Săn siêu tôm ở biển Cà Mau
Đó là loài tôm sú bố mẹ sống trong tự nhiên. Hiện giờ, tôm đẹp cỡ 250 gram/con có giá từ 4 - 6 triệu đồng/con. Rẻ nhất cũng khoảng 1 triệu đồng/con.
Một con tôm sú bố mẹ khỏe mạnh có thể đẻ bốn lần trong 12 ngày, mỗi lần 1 triệu trứng, trứng nở tôm con giúp người ươm giống có lời vài chục lần tiền mua tôm giống.
Vì vậy, việc tranh mua tôm giống khỏe mạnh luôn diễn ra gay gắt ở cửa biển Rạch Gốc ở huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, cực Nam đất nước. Đây cũng là nơi duy nhất còn “sàn giao dịch” loại tôm quý này.
Từ bữa cơm ngàn đô
Biển chiều đóng sập bức màn mây đen như gánh hát vãn tuồng. Khi cánh tàu gỏi (tàu thu mua trên biển), tàu câu trở đầu vào đảo Hòn Chuối núp sóng thì trên những chiếc tàu lưới vây, người ta bật bộ đàm tìm nhau. Một sự náo nhiệt bất chợt hiện ra trên biển đêm lạnh lẽo.
Tin về một chiếc tàu lưới vừa trúng mẻ tôm lan nhanh khiến nhiều tàu khác nháo nhào. Nhưng chiếc tàu trúng tôm đã... “tàng hình”.
Chiếc tàu “biến mất” bởi chủ tàu sợ lộ tọa độ và các tàu khác sẽ cùng quây vào khai thác. Những chiếc bộ đàm hoạt động hết công suất.
Lớp thăm dò tình hình, lớp điều tra gặng hỏi, thậm chí có những tàu cử những người làm nhiệm vụ do thám xem tàu bạn trao đổi gì với tàu gỏi hay gọi về đất liền để đánh cắp thông tin ngư trường. Tuy đã vào cuối mùa tôm nhưng những chiếc tàu lưới vây săn tôm sú giống chưa bao giờ nghỉ ngơi.
Gần 20 năm nay, từ khi một ngư dân ở Rạch Gốc (Ngọc Hiển, Cà Mau) tình cờ đãi khách phương xa “bữa cơm ngàn đô” thì một vùng biển ngoài khơi thị trấn nhỏ này cứ nóng dần lên. “Đại gia bất đắc dĩ” ấy là ông Ba Tiếp, một ngư dân cố cựu ở vùng biển phía nam Cà Mau này.
Số là hôm ấy nhà ông Tiếp có mấy người bạn làm nghề nuôi tôm từ Nha Trang vào thăm. Nghĩ thượng khách đến nhà có gì ngon đãi nấy, ông Ba Tiếp kêu con bắt mớ tôm sú to cỡ cổ tay vừa đánh bắt được đem luộc đãi khách. Vị khách trố mắt: “Ông chơi sang quá vậy. Đĩa tôm này có giá cả trăm triệu”.
Lời của khách khiến ông Ba Tiếp cứ tưởng mình đang bị đùa cợt. Đến đây khách mới giải thích: Những con tôm mà họ được đãi phải liệt vào hàng “siêu tôm”.
Vì trong nghề nuôi tôm, nếu tôm giống bố mẹ to chừng hai con/kg thì phải có giá từ vài chục triệu đồng mỗi con. “Cứ cắn một miếng tôm là ăn hết 1 triệu đồng rồi đó” - khách xuýt xoa.
Bữa cơm hôm ấy trở thành bữa bàn chuyện làm ăn. Ông Ba Tiếp được chỉ cách thay vì bắt tôm sú khủng bán tôm thịt như mọi khi thì nên giữ cho tôm sống rồi bán lại cho các cơ sở ươm giống tôm, sẽ lời gấp hàng chục, hàng trăm lần.
“Mỏ siêu tôm”
Trở lại những năm 1996 - 2006, sau những năm người dân kéo nhau đi bửa đập để nuôi tôm, diện tích tôm của cả miền Tây từ chưa quá 100.000 ha nở ra gấp năm lần. Rồi con tôm sú cũng nhanh chóng mang về mỗi năm hàng tỷ đô cho các tỉnh ven biển miền Tây.
Khi việc nuôi tôm rộ lên, bài toán nan giải là tìm đâu ra lượng tôm giống khổng lồ để cung cấp cho diện tích nuôi rộng lớn này. Địa chỉ mua tôm giống của người dân miền Tây chủ yếu từ các tỉnh Nam Trung bộ. Mà nguồn tôm sú bố mẹ đánh bắt ở các ngư trường miền Trung cũng dần cạn kiệt. Thậm chí có nơi đã không còn xuất hiện loại tôm đắt giá này.
Cho nên khi có tin “siêu tôm” xuất hiện ở Rạch Gốc đã khiến nhiều chủ trại tôm từ Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu... nhanh chóng tìm đến vùng cửa biển hẻo lánh của Cà Mau.
Cửa Rạch Gốc từ đó trở thành nơi cung cấp tôm sú bố mẹ lớn nhất nước. Một “sàn giao dịch tôm” cũng xuất hiện tại đây với sự tham gia của khách hàng từ Nam chí Bắc. Đàn tôm sú ở vùng biển phía Nam trở nên quá quan trọng đối với nền thủy sản.
