Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gần Nước Nhưng Chịu Khát

Gần Nước Nhưng Chịu Khát
Ngày đăng: 15/03/2014

Lẽ ra, khi được nâng cấp, sửa chữa, nạo vét, hồ chứa nước An Vang sẽ mở rộng diện tích tưới, thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Chuyện tréo ngoe này đã diễn ra tại tổ 3 (thôn An Lâm, xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức) từ tháng 7.2012 đến nay.

Ruộng bỏ hoang vì thiếu nước

Hàng chục năm nay, hồ chứa nước An Vang phục vụ tưới cho 28ha đất canh tác lúa trên các cánh đồng Bà Đẳng, Nà Nha, Cây Cau, Gò Nà thuộc thôn An Lâm. Theo người dân nơi đây, vụ đông xuân, toàn bộ diện tích này đều đảm bảo nước tưới. Thế nhưng, vụ hè thu thì chỉ có 3ha lúa của cánh đồng Cây Cau nhận được nước, còn lại 25ha lúa của cánh đồng Nà Nha, Bà Đẳng, Gò Nà luôn bị thiếu hụt.

Ông Thiều Quang Bốn - Chủ tịch UBND xã cho biết, trước tình trạng trên, tháng 7.2012 UBND huyện Hiệp Đức quyết định đầu tư nâng cấp, sửa chữa, nạo vét hồ chứa An Vang với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng nhằm bảo đảm chủ động cung ứng nước tưới cho các cánh đồng trên.

Thế nhưng, gần 2 năm nay, kể từ ngày đơn vị thi công bắt tay vào xây dựng công trình thủy lợi này, nhiều hộ dân ở tổ 3 (thôn An Lâm) gặp khó khăn vì 3ha đất lúa trên cánh đồng Cây Cau phải liên tục bỏ hoang do nguồn nước tưới bị cắt đứt hoàn toàn.

Dẫn chúng tôi lội trên 2 sào đất lúa khô khốc, cỏ dại mọc um tùm, ông Phan Tấn Lục - một người dân địa phương than phiền: “Hồi trước, cánh đồng Cây Cau này thường xuyên có nước tưới nên vụ nào cây lúa cũng phát triển tốt. Tuy nhiên, 3 vụ gần đây, do ruộng không có nước, phải bỏ đất hoang hóa kéo dài khiến kinh tế gia đình khó khăn”.

Còn ông Phan Văn Cang - hàng xóm của ông Lục thì cho biết, vì không có nước sản xuất lúa nên một số hộ dân có đất trên cánh đồng Cây Cau rủ nhau chuyển sang trồng bắp, đậu phụng mong kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng tất cả đều thất bại, bởi thiếu nước tưới nên năng suất cây trồng đạt thấp.

Cống thấp hơn ruộng!

Theo các hộ dân ở tổ 3 (thôn An Lâm), nguyên nhân khiến 3ha đất lúa trên cánh đồng Cây Cau bị mất hẳn nước tưới từ tháng 7.2012 đến nay là do sự tắc trách của các đơn vị liên quan. Ông Lục và nhiều người dân khác cho biết, trước đây để dẫn nước từ hồ chứa An Vang ra đồng Cây Cau, chính quyền địa phương cùng nhân dân lắp đặt một đường ống sắt loại lớn với chiều dài 6,5m ngay tại vị trí đầu mối rồi đào đắp tuyến kênh đất dài hơn 800m.

Tuy nhiên, chẳng hiểu vì lý do gì, khi thi công, nhà thầu cho phương tiện cơ giới san lấp toàn bộ tuyến kênh đất đó và đưa đường ống sắt dẫn nước đi đâu mất. Thay vào đó, nhà thầu xây dựng một cống áp lực tại khu vực đầu mối, nhưng cống áp lực này được xây sâu hơn hiện trạng cũ ít nhất 1,5m nên thấp hơn mặt ruộng của cánh đồng Cây Cau khiến nước không thể chảy về được.

Theo phản ánh của người dân ở thôn An Lâm, trong quá trình nạo vét lòng hồ An Vang để tăng dung tích nước chứa, thay vì múc bùn đất đổ ra xa thì đơn vị thi công lại đổ quanh bờ. Từ năm 2012 đến nay do mưa lớn xuất hiện nhiều đợt đã làm lượng bùn đất múc lên sạt xuống lại khiến mặt hồ bị thu hẹp.

Ông Thiều Quang Bốn cho hay: “Lúc nhà thầu xây cống áp lực, tôi phát hiện ra mặt ruộng cánh đồng Cây Cau cao hơn cống nên đã đề nghị chỉnh sửa cho phù hợp.

