Sa Pô Lên Ngôi, Nhà Vườn Tính Chuyện Lâu Dài Ở Tiền Giang
Trong những năm gần đây, chưa bao giờ giá sa pô giữ ở mức cao và kéo dài như năm nay. Hiện nay, giá sa pô đang có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng vẫn còn khá cao. Trước diễn biến này, nhiều nơi nông dân bắt đầu chọn cây sa pô để thay thế những cây trồng kém hiệu quả khác.
SA PÔ LÊN NGÔI?
Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá sa pô liên tục giữ ở mức từ 12.000 - 22.000 đồng/kg, có thời điểm từ 26.000 - 27.000 đồng/kg, nhà vườn rất phấn khởi. Cách nay hơn nửa tháng, anh Nguyễn Thành Tâm, ấp Giáp Nước (Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho - Tiền Giang) thu hoạch 2,4 công sa pô được 1,5 tấn. Dù trái nhỏ nhưng sa pô của anh cũng bán được giá 16.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu được 20 triệu đồng. Hiện nay, vườn sa pô của anh cũng chuẩn bị cho thu hoạch đợt mới, hứa hẹn nguồn thu nhập khá.
Về các xã Song Thuận, Kim Sơn, Phú Phong (Châu Thành), nơi có diện tích sa pô trồng tập trung của tỉnh trong những ngày này, chúng tôi nhận thấy rõ niềm vui hứng khởi của những người trồng sa pô. Tại các vườn sa pô, nhà vườn đang tất bật thu hoạch sa pô đưa vào bội chuyển đi bán cho thương lái.
Ông Nguyễn Văn Hòa, ấp Mỹ, xã Kim Sơn, đang lau chùi những trái sa pô vừa hái chuẩn bị đưa đi bán, cho biết năm nay vú sữa thất giá nhưng sa pô lại trúng giá. Có lúc, giá sa pô loại cơi tăng từ 24.000 - 26.000 đồng/kg. Ông Hòa cũng cho biết, cách nay nửa tháng, giá sa pô bắt đầu giảm nhẹ (do ruồi đục trái tấn công) nhưng vẫn còn khá cao.
Trong đợt thu hoạch này, ông Hòa bán được 700 kg. Với giá hiện nay, sau khi trừ chi phí, ông còn lời 10 triệu đồng. Còn nếu tính từ Tết Nguyên đán đến nay, vườn sa pô của ông cho thu hoạch 3 đợt trái, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 30 triệu đồng.
“Mọi năm, sau Tết Nguyên đán, sa pô đều có giá (do nghịch vụ, sản lượng ít) nhưng chưa bao giờ có giá cao và kéo dài như thế. Mọi khi đến thời điểm tháng 5, sa pô bắt đầu tuột giá nhưng hiện tại giá vốn còn khá cao. Những năm qua, giá sa pô lúc lên, lúc xuống nhưng tính chung lại trong năm, người trồng sa pô vẫn có lời khá. Năm nay, sa pô được giá kéo dài, bà con càng phấn khởi hơn” - ông Nguyễn Văn Hòa cho biết.
Giá sa pô ở mức cao kéo dài cộng với giá cả không biến động lớn trong những năm gần đây, người dân nhiều nơi cũng bắt đầu chuộng trồng sa pô.
“Đứa con trai tên Nguyễn Thanh Phương ở xã Long Hưng vừa trồng mới 4,3 công sa pô cách nay hơn 1 năm. Đứa con gái cũng trồng 5 công sa pô, trong đó có 2 công trồng chỉ mới được 2 năm nay. Ngoài ra, đứa con trai nữa của tôi là Nguyễn Thanh Hiền cũng có 1,5 công sa pô đang cho thu hoạch rất tốt” - ông Nguyễn Văn Hòa vui mừng nói.
Ông Huỳnh Văn Nghi, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Kim Sơn, cho biết: “Sa pô đang dần lấy lại vị thế của mình. Hiện nay, các chủ vườn trồng sa pô đang tích cực chăm sóc, cải tạo lại vườn. Nhiều nông dân cũng bắt đầu quan tâm đến cây trồng này. Những diện tích sa pô trồng mới thời gian qua chủ yếu trên vườn vú sữa già cỗi hay bị bệnh; một số diện tích sa pô được trồng mới trên những vườn cây ăn trái kém hiệu quả”.
Tuy nhiên, khi đề cập đến giá sa pô trong tương lai thì ông Nghi bày tỏ: “Việc này không thể đoán được. Nó tùy thuộc vào diễn biến của cung cầu trên thị trường”.
TÍNH CHUYỆN BỀN VỮNG
Theo ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, sa pô đã từng trải qua những giai đoạn “thăng trầm”, đã có thời điểm giá sa pô xuống thấp trong thời gian dài, nhà vườn đốn sa pô trồng cây khác. Vài năm trở lại đây, giá sa pô tương đối ổn định cùng với lợi thế cho trái quanh năm đã tránh được tình trạng đụng hàng rớt giá. Dù vậy, trên thực tế, người trồng sa pô vẫn còn rất bấp bênh.
Để khẳng định thương hiệu sa pô vùng này cũng như hướng đến phát triển bền vững loại cây ăn trái có thế mạnh của huyện Châu Thành, Hội Làm vườn huyện đã tiến hành khảo sát vùng trồng, chất lượng trái, quy trình sản xuất, thực trạng sản xuất và xúc tiến thủ tục đăng ký Nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho sa pô Mặc Bắc Kim Sơn và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận.
Tiếp theo đó, các đơn vị chức năng, địa phương đã xúc tiến thành lập tổ hợp tác sa pô và triển khai sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng. Đến cuối năm 2011, Tổ hợp tác sa pô Kim Sơn có 37 tổ viên với diện tích 12 ha đã được Sở NN&PTNT chứng nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất an toàn.
Trao đổi về hướng đi này, anh Nguyễn Vũ Hưng, Tổ Trưởng Tổ hợp tác Sa pô Kim Sơn cho biết, dù cây sa pô có lợi thế nhưng đầu ra còn rất bấp bênh. Nhiều năm gắn bó với cây sa pô, anh nhận thấy cần liên kết lại, sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn mới có cơ hội tìm đầu ra ổn định. Và khi chất lượng trái sa pô đảm bảo, thương hiệu sa pô Mặc Bắc được nhiều người biết đến, khi đó giá sa pô mới ổn định được.
Thực tế đã cho thấy, thời gian qua sa pô có đôi lúc bị giảm giá mạnh nhưng trái sa pô loại cơi vẫn có giá cao. Theo anh Hưng, thời gian gần đây, nhà vườn trồng sa pô đã quan tâm nhiều đến chất lượng trái, mà không còn đặt nặng vấn đề năng suất như trước đây. Tổ hợp tác và mô hình sản xuất sa pô an toàn ra đời cũng nhằm hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn một cách có quy trình, khoa học.
“Sa pô là loại cây ăn trái dễ triển khai phát triển theo hướng bền vững. Thời gian qua, huyện đã tiến hành xây dựng nhãn hiệu, thành lập tổ hợp tác, xây dựng mô hình sản xuất an toàn và đang triển khai mô hình sản xuất theo VietGAP. Từ tiền đề này, thời gian tới, các ngành, các cấp sẽ tính đến việc nhân rộng mô hình theo điều kiện cho phép, làm cơ sở để phát triển cây sa pô theo hướng bền vững” - ông Huỳnh Hữu Hòa nói.
Có thể bạn quan tâm
Cũng theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích ngô đạt khoảng 1,21 triệu ha, tăng 38.000 ha và sản lượng khoảng 5,45 triệu tấn, tăng 4,8%. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 50,5 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn so với năm 2013.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh Bình Phước hiện còn khoảng 134.506 ha điều (giảm 36.630 ha so với năm 2007). Trong đó, diện tích sản xuất có hiệu quả chỉ chiếm 40 - 50%, là những vườn được trồng giống mới năng suất cao, trồng trên vùng đất tốt.
Sản xuất lúa giống không chỉ còn là chuyện của các nhà chuyên môn, mà đã trở thành “sinh kế” cho những nông dân chân đất ở Tịnh Trà (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi). Liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp - nông thôn Tịnh Trà để cùng làm ra những hạt lúa giống chất lượng, mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên, người nông dân và HTX vẫn gặp khó, khi sản phẩm khó có thể bán đại trà ra thị trường…
Ngoài ra, huyện chỉ đạo các xã, lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý mía nguyên liệu, không để bán ra ngoài vùng... Đến ngày 18 – 12, trên địa bàn huyện thu hoạch được 730 ha, năng suất bình quân 61 tấn/ha; riêng vùng đồi xã Thành Vân và một số xã ven sông Bưởi..., năng suất mía nguyên liệu đạt 80 đến 85 tấn/ha.
Hiện gừng có giá 20.000đ/kg. Được biết năm nay lũ nhỏ, nông hộ không bán chạy gừng non như các năm khác, nên giá không giảm thấp. Nhiều hộ neo gừng lại đến tết bán. Với giá gừng hiện nay, một công gừng nếu chăm sóc tốt cho thu nhập khoảng 42.500.000đ.