 80cm. Chuồng nuôi cần đảm bảo diện tích: Dê đực giống: 1,5 - 2m2, dê thịt 0,6m2. Cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống hàng ngày, định kỳ phun thuốc sát trùng 2 tuần/lần.
Vịt trời vốn bị coi là loài không có tác dụng. Nhưng vài năm trở lại đây, một số hộ nông dân miền xuôi đã thuần chủng, nuôi loài vật này, thu nhập cao. Cách làm này đã được ông Cầm Văn Luân, bản Chiến, xã Chiềng San (Mường La, Sơn La) học tập, áp dụng xây dựng mô hình nuôi vịt trời hiệu quả.
Năm 2012, Công ty TNHH Trung Đồng (TP.Biên Hòa) nhập lô bò Úc nguyên con đầu tiên về Việt Nam. Tiếp theo đó, không thiếu các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) trong ngành thực phẩm và không trong ngành thực phẩm tham gia nhập và phân phối bò Úc, như: Vissan, Hoàng Anh Gia Lai... “Cơn sốt” nhập bò Úc hiện vẫn lan nhanh.
Hiện nay, trong khi nhiều thanh niên nông thôn lên thành phố tìm kiếm việc làm, không mấy người mặn mà với công việc nhà nông thì anh Mai Tất Thát (thôn Bảo Châu, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) lại quyết tâm theo đuổi, đưa giống thỏ trắng New Zealand về nuôi thử nghiệm. Bằng niềm đam mê, sự sáng tạo, anh đã vượt qua mọi gian khó, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên đất quê hương.