“Nếu không có tôm sú bố mẹ ở đây, có lẽ chúng ta sẽ đối diện với khủng hoảng tôm giống” - anh Huỳnh Văn Dũng, chủ một thương hiệu tôm giống cũng là người có sáu ghe ra biển mua tôm sú về cho sinh sản, nói.
Khi con tôm sú biển Rạch Gốc trở nên nổi tiếng thì đó cũng trở thành cơ hội cho ngư dân... Bạc Liêu. Nhiều ngư dân Rạch Gốc có đội tàu đánh bắt rất hùng hậu nhưng lại “nhường” phần khai thác tôm sú bố mẹ cho các tàu lưới của Bạc Liêu.
Ông Sáu Tuôi, người có nhiều ảnh hưởng ở Rạch Gốc, lắc đầu: “Coi vậy chứ không dễ ăn đâu. Không phải vùng nào tôm cũng sống. Phải có vùng nước, độ sâu, rồi nguồn thức ăn theo mùa... nếu không nắm được quy luật thì lỗ sặc máu”.
Ở vùng biển này, không ít ngư dân phất lên từ đàn tôm và cũng không thiếu những dẫn chứng buồn khác.
Theo lão ngư Sáu Tuôi, tôm sú bố mẹ chỉ sống ở khoảng cách từ 15 hải lý trở ra, độ sâu từ 15 m nước trở đi. Các luồng tôm cũng không cố định mà trải rộng từ vùng biển Hòn Khoai, Hòn Chuối trở ra hướng Tây Nam.
Biết được nguồn tôm cũng chưa cầm chắc thắng. Việc giữ cho con tôm khỏe mạnh khi đánh bắt để chúng sinh sản được là cả một vấn đề. Từ việc thiết kế lưới vây có túi, có tùng hợp lý đến việc canh thời gian kéo lưới... là cả kinh nghiệm xương máu. Con tôm đẹp được gọi là tôm phụng (vì trông đẹp như con phụng) được lùng sục khắp nơi.
Cánh đi biển nói dân đánh tôm ở vùng biển phía Nam là những người “lì nhất biển” vì họ là những người chịu bám biển đến... quên nhà.
Ngư dân Nguyễn Công Tâm (28 tuổi, quê Bạc Liêu) nói tàu của anh có khi tết cũng không vào đất liền, lễ lạt cũng không vào đất liền và anh cũng chẳng biết khi nào được về nhà. Bởi mọi người cứ cuốn theo những luồng tôm cá vắt vít hết đông rồi tây.
Mọi nhu yếu phẩm cho đánh bắt và để sinh sống nhiều ngày trên biển đều được ghe gỏi mang ra khơi. Ngay cả tiền nong cũng được chia chác ngoài biển.
Những chiếc tàu như của Tâm vừa săn đuổi các mẻ tôm, nhưng cũng là đối tượng bị săn đuổi của các tàu khác. Tài công Lâm Bánh Dừa (quê huyện Đông Hải, Bạc Liêu) nói nhiều khi trúng được mẻ vài chục con tôm sú bố mẹ, gọi ghe gỏi ra để bán thì không lâu sau lại có những chiếc ghe khác xuất hiện bủa vây ngay vùng biển tàu anh vừa kéo lưới.
“Nên bây giờ chúng tôi nói chuyện bằng mật mã không hà” - Bánh Dừa nói. Anh tài công lão luyện này cười trừ khi được hỏi đã từng... đi “săn” tàu khác?
Biển đêm. Những chiếc tàu vẫn nháo nhào “săn nhau” và săn luồng tôm quý. Nhưng đời biển, mênh mông là vậy, cả chục cả trăm tàu mới có một, hai chiếc trúng. Nên sống trên mỏ tôm giống quý nhưng phận người vẫn cứ lênh đênh...
Có thể bạn quan tâm
Thay vì SX truyền thống “mùa nào thức ấy”, nhiều địa phương ở Bắc Giang áp dụng tiến bộ kỹ thuật tạo ra sản phẩm rau quả trái vụ nhằm nâng cao thu nhập.
8 năm rời công tác quản lý, ở tuổi 73, cựu Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Nguyễn Đức Triều thanh thản vui thú điền viên. Những người từng làm việc với ông, quen biết ông đều có chung nhận xét ông là người tận tụy với công việc, sống nhân ái và hết sức nghĩa tình.
Là một trong những gia đình trồng na đầu tiên trên mảnh đất xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), cho đến nay, mô hình trồng cây ăn quả của ông Nông Văn Lợi (thôn Đồng Ngầy) là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương.
Thời vụ thích hợp trồng chuối tiêu hồng vào mùa xuân (tháng 2 - 4) và mùa thu (tháng 8 - 10). Mật độ trồng: Hàng cách hàng 2,2 m, cây cách cây 2,5 m, tương đương 60 - 70 cây/sào (sào Bắc bộ 360 m2).
Các vườn chôm chôm ở các địa phương vùng ĐBSCL đang bị thất thu trầm trọng vì bị ruồi vàng tấn công trong khi các ngành chức năng chưa tìm ra được biện pháp hữu hiệu để diệt đối tượng gây hại rất nguy hiểm này.