Sản Xuất Rau An Toàn Vẫn Chưa Hết Khó
Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày, thế nhưng tình trạng ô nhiễm vi sinh vật, hoá chất độc hại, kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên rau, đặc biệt là rau ăn lá, đã ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường. Sản xuất và cung ứng rau an toàn đang là câu chuyện được các cấp, các ngành và cộng đồng quan tâm. Thế nhưng sản xuất rau an toàn vẫn gặp khó...
Thay đổi nhận thức về rau an toàn
Những năm gần đây, mô hình sản xuất rau an toàn đã trở nên khá quen thuộc với người dân các địa phương trong tỉnh Nghệ An, như xã Nghi Kim, Nghi Ân (TP Vinh), Nam Anh, Nam Xuân (Nam Đàn), Diễn Thành (Diễn Châu), Quỳnh Lương, Quỳnh Minh Quỳnh Lưu)... Việc thí điểm thực hiện mô hình này có bước khởi đầu khá thuận lợi, nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành; điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp; người dân hăng hái tham gia.
Hiện phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT đã cấp chứng chỉ đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho các tổ chức, cá nhân, như Ban quản lý sản xuất rau an toàn Nghi Kim, Nghi Ân, Hưng Đông, mỗi đơn vị 5- 7ha, HTX Nông nghiệp Diễn Thành 8 ha, HTX Nông nghiệp Quỳnh Lương 10 ha, Dự án TH tại Nghĩa Đàn quy mô 166 ha (trong đó có 25 ha rau nhà kính và 95 ha rau nhà lưới),...
Trước năm 2000, xã Quỳnh Minh đã chuyển đổi hơn 100 ha trồng lúa sang trồng rau màu hàng hóa, cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu như trồng các loại cây lương thực khác thu nhập bình quân mỗi năm chỉ đạt 9-10 triệu đồng/năm/ha, khi chuyển sang trồng rau đã cho thu nhập tăng gấp 5 lần, thậm chí gấp 7- 8 lần.
Loại rau canh tác truyền thống của bà con là su hào, bắp cải, rau cải, hành hoa... Hiện rau Quỳnh Minh đã được tiêu thụ rộng khắp từ Hà Nội, vào đến Đà Nẵng, Huế. Nông dân Quỳnh Minh tích cực sáng tạo, luôn tiếp thu những kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất là một trong những cơ sở để Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ chọn triển khai thí điểm mô hình "Sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP" ở vụ đông 2012.
Mô hình được triển khai trên diện tích 15 ha, gồm hành hoa, cải bắp, rau ăn lá với 90 hộ dân tham gia. Ngoài hỗ trợ 100% cây giống, 30- 50% vật tư phân bón (tùy từng mô hình), các hộ còn được trang bị kiến thức về quy trình kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại tổng hợp theo từng giai đoạn, mùa vụ; xử lý sau thu hoạch, ghi chép nhật ký đồng ruộng… Qua quá trình thực hiện, các hộ sản xuất trong mô hình đều có chung nhận xét năng suất và chất lượng của 3 loại rau tăng rõ rệt. Đặc biệt, chăm sóc rau theo quy trình VietGAP đã giảm được 20% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Là một trong những hộ tham gia mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, ông Hồ Văn Ân (ở xóm 2- Quỳnh Minh) vui vẻ cho biết: “Thời gian chúng tôi đầu tư 2.500m2 rau bắp cải. Khi mới tiếp cận rất lúng túng, nhất là việc ghi chép tỉ mỉ các biểu mẫu. Nhưng khi được hướng dẫn, thực hành ngay trên đồng rau thì công việc thuận lợi và dễ dàng hơn. Qua kiến thức được học hỏi thì thấy rằng không thể trồng rau hàng hóa đạt chất lượng cao theo kiểu kinh nghiệm truyền thống, mà phải ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Khó đầu ra
Hiện 2 xóm Kim Trung, Kim Bình (xã Nghi Ân, TP Vinh) có 43 hộ trồng rau trong 48 nhà lưới với tổng diện tích trên 11.000m2. Đây là số hộ chuyên canh rau đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất, sơ chế, bảo quản rau sạch bài bản... Anh Nguyễn Văn Cường ở xóm Kim Trung đã đầu tư 2 nhà lưới trồng rau cải chia sẻ: "Trước đây, người làm rau thường sử dụng nhiều phân hóa học, phân chuồng, thuốc trừ sâu; thậm chí gần thu hoạch còn bón đạm để rau có màu xanh.
Nhưng 5 năm trở lại đây, chúng tôi không sản xuất rau như trước nữa, mà đầu tư áp dụng theo hướng an toàn, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là sự lẫn lộn rau sạch, rau “bẩn” trên thị trường. Vì rau an toàn không có dấu hiệu nào cụ thể của các đơn vị, cơ sở sản xuất hay cơ quan chức năng như chợ đầu mối, gian hàng giới thiệu sản phẩm, logo cho sản phẩm nên không thể chứng minh được xuất xứ của rau".
Anh Hồ Diên Châu ở xóm 1- xã Quỳnh Minh cho biết: "Vụ này gia đình tôi vẫn tiếp tục trồng hành hoa áp dụng quy trình VietGAP. Theo tính toán, áp dụng quy trình VietGAP chi phí sản xuất giảm, nhưng khi canh tác chúng tôi phải bỏ ra nhiều công hơn (thời gian chăm sóc tăng từ 3- 5 ngày công/sào so với cách sản xuất truyền thống). Hiện tại, với sức tiêu thụ gần 5 tạ rau/ngày, sau khi trừ chi phí, lãi thu về của gia đình tôi được gần 10 triệu đồng/tháng. Nhưng sự bấp bênh vẫn thường trực, vì rau an toàn vẫn chỉ được bán ở các chợ truyền thống, chưa "chen chân" được trong các siêu thị.
Thực tế, nhu cầu rau sạch rất lớn, nhưng nếu thị trường tiêu thụ không mở rộng cửa để đảm bảo lợi nhuận thì người dân chúng tôi khó mà ứng dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch và an toàn". Theo ông Hồ Diên Vỹ - Chủ nhiệm HTX Nông Diêm, xã Quỳnh Minh thì dự án trồng rau an toàn theo quy trình VietGap tại xã đã kết thúc từ cuối năm 2012, nhưng các mùa vụ tiếp theo người dân đã có ý thức và chú trọng nhiều hơn đến việc sản xuất rau an toàn.
Nhiều hộ dân tuy không trực tiếp tham gia dự án nhưng đã giảm dần việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, đầu ra và thương hiệu cho rau sạch vẫn đang là "bài toán khó" cần được giải quyết, vì hiện nay chưa có sự phân biệt, rau sạch vẫn đang bị đánh đồng với rau sản xuất theo kiểu truyền thống, giá bán ra cũng chẳng khác gì nhau.
Đầu ra khó khăn có nguyên nhân do chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có tem nhãn chứng nhận bảo hộ. Bên cạnh đó, diện tích đất trồng rau của các hộ hầu hết đều thuộc dạng manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ vài thước đến vài sào nên không thể đáp ứng theo đơn đặt hàng cho các siêu thị, doanh nghiệp, bếp ăn tập thể; tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không theo hướng dẫn kỹ thuật, thời gian gieo trồng tùy tiện; các loại rau trồng không theo quy hoạch vẫn còn phổ biến.
Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ rau an toàn
Việc xây dựng vùng rau sạch đúng nghĩa và từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng rau đang đòi hỏi phải xây dựng mô hình kiểm soát theo chuỗi, tiến tới mục tiêu toàn bộ diện tích rau được trồng theo quy trình sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ phải được dán tem chứng nhận rau sạch, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ… Để đáp ứng được những yêu cầu trên, tháng 5/2012, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An đã xây dựng mô hình "Kiểm soát rau VietGap theo chuỗi" tại xã Diễn Thành (Diễn Châu) trên diện tích 10 ha sản xuất rau tại xóm 10, với 70 hộ tham gia.
Nội dung chính gồm: ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi; trao đổi, học tập kinh nghiệm một số địa phương; hỗ trợ tác nhân tham gia chuỗi; xây dựng mô hình kiểm soát rau an toàn theo chuỗi… Ông Dương Văn Hùng - Chi cục trưởng cho biết: "Thành công của mô hình cần có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các ban, ngành, địa phương và cả người trồng rau, người tiêu thụ. Ban đầu, người trồng rau chưa quen với cách sản xuất rau an toàn, nhưng sẽ dần dần đi vào nề nếp, một khi vấn đề tiêu thụ suôn sẻ, mô hình này kỳ vọng sẽ là tiền đề để xây dựng vùng trồng rau an toàn tập trung theo chuỗi, từng bước được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quy định".
Để mô hình ngày càng phát triển nhân rộng, tháng 12/2012, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch "Sản xuất rau ăn, củ quả công nghệ cao tỉnh Nghệ An đến năm 2020". Theo trong quy hoạch, tổng diện tích rau, củ, quả công nghệ cao đến năm 2020 là 3.055 ha; trong đó trên đất màu 2.805 ha, trên đất 1 lúa có hiệu quả thấp là 200 ha. Mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh phát triển được từ 2- 3 vùng sản xuất rau ăn, củ, quả áp dụng quy trình công nghệ cao với diện tích thực hiện khoảng 500 - 550 ha, sản lượng ước khoảng 50.000 - 55.000 tấn. Từ năm 2016 - 2020 từng bước thực hiện áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm rau theo quy hoạch; tiếp tục mở rộng sản xuất để đạt được diện tích đề ra và sản lượng ước đạt 306.000 tấn, trong đó phấn đấu có trên 80% sản lượng đạt các tiêu chuẩn về VSATTP...
Có thể bạn quan tâm
Một giống lúa mới vừa được lai tạo và đang được nhân giống thử nghiệm tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Theo đánh giá của nhà chuyên môn, giống lúa này có thể sinh trưởng tốt ở đồng đất nhiễm mặn tới 10%o
Cho đến khi cây bông vải có nguy cơ không còn chỗ đứng trên đất Tây Nguyên, các ngành chức năng, doanh nghiệp mới giật mình
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi mang tính bền vững, ông Lê Thành Công, xã viên HTX Tôm càng xanh Phú Long, xã Phú Thành B (Tam Nông, Đồng Tháp) đã mạnh dạn chuyển từ sản xuất 2 vụ lúa/năm sang luân canh một vụ lúa - một vụ tôm càng xanh cho thu nhập cao.
Hằng năm, khoảng tháng 5 và tháng 6 (âm lịch), nhiều người dân tại các vùng lũ ở ĐBSCL mua cá giống để thả trên chân ruộng lúa nên sức mua nhiều loại cá giống tăng, nhất là các loại cá trắng
Chồn nhung đen là động vật thuộc họ gặm nhấm có xuất xứ từ Nam Mỹ. Đây là giống vật nuôi rất phù hợp với người nghèo bởi chúng chỉ ăn cỏ và các loại rau, củ, quả bình thường, nhưng lại cho thịt nhiều hàm lượng dinh dưỡng và được bán với giá khá cao