Sản xuất nhãn, tín hiệu vui
* Chặn đứng bệnh chổi rồng
Ngoài ra, hội thảo còn nhằm đánh giá kết quả rải vụ và xúc tiến thương mại, liên kết SX và tiêu thụ nhãn tại ĐBSCL.
Tham dự hội thảo có PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; TS Nguyễn Hữu Đạt, GĐ Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II; đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam; ĐH Cần Thơ; Sở NN-PTNT và Chi cục BVTV các tỉnh có diện tích trồng nhãn lớn; các Cty tiêu thụ nhãn cùng đông đảo cán bộ kỹ thuật và nhà vườn.
Hội thảo tập trung thảo luận xoay quanh chủ đề nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng nhãn; bao gồm các nội dung như phòng trừ hiệu quả bệnh chổi rồng, rải vụ nhãn, giới thiệu giống nhãn mới chống chịu bệnh chổi rồng, SX nhãn theo quy trình VietGAP và đăng ký mã số vùng trồng để xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, New Zealand…
Thảo luận về chiến dịch phòng chống bệnh chổi rồng được Bộ NN-PTNT phát động, các đại biểu cho rằng so với cuối năm 2014, phần lớn diện tích nhãn đã đạt hiệu quả phòng trừ từ 75 - 80%.
Các tỉnh làm tốt công tác phòng trừ bệnh như Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng sản lượng nhãn đã phục hồi trên 90%…
Trong các biện pháp phòng trừ bệnh chổi rồng, nghiên cứu của ĐH Cần Thơ và thực tế SX chỉ rõ việc cắt, tỉa các bộ phận bị bệnh, diệt trừ nhện kịp thời và chăm sóc cây khỏe góp phần quan trọng giảm tỷ lệ bệnh chổi rồng trên nhãn.
Đặc biệt, kết quả thí nghiệm của Bộ môn BVTV (ĐH Cần Thơ) cho thấy ở cả trong điều kiện nhà lưới và ngoài đồng, Chubeca 1.8SL (chứa hoạt chất polyphenol) có tính kích kháng giúp giảm mật số nhện và tỷ lệ chồi bị nhiễm bệnh chổi rồng một cách rõ rệt.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long, trưởng nhóm SX rải vụ nhãn, thì nhóm 6 tỉnh tham gia SX rải vụ thu hoạch đối với cây nhãn đã đạt được kết quả tích cực.
Theo đó, diện tích nhãn nghịch vụ đạt 11.053 ha/25.626 ha, chiếm 43,11%; trong khi, sản lượng nhãn nghịch vụ là 116.430 tấn chiếm gần 43%.
Kết quả rải vụ đã giúp giảm sản lượng nhãn chính vụ, nhờ vậy nhãn không bị rớt giá nhiều trong mùa thuận.
Ông Liêm cũng đề nghị bổ sung các tỉnh có diện tích nhãn lớn ở miền Đông Nam bộ vào nhóm SX rải vụ để hiệu quả rải vụ đạt cao hơn.
Tuy nhiên, SX rải vụ chỉ là một trong những giải pháp để giải quyết điệp khúc “được mùa rớt giá”, bởi vì đầu ra của trái nhãn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó công tác xúc tiến thương mại giữ vai trò quan trọng.
Minh chứng cho điều này, TS Nguyễn Hữu Đạt thông tin trong 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu được 56 lô nhãn tương đương hơn 279 tấn vào thị trường Mỹ với giá tốt.
Chính việc nhãn được phép nhập khẩu vào Mỹ và các thị trường khó tính khác đã tạo ra hiệu ứng tốt đối với giá nhãn trong nước trong thời gian vừa qua.
Trong dịp này, các đại biểu đã đến tham quan vùng trồng nhãn theo quy trình VietGAP vừa được Cục BVTV cấp mã số vùng trồng tại xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Ông Đạt cũng nhấn mạnh, việc tổ chức SX theo quy trình VietGAP là điều kiện "cần" để được cấp mã số vùng trồng - một trong những giấy thông hành để nhãn đi được vào các thị trường khó tính; trong khi mã số của cơ sở sơ chế, đóng gói và mã số của cơ sở xử lý đối tượng kiểm dịch (bằng biện pháp chiếu xạ hoặc hơi nước nóng) là hai điều kiện “đủ” để trái cây có thể lấy “visa” nhập cảnh vào Mỹ.
Trong hội thảo, các nhà chọn giống thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam giới thiệu giống nhãn mới LĐ 11.
Đây là giống nhãn mới được lai tạo, mang các ưu điểm của cả cây cha và cây mẹ là hai giống nhãn xuồng cơm vàng và tiêu da bò như cây sinh trưởng mạnh, năng suất cao (năng suất năm thứ tư sau trồng đạt 10 tấn quả, giai đoạn kinh doanh ổn định đạt 15 tấn/ha), cơm dày (độ dày thịt quả trung bình 5,8 mm), khối lượng hạt nhỏ (1,8 g), thịt quả ráo, chất lượng tốt khi sấy; đặc biệt giống nhãn LĐ 11 chống chịu bệnh chổi rồng khá tốt.
Đây là giống nhãn triển vọng được đưa vào SX thử trong năm 2016.
Kết luận hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư nhấn mạnh để tăng thu nhập cho người trồng nhãn, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp như khống chế bệnh chổi rồng; rải vụ; liên kết, tổ chức SX theo quy trình VietGAP; giống tốt… để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều và ổn định thì sẽ chiếm lĩnh được thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhờ đó, thu nhập của người trồng nhãn tăng lên, diện tích nhãn được duy trì.
Ông Dư tin tưởng rằng công tác phòng chống bệnh chổi rồng sẽ thành công khi chính quyền và người dân đồng lòng áp dụng đầy đủ và đồng loạt quy trình phòng trừ bệnh do Cục BVTV đưa ra.
Ông đặc biệt lưu ý chính quyền địa phương các cấp cần có biện pháp đủ mạnh để loại trừ các cây nhãn “mồ côi” (nhãn trồng đơn lẻ quanh nhà để lấy bóng mát, là nơi lưu tồn và phát tán nguồn bệnh), nếu không bệnh chổi rồng sẽ tái phát dai dẳng sau khi kết thúc chiến dịch.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, rầy nâu và rầy lưng trắng lứa 6 đã gây hại ở 1.625 ha, mật độ trung bình 1.500 - 2.000 con/m2, nơi cao 5.000 - 7.000 con/m2, cá biệt có ổ lên tới hàng vạn con/m2.
Với đầu ra ổn định, trung bình mỗi sào thu về từ 8 – 10 triệu đồng/năm, cây mía tím đã và đang trở thành cây trồng chủ lực ở một số huyện miền tây Thanh Hóa như huyện Bá Thước, Quan Hóa...
Cá tra nguyên liệu loại trên 1 kg/con hiện chỉ khoảng 19.500 – 19.700 đồng/kg, mức giá mà các doanh nghiệp chế biến thu mua rất hạn chế. Cùng lúc này, loại cá dưới 800 g/con, giá thu mua khoảng 22.000 – 22.200 đồng/kg (áp dụng cho phương thức mua cá trả tiền chậm), còn nếu trả tiền mặt, chỉ ở mức 20.000 đồng/kg.
Thôn Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam) vốn chỉ là vùng đất thuần nông, nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây, người dân đổ xô sang nghề nuôi rắn.
Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 10.756 ha, đạt 99,7% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh là 472,4 ha, gồm: cá tra, cá rô đồng, cá thát lát, cá lóc vèo, cá bống tượng, cá trê lai, cá tra giống và các loài cá khác.