Nguy cơ thiếu nguyên liệu mía đường
“Cãi nhau” vì chữ đường!
“Diện tích mía ở Cà Mau đã giảm 50% trong năm qua (từ 1.400ha giảm xuống còn 700ha). Nếu có nhà máy nào khác đến vùng nguyên liệu mua sẽ thiếu. Năm nào nhà máy sản xuất cũng lỗ, bản thân tôi thấy quê và xấu hổ, không dám đi họp”, ông Vưu Văn Út, Giám đốc Xí nghiệp Đường Cà Mau nói như “mếu”.
Đó cũng là một thực trạng của một số nhà máy đường trong vài năm trở lại đây. Cụ thể là thị trường tiêu thụ đường chịu nhiều sức ép từ sự xâm nhập của đường lậu lẫn chính ngạch, gây khốn đốn cho nhiều nhà máy đường trong nước.
Không chỉ Cà Mau, diện tích trồng mía ở ĐBSCL đang sụt giảm nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía 2015 - 2016 ở ĐBSCL chỉ còn 41.880ha, giảm hơn 6.000ha so với vụ rồi. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà máy đường ở Kiên Giang, diện tích trồng mía có thể giảm nhiều hơn con số thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Ngay Kiên Giang từ 5.000ha mía nay chỉ còn chưa đầy 2.000ha (không phải còn 4.600ha như số thống kê của hiệp hội). Đây là một thực trạng bi đát của ngành mía đường.
Cạnh tranh mía nguyên liệu sẽ gay gắt trong vụ mía đường năm nay. Trong ảnh: Chở mía đến nhà máy sản xuất
Trước thực trạng diện tích mía nguyên liệu giảm, lo thiếu nguồn mía liệu đã xuất hiện dấu hiệu “nôn nóng” vào vụ sớm. Đại diện Công ty Mía đường Cồn Long Mỹ Phát (Hậu Giang), cho biết, sẽ vào vụ sớm đầu tháng 9-2015, lý do công ty đã kiểm tra hơn 10 lần các mẫu mía đều đạt trên 10 chữ đường (quy định của Bộ NN-PTNT là phải đạt mức tối thiểu 9 chữ đường mới thu mua).
Trong khi đó, đại diện Công ty Mía đường Cần Thơ (CASUCO) và đại diện Sở KH-CN tỉnh Hậu Giang cho biết, đã kiểm tra nhiều đợt nhưng chưa có mẫu nào đạt trên 9 chữ đường! Thực tế, nếu mía chưa đạt 9 chữ đường mà thu mua vào vụ sớm sẽ là một thiệt thòi cho nông dân trồng mía. Mía để đủ thời gian thu hoạch sẽ cho chữ đường cao, nông dân bán được giá cao hơn mía chữ đường thấp.
Để giải quyết những bất đồng về cách đánh giá chữ đường này, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo, các sở ngành nhanh chóng kết hợp đánh giá chữ đường chính xác vùng nguyên liệu để tiến hành vào vụ sản xuất hiệu quả. Đảm bảo hài hòa lợi ích của nông dân và các nhà máy đường.
“Các nhà máy cần thống nhất thời gian vào vụ sản xuất thu mua mía đúng thời điểm chữ đường cao có lợi cho nông dân. Tôi rất mong các nhà máy năm nay sẽ thu mua mía nguyên liệu với giá hợp lý để nông dân trồng mía thấy được có cạnh tranh với các cây khác. Nếu không diện tích mía sẽ càng ngày teo tóp thì rất nguy”, một lãnh đạo nhà máy đường Sóc Trăng yêu cầu.
Hợp lực cùng nông dân
Các nhà máy đường bước đầu thống nhất thu mua mía với giá sàn 860 đồng/kg (mía 10 chữ đường), cao hơn mức giá quy định của Bộ NN-PTNT 119 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều khả năng tình trạng tranh thu mía nguyên liệu sẽ tái diễn ở ĐBSCL khi các nhà máy đường bắt đầu vào giai đoạn “đói” nguyên liệu. Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là địa phương có mía nguyên liệu chín sớm nhất trong vùng. Đây cũng là địa phương có diện tích mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL với 11.500ha (địa bàn này có 3 nhà máy đường).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang: “Thu nhập nông dân trồng mía thấp hơn trồng lúa. Tỉnh đang đưa ra nhiều giải pháp để giữ cây mía nhưng cũng chỉ ở mức 10.000ha, đã giảm hơn 1.500ha”.
Dù chưa có văn bản chính thức nhưng một số “câu chữ” của một số nhà máy đường đã xuất hiện dấu hiệu “bao chắn, xí phần” vùng nguyên liệu. “Năm nay chẳng nhà máy đường nào dám hạ giá mua mía nguyên liệu nữa. Các nhà máy đường sở tại không nên làm khó nhau bằng cách bắt các nhà máy đường nơi khác đến mua mía “phải đăng ký”.
Năm nay sẽ cạnh tranh khốc liệt”, lãnh đạo một nhà máy đường ở Long An nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam phân tích: “Ngành đường ĐBSCL đối diện nhiều thách thức, không thể cơ giới hóa, chỉ có thể tăng chất lượng đường và năng suất mía. Các nhà máy đường trước mắt cần kiểm tra đúng quy chuẩn, tính pháp lý đo đạc chữ đường.
Nếu cây mía không tồn tại thì trồng cây gì trên đất mía?. Nếu để cây mía tồn tại phải nắm tay hỗ trợ!”. Có lẽ đây là thời điểm các nhà máy đường “soi lại chính mình” và hợp lực để cùng nông dân trồng mía tồn tại và phát triển vùng nguyên liệu ổn định.
Chưa bao giờ ngành mía đường ĐBSCL đối diện với những nguy cơ “trắng tay” như hiện nay. Câu chuyện giảm giá thành sản xuất, tạo môi trường cạnh lành mạnh là vấn đề cấp bách: “Các ngành hữu quan cần tăng cường kiểm soát các kênh lưu thông của đường.
Trong đó, cần quan tâm đến đường du nhập từ Lào có đúng thực chất hay nhập từ Thái Lan, rồi thay tên bằng bao? Hậu Giang sẽ tập trung giảm thành sản xuất mía thông quan các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Nếu không “quyết chiến”, cứ để mòn mỏi cây mía sẽ chết”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang chỉ ra. Có lẽ đây cũng là “thông điệp” gửi đến các nhà máy đường ở ĐBSCL, cần quan tâm đến những lợi ích hài hòa với nông dân trồng mía.
Có thể bạn quan tâm
Vĩnh Long đã đầu tư trên 31 tỉ đồng dập dịch chổi rồng trên cây nhãn nhưng bệnh vẫn tái phát, nông dân phải đốn bỏ trên 900 ha nhãn bị bệnh để bán củi.
Liên tục những ngày qua, người dân trồng chuối ở khu vực ĐBSCL lại phấn khởi vì giá chuối bất ngờ tăng gấp đôi so với trước đó, từ 3.000 đồng/kg tăng lên 6.000-7.000 đồng/kg.
Theo một báo cáo mới của công ty Transparency Market Research về xu hướng và dự báo thị trường thức ăn thủy sản, nhu cầu thức ăn thủy sản toàn cầu dự kiến sẽ tăng 11,4%/năm trong thời kỳ từ 2013-2019.
Trong bối cảnh lúa gạo tồn đọng lớn, giá cả sụt giảm mạnh, cuộc sống hàng triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang gặp khó khăn, có lẽ những người thường có ý kiến “phải bảo vệ diện tích đất trồng lúa” cũng phải đắn đo. Đã đến lúc cần có cái nhìn toàn diện về chiến lược phát triển cây lúa, có giải pháp đồng bộ thay vì chỉ tập trung vào mũi xuất khẩu gạo để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao thu nhập nông dân.
Về chất lượng nguồn lao động biển cũng là một vấn đề rất đáng suy nghĩ. Lao động biển hiện nay có trình độ văn hóa thấp hơn so với lao động ở các ngành nghề khác.