Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản lượng nhãn Hồng Nam giảm khoảng 800 tấn

Sản lượng nhãn Hồng Nam giảm khoảng 800 tấn
Ngày đăng: 06/08/2015

Mới chớm bước vào đầu vụ nhưng đến nay gia đình anh Đỗ Văn Tuấn ở thôn Lê Như Hổ đã xuất bán được hơn 1 tạ nhãn quả. Ngoài nhãn thu tại vườn của gia đình, anh còn thu gom của các hộ trong thôn để xuất bán cho khách hàng. So với vụ trước, nhãn chín sớm năm nay cho thu hoạch sớm hơn khoảng nửa tháng, giá bán dao động 40 – 45 nghìn đồng/kg, cao hơn 4 - 5 nghìn đồng/kg.

Anh Tuấn chia sẻ: “Muốn nhãn ra hoa, đậu quả, cho thu hoạch sớm, cuối tháng 9, đầu tháng 10 (tùy thời tiết từng năm) phải tiến hành tưới thuốc kích thích để nhãn phát dục, ra hoa. Vì nhãn ra hoa, đậu quả vào thời điểm đầu xuân, thời tiết mưa phùn, độ ẩm cao, cần theo dõi, phòng trừ tốt bệnh sương mai, thán thư, rệp gây hại. Khi nhãn đã đậu quả cần cắt tỉa để cây đủ sức nuôi quả; bón cân đối các loại phân NPK, kết hợp ngâm ngô tưới, sau này nhãn sẽ có hương vị thơm ngon và đạt hàm lượng đường cao”.

Ông Trịnh Văn Quỹ ở thôn Nễ Châu có hơn 160 cây nhãn, trung bình mỗi vụ cho thu hoạch 6 – 8 tấn quả. Ông cho biết: “Năm nay nhãn ra hoa, đậu quả sai nhưng thời điểm quả bằng hạt đậu tương bị rụng nhiều nên dự kiến năm nay vườn nhãn của gia đình tôi chỉ đạt gần 3 tấn quả. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được 60kg nhãn chín sớm, giá bán cho khách làm quà biếu từ 50 – 55 nghìn đồng/kg. Dự tính, năm nay giá nhãn quả trung bình cả vụ đạt 25 nghìn đồng/kg, cao hơn 5 nghìn đồng/kg so với vụ trước”.

Tuy sản lượng nhãn vụ này tại các vườn giảm nhưng nông dân trong xã vẫn có thu nhập cao vì nhãn được giá và dễ tiêu thụ. Theo dự tính của các chủ vườn, do sản lượng nhãn vụ này ở một số địa phương trong tỉnh giảm nên nhiều khả năng nhãn chính vụ vẫn bán được giá từ 25 – 30 nghìn đồng/kg, cao hơn 5 nghìn đồng/kg so với vụ trước. Đối với những hộ trong vùng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ kỳ vọng nhãn bán được giá cao hơn ở thị trường nội địa.

Ông Bùi Xuân Tám, chủ vườn nhãn ở thôn Nễ Châu cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2 mẫu nhãn Hương Chi, đường phèn và nhãn cùi, trong đó có 1,8 mẫu nằm trong vùng được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hiện nay nhãn chín sớm đã thu hoạch xong, còn lại là nhãn chính vụ. Tuy sản lượng giảm so với vụ trước nhưng hy vọng nhãn vào thị trường Mỹ sẽ bán được giá cao. Theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, thời điểm này, gia đình tôi và những hộ trong vùng đã ngừng sử dụng thuốc BVTV, chuẩn bị bao quả, dự kiến giữa tháng 8 nhãn chính vụ bắt đầu cho thu hoạch”.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Nam Nguyễn Tuấn Bảo cho biết: Phát huy lợi thế về tiềm năng lao động, đất đai, nhiều hộ dân trong xã đã tích cực cải tạo vườn, trồng, ghép các giống nhãn năng suất, chất lượng cao như nhãn Hương Chi, đường phèn, nhãn cùi, quả to, hạt nhỏ, hàm lượng đường cao, hương vị thơm ngon vào thâm canh nhằm tăng giá trị thu nhập. Đặc biệt, từ lâu các chủ vườn ở đây đã ứng dụng kỹ thuật “ép” nhãn ra hoa, đậu quả và cho thu hoạch sớm để tránh rớt giá. Thời điểm này, nhãn chín sớm ở xã Hồng Nam đã cho thu hoạch, đầu vụ khách đến mua tại vườn với giá từ 40 – 55 nghìn đồng, có hộ bán được 60 nghìn đồng/kg.

Theo kinh nghiệm của những chủ vườn, nhãn cho thu hoạch sớm cho năng suất không cao, khó chăm sóc nhưng giá bán thường cao gấp 2 – 3 lần nhãn thu hoạch chính vụ. Để nhãn ra hoa, đậu quả, cho thu hoạch sớm, cần chọn cây có đặc tính sinh học phát dục sớm. Người trồng nhãn phải có kinh nghiệm, theo dõi thời tiết, màu lá để chọn thời điểm, sử dụng liều lượng phân bón, tưới thuốc phù hợp, khoanh vỏ để nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn.

Theo báo cáo của UBND xã Hồng Nam, xã hiện có 250ha nhãn, hàng năm cho thu hoạch ổn định, trong đó có khoảng 20% diện tích nhãn cho thu hoạch sớm, còn lại là nhãn chính vụ và nhãn muộn.

Dự tính vụ nhãn năm nay toàn xã thu được 1,2 nghìn tấn quả, giảm 800 tấn so với vụ trước. Nguyên nhân sản lượng nhãn giảm bởi thời kỳ nhãn đậu quả non gặp gió tây, kết hợp với thời tiết mưa ẩm, bệnh sương mai phát triển nên quả bị rụng nhiều. Hiện nay nhãn chín sớm đang cho thu hoạch, nhãn chính vụ thu hoạch rộ vào giữa tháng 8. Xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn khuyến cáo các chủ vườn cần thu hoạch nhãn đã đến kỳ thu hoạch, ngừng sử dụng thuốc BVTV và không sử dụng chất bảo quản để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hộ trong vùng nhãn xuất khẩu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của phía đối tác.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Trồng Ớt Xuất Khẩu Cho Thu Nhập Từ 18 Đến 20 Triệu Đồng/sào Mô Hình Trồng Ớt Xuất Khẩu Cho Thu Nhập Từ 18 Đến 20 Triệu Đồng/sào

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, tháng 8-2013, xã Quang Hiến (Lang Chánh - Thanh Hóa) đã phối hợp với Công ty TNHH VietGap ở huyện Yên Định xây dựng mô hình trồng ớt xuất khẩu tại thôn Bàn trên diện tích 5 ha, với 38 hộ dân tham gia.

22/11/2013
Vào Mùa “Chế Tác Hàng Độc” Phục Vụ Tết Vào Mùa “Chế Tác Hàng Độc” Phục Vụ Tết

Đến hẹn lại lên, những tháng cuối năm cũng là thời điểm nhiều địa chỉ “chế tác hàng độc” phục vụ tết ở ĐBSCL khởi động. Theo giới “chế tác hàng độc”, năm nay sẽ khan hiếm sản phẩm “độc” do mất mùa nhưng có nhiều mẫu mã mới được trình làng.

22/11/2013
Đổi Đời Sau 3 Năm Xây Dựng Nông Thôn Mới Đổi Đời Sau 3 Năm Xây Dựng Nông Thôn Mới

Những con đường bê tông phẳng lì, những ngôi nhà ngày một khang trang, các cánh đồng sản xuất nông nghiệp trù phú... Đó là những đổi thay có thể nhìn thấy được ngay ở xã điểm nông thôn mới Tân Thịnh, huyện Lạng Giang. Còn nhớ, cách đây 3 năm (năm 2009), khi được Ban Bí thư Trung ương chọn làm xã điểm đại diện cho vùng trung du miền núi phía Bắc để xây dựng nông thôn mới (NTM), Tân Thịnh còn ngổn ngang công việc, chưa tiêu chí nào đạt được.

22/11/2013
Hiệu Quả Mô Hình Chăn Nuôi Kết Hợp Hiệu Quả Mô Hình Chăn Nuôi Kết Hợp

Để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, đã có không ít nông dân mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, thoát khỏi sự gò bó, hạn hẹp của kinh tế hộ nhỏ lẻ, hình thành mô hình sản xuất theo hướng trang trại, vận hành theo cơ chế thị trường. Kinh tế trang trại thực chất là doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Có thể nói, kinh tế trang trại ở tỉnh ta hiện phát triển khá mạnh, tăng nhanh về số lượng, với đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất trên các lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp, như trang trại trồng trọt, chăn nuôi, trang trại thuỷ sản, lâm nghiệp, trang trại theo mô hình VAC.

22/11/2013
Cá - Cần Hoàng Lương Cá - Cần Hoàng Lương

Từ con cá và những ruộng rau cần, người dân xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã trở nên khá giả, đời sống sung túc. Nhiều cánh đồng đạt mức thu 300 triệu đồng/ha/năm. Chủ trương hình thành vùng sản xuất rau an toàn tại đây tiếp tục mở ra cơ hội mới cho nông dân xã Hoàng Lương đẩy mạnh thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế.

22/11/2013