Sản xuất vụ Ðông Xuân 2015-2016 ở Hoài Nhơn: Mục tiêu lớn, quyết tâm cao
Nông dân Hoài Nhơn đang làm đất chuẩn bị sản xuất vụ ĐX 2015-2016
Theo kế hoạch, trong vụ này toàn huyện gieo sạ 5.840 ha lúa, gồm chân 3 vụ gần 3.400 ha, chân 2 vụ hơn 2.400 ha.
Trước khi bước vào vụ gieo sạ mới, công tác tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân được chú trọng, ngành chức năng của huyện đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức gần 100 lớp tập huấn cho hàng ngàn lượt nông dân.
Cùng với khâu làm đất, tranh thủ sau các đợt mưa lớn vào những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11, bà con tập trung cày dầm vùi lấp mầm bệnh, cỏ dại.
Ngoài việc tiếp nhận và sử dụng 2.250 kg thuốc sinh học Biorat của huyện phân bổ để diệt chuột trước khi vào vụ, các địa phương phát động nông dân ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đào bắt, sử dụng bẫy, phát quang bụi rậm; bắt ốc bươu vàng và tiêu diệt trứng ốc.
Ông Huỳnh Biên, nông dân ở thôn Mỹ An 1, xã Hoài Thanh, cho biết: “Diệt chuột và diệt ốc bươu vàng là một trong những khâu thiết yếu để đảm bảo năng suất cả vụ, nên hầu hết bà con nông dân đều chú trọng, nhất là ở các chân ruộng trũng, ốc bươu vàng nhiều, nếu không diệt sạch thì khi sau xuống giống ốc sẽ cắn phá hết mầm lúa”.
Về cơ cấu giống cũng được ngành chức năng chỉ định các giống nguyên chủng, giống lúa lai khá cụ thể.
Để đảm bảo đủ giống cung ứng cho bà con gieo sạ trong vụ, ngay từ đầu tháng 11, Trạm Khuyến nông và các điểm cung ứng dịch vụ lúa giống trên địa bàn huyện đã nhập về hàng chục tấn lúa giống các loại để đáp ứng nhu cầu.
Ý thức là vụ lúa chủ lực, ngay sau khi kết thúc vụ Hè Thu, huyện tập trung chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương phải xây dựng phương án sản xuất cụ thể.
Cùng với sản xuất lúa theo kế hoạch đề ra, trong vụ này huyện sẽ triển khai xây dựng 1 cánh đồng lớn, 29 cánh đồng mẫu lớn và 30 cánh đồng kỹ thuật tiên tiến với tổng diện tích hơn 1.600 ha.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Thời gian qua, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng tiên tiến đã mang lại hiệu quả tích cực, năng suất lúa vượt trội, được nông dân hưởng ứng.
Vì vậy, trong vụ này huyện tiếp tục triển khai thí điểm 1 cánh đồng lớn quy mô 200 ha tại xã Hoài Mỹ”.
Huyện cũng đưa ra phương án sản xuất lúa vụ ĐX 2015-2016 trong điều kiện thiếu nước tưới, bởi đến nay lượng nước ở các hồ chứa khá thấp, mới đạt 43% dung tích thiết kế, thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu từ nay đến đầu vụ sản xuất mà lượng mưa không đáng kể thì sẽ giảm gần 1.000 ha sản xuất lúa có nguy cơ thiếu nước để chuyển sang các loại cây trồng cạn.
Riêng đối với những chân ruộng trũng tại các xã Hoài Mỹ, Tam Quan Nam, Hoài Sơn, Hoài Đức, Hoài Hương, phương án thoát nước cũng được triển khai cùng lúc.
Ông Trần Văn Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, cho biết: “Vụ ĐX thời tiết thường diễn biến phức tạp, ngoài việc triển khai phương án sản xuất cụ thể, xã chú trọng công tác nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy để tiêu thoát úng kịp thời khi có mưa lớn xảy ra, hạn chế thấp nhất tình trạng mất giống đầu vụ”.
Có thể bạn quan tâm
Ông Thành bảo: “Ở vùng đất “chiêm khê, mùa thối” này, không mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi mà cứ trông vào cây lúa, củ khoai thì khó mà thoát nghèo được”. Ông kể về quá trình gian nan làm kinh tế của mình: Năm 1983, sau khi xuất ngũ trở về, ông lập gia đình.
Năm 1982, ông Thục từ chiến trường miền Nam trở về quê hương với thương tật ¼. Về quê, ông cùng với vợ con chăm chỉ làm ăn nhưng đói nghèo cứ bủa vây lấy gia đình ông. Năm 1988, ông “bén duyên” với nghề nuôi ong. Lúc đầu, ông nuôi thử 5 đàn ong.
Nhìn ông Tư Đắc khó ai biết được ông đã ở vào cái tuổi 70. Những bước chân thoăn thoắt bám theo đàn bò trên vùng đất gập gềnh sỏi đá của ông khiến chúng tôi đeo theo muốn bở hơi tai. 20 năm trước, ông Tư Đắc cùng hai người bạn từ phố thị Phan Rang rủ nhau lên đây thuê 120ha đất khai hoang.
Nhờ nuôi cá sấu, người nông dân tròm trèm 60 tuổi với nước da ngăm đen, giọng nói điềm đạm từng rướn mình chở khách trên khúc sông trước nhà, nay đã trở thành doanh nhân tỷ phú, đối tác mãi tận trời Tây .
48 tuổi đời, hơn 30 năm kinh nghiệm làm nông, anh Từ Đình Vang (thôn Cù Và, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã có được cơ ngơi bạc tỷ.