Sản Xuất Lúa Theo VietGAP
An Điền là một trong 6 xã của huyện Thạnh Phú được dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn - DBRP Bến Tre đầu tư. Từ khi được triển khai thực hiện vào cuối năm 2009 cho đến nay, dự án đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống của người dân, nhất là trong việc nâng cao năng lực cho người nghèo. Trong đó, sản xuất lúa theo hướng VietGAP là một trong những mục tiêu mà Ban phát triển xã đang xây dựng, nhằm từng bước cải thiện tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu trước đây, giúp người dân thoát nghèo bền vững theo mục tiêu của dự án DBRP đề ra.
Là một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu của người dân phụ thuộc rất nhiều vào cây lúa và con tôm. Trước đây, nông dân thường canh tác là các giống lúa mùa địa phương, năng suất bấp bênh, thu nhập của người dân không ổn định. Những năm gần đây, việc lên bờ bao nuôi tôm và sản xuất lúa trung vụ được khuyến khích, nên năng suất lúa có tăng lên. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa vẫn còn nhiều những hạn chế đối với nông dân địa phương.
Năm 2011, được sự tài trợ của dự án thông qua nguồn kinh phí quỹ CIF, Ban phát triển xã đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho người nghèo. Trong đó, có khóa tập huấn kỷ năng sản xuất lúa theo hướng VietGAP dành cho tổ hợp tác trồng lúa ấp An Điền. Với thời gian 8 tuần thực học, 31 thành viên của tổ được giới thiệu về VietGap, hướng dẫn triển khai thực hiện VietGap trên lúa áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: 3 giảm 3 tăng, bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc 4 đúng, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, ghi chép nhật ký đồng ruộng… Tham gia khóa tập huấn, ngoài việc được trao đổi về kiến thức và kinh nghiệm trong canh tác lúa với cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật, nông dân còn được hướng dẫn thực hành ngay trên đồng ruộng trong suốt thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch. Nhìn chung, qua khóa học, các thành viên đều tỏ ra hứng khởi với các kiến thức mới. Anh Phạm Văn Bé, tổ hợp tác trồng lúa ấp An Điền cho biết, sản xuất lúa sạch và an toàn, có giá trị kinh tế cao là điều mà các thành viên trong tổ luôn hướng đến. Tuy nhiên, khi thay đổi các phương thức sản xuất, nông dân thường tự ý thực hiện riêng lẻ, mỗi người có cách làm riêng, tính hiệu quả chưa cao. Khi tham gia khóa tập huấn, được tiếp cận các kỷ năng sản xuất lúa theo hướng VietGap, anh hiểu được cách chọn giống lúa phù hợp với đất canh tác tại địa phương, các tác hại của việc lạm dụng dùng thuốc bảo vệ, ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, với việc thăm đồng và xử lý đồng ruộng thường xuyên theo cách làm mới, đã giúp anh phân tích được các loại sâu hại, thiên địch, từ đó mà có hướng quản lý bệnh hại trên lúa đạt hiệu quả hơn.
Anh Đỗ Văn Lĩnh, một thành viên của tổ hợp tác cho biết, trong thời gian tham gia tập huấn, được đi tham quan các mô hình trồng lúa tại tỉnh Hậu Giang cùng với những kiến thức được truyền đạt, anh hiểu rỏ hơn về phương pháp 3 giảm 3 tăng. Nếu như trước đây, lượng giống được anh sử dụng cho mỗi ha thường là từ 150kg trở lên, thì nay, khi áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng, lượng giống chỉ còn lại từ 100kg đến 120kg. Nhưng điều quan trọng, là anh hiểu được khi áp dụng biện pháp này, quá trình quang hợp của cây lúa sẽ được thuận lợi hơn, hạn chế sâu bệnh hại tấn công. Điều này, giúp anh tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
Anh Nguyễn Văn Đen, tổ trưởng tổ hợp tác trồng lúa của ấp, là một trong 2 hộ được chọn thực hiện mô hình. Trên diện tích 1ha, anh sử dụng 1 loại giống OM 6976 có thời gian sinh trưởng 110 ngày, có khả năng chịu phèn, thích hợp với thổ nhưỡng địa phương. Anh cho biết, khi tham gia sản xuất lúa thử nghiệm, anh áp dụng các kỷ thuật theo đúng những gì mình học được và đã đem lại hiệu quả. So với ruộng lúa ngoài mô hình, thì ngoài việc giảm lượng giống gieo sạ, thuốc bảo vệ thực vật, anh còn tiết kiệm được gần 200kg phân bón các loại. Trong khi đó, năng suất có thể đạt trên 5 tấn/ha, tăng gần gấp đôi so với trước đây.
Ông Trần Văn Hoàng, chủ tịch UBND – Trưởng ban phát triển xã An Điền cho biết: thời gian tới, Ban phát triển xã sẽ tổ chức nhân rộng mô hình tổ hợp tác sản xuất lúa theo hướng VietGap ra các ấp còn lại, nhằm phát huy tính hiệu quả từ mô hình. Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực thực hiện chuỗi giá trị cho người nghèo. Tuy nhiên, xã sẽ hạn chế tổ chức nhiều lớp tập huấn, mà sẽ dành phần lớn kinh phí tổ chức nhiều hơn những chuyến tham quan thực tế các mô hình sản xuất lúa hiệu quả để nông dân học tập. Ngoài ra, Ban phát triển xã cũng sẽ phối hợp với văn phòng dự án huyện tìm giải pháp giúp nông dân tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả./.
Có thể bạn quan tâm
Theo số liệu vừa thống kê, hàng hóa xuất khẩu của Bình Thuận trong nửa đầu năm 2013 ước đạt 115,5 triệu USD, tăng gần 14% so cùng kỳ năm ngoái và bằng 46,2% kế hoạch năm nay. Trong đó nhóm hàng nông sản đã đem về kim ngạch xuất khẩu cho địa phương khoảng 23,2 triệu USD, tăng 44,7% so cùng kỳ.
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trùng Khánh vừa phối hợp với Công ty BIOSEED Việt Nam tổ chức Hội nghị đầu bờ tổng kết mô hình trồng giống ngô lai B.265, vụ đông - xuân.
6 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm huyện Bảo Lâm mở 30 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt với 1.094 lượt người tham gia.
Tích lũy kinh nghiệm bằng thâm niên nuôi vịt chạy đồng rồi sang nuôi vịt thịt, nuôi vịt sinh sản nhốt tại chỗ, ông Võ Văn Vân ở ấp Mỹ Tây, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã chuyển sang nuôi vịt giống theo hướng an toàn sinh học và mở thêm lò ấp trứng.
Nhiều năm nay, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Vĩnh Phúc đã trở thành “cánh tay” đắc lực giúp bà con nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Để có được niềm tin ấy, Trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, giúp bà con giải toả thắc mắc, dần làm chủ và hưởng lợi từ những mô hình kinh tế.