Thế nhưng, các kỹ sư của đơn vị thi công bảo rằng do tôi nhìn bằng mắt thường nên thấy vậy chứ họ đã tính rất kỹ rồi, đảm bảo cống sẽ cao hơn ruộng không dưới 0,4m. Cuối cùng khi đưa vào vận hành do ruộng cao hơn cống nên nước không chảy vào được”.

Sai từ thiết kế đến thi công

Do không có nước, phải bỏ ruộng hoang suốt 3 vụ liền nên từ cuối năm 2012 đến nay người dân ở tổ 3 đã phản ảnh tình trạng trên tại nhiều cuộc họp và làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan có trách nhiệm. Ông Thiều Quang Bốn cho biết thêm, thời gian qua lãnh đạo địa phương đã không ít lần đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công sớm tiến hành khắc phục nhưng đến thời điểm này vẫn chưa động tĩnh gì.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Đào Bội Thuyên - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức xác nhận, cánh đồng Cây Cau ở thôn An Lâm bị mất nước tưới kéo dài là hoàn toàn đúng sự thật và chính ông cũng đã kiểm tra, khảo sát tại khu vực này.

Ông Thuyên nói: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Nói rõ ra, việc lấp kênh đất, tháo dỡ đường ống sắt dẫn nước là không đúng, rồi cống áp lực xây sâu hơn mặt ruộng khiến nước không chảy về đồng Cây Cau được là vì đơn vị tư vấn thiết kế sai dẫn đến nhà thầu thi công sai”.

Trả lời câu hỏi bao giờ khắc phục tình trạng trên, ông Phạm Sỹ Đoàn - Phó phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, hiện nay đơn vị đang khẩn trương xây dựng các phương án để trình UBND huyện phê duyệt và sẽ cố gắng sửa chữa ngay từ đầu tháng 4 tới để có nguồn nước phục vụ nông dân đổ ải gieo sạ vụ lúa hè thu 2014 trên cánh đồng Cây Cau.

Còn ông Đào Bội Thuyên cho biết: “Tôi đang chỉ đạo ngành nông nghiệp gấp rút trình các phương án để xem xét cụ thể nhằm tìm ra giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, thời điểm tiến hành khắc phục thì chưa dám hứa chắc vì còn phải phụ thuộc vào nguồn vốn, bởi ngân sách huyện đang eo hẹp”.


Có thể bạn quan tâm

Lục Ngạn (Bắc Giang) khắc phục hậu quả mưa lũ vùng cây ăn quả Lục Ngạn (Bắc Giang) khắc phục hậu quả mưa lũ vùng cây ăn quả

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang mưa lớn đã ngớt, một số khu vực không còn bị ngập úng. Người dân ở khu vực ngập úng nói chung, huyện Lục Ngạn - Vùng cây ăn quả của tỉnh nói riêng đang tích cực khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Tuy nhiên, do nước rút chậm, gây khó khăn cho người dân.

11/08/2015
Thoát nghèo, làm giàu từ cây cam Thoát nghèo, làm giàu từ cây cam

Cuối tháng 7 vừa qua, tỉnh lộ 334 (giai đoạn 1) có tổng chiều dài gần 14km đi qua xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) nối với các xã trong huyện hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho Vạn Yên phát triển kinh tế - xã hội.

11/08/2015
Nhãn lồng Hưng Yên mong sao đầu xuôi đuôi lọt Nhãn lồng Hưng Yên mong sao đầu xuôi đuôi lọt

Quả nhãn Hưng Yên đang chuẩn bị bước vào thị trường Mỹ, mở ra những cơ hội mới cho người nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế, mặc dù con đường cho quả nhãn sang Mỹ thật không dễ dàng…

11/08/2015
Mãng cầu xiêm tăng giá khá Mãng cầu xiêm tăng giá khá

Huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang có trên 650 héc ta mãng cầu xiêm tập trung tại các xã Tân Phú, Phú Thạnh. Hơn 1 tuần nay, giá mãng cầu xiêm tăng khá, người trồng thêm phấn khởi.

11/08/2015
Mực nước thấp, hộ nuôi thủy sản gặp khó Mực nước thấp, hộ nuôi thủy sản gặp khó

Những ngày qua, tuy có mưa lớn nhưng mực nước tại các sông lớn ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang) vẫn thấp hơn gần 2 tấc so với cùng kỳ nhiều năm và cũng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

11/08/2015