Ruộng Khô, Cỏ Cháy Ở Đức Phổ (Quảng Ngãi)
Lẽ ra vào thời điểm này, bà con nông dân ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đang hối hả xuống giống vụ hè thu, nhưng hiện nay hàng nghìn héc ta đất canh tác trên địa bàn huyện phải bỏ hoang, ruộng khô cỏ cháy.
*Ruộng đồng khô khốc
Mọi năm, thời điểm này nhà nhà, người người phải cật lực làm đất, vận chuyển phân, dọn ruộng để xuống vụ hè thu. Nhưng những ngày nay, chạy dọc Quốc lộ 1 thuộc các xã ở huyện Đức Phổ, những cánh đồng cò bay thẳng cánh giờ chỉ là những thửa ruộng khô khốc, trơ gốc rạ. Bờ bãi, ao hồ nứt nẻ. Khắp các cánh đồng, không một tiếng máy cày, tiếng gọi nhau í ới của bà con nông dân dù đang vào vụ sản xuất.
Ngay cả khu vực thấp nhất, nằm cạnh một con mương thật to bà con cũng không thể gieo sạ được vì thiếu nước. Mặc dù những ngày gần đây, trên địa bàn huyện có mưa giông vào chiều tối, nhưng cũng chưa đủ ướt đất.
Cắm cúi dắt con trâu giữa cánh đồng khô khốc, không một bóng người, nông dân Nguyễn Tấn Phi, ở thôn Trung Sơn, xã Phổ Khánh lắc đầu ngao ngán: Chưa năm nào ruộng phải bỏ không như năm nay. Chúng tôi chẳng biết làm gì ngoài việc chăn trâu. Nhà nông gắn bó với ruộng đồng, giờ không có ruộng rồi đây không biết lấy gì mà ăn? Nhà nông khổ trăm bề”.
Sự lo lắng của ông Phi cũng là nỗi lo chung của nhiều hộ dân và các địa phương trong tỉnh. Ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cho biết, hiện toàn xã có tới 170 ha đất lúa ở 4 thôn không có nước để gieo sạ do hồ Liệt Sơn không tích đủ nước và hồ Ông Thơ đang nấp cấp cống thoát nước.
Tại xã Phổ Cường cũng có tới 500 ha/750 ha rơi vào tình cảnh tương tự do hồ Liệt Sơn cắt nước 1/2 diện tích gieo sạ vụ hè thu của xã. Không gieo sạ được bà con thất nghiệp, nhiều người đành bỏ quê tha phương tìm việc. Ở xã Phổ Thạnh để không bỏ ruộng, nhiều nơi bà con đã đóng giếng ngay giữa đồng nhưng vẫn không có nước.
*Lạy trời mưa xuống
Để giảm thiệt hại do hạn hán, nhiều địa phương trong huyện đã vận động bà con chuyển sang canh tác các loại cây trồng ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều diện tích chuyển đổi cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì thiếu nước.
Đầu tư hơn 5 triệu đồng để xuống giống 8 sào bắp, ông Nguyễn Tấn Ưu, ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường như đang "ngồi trên đống lửa" vì những giọt nước cuối cùng của con mương kề bên thửa ruộng còn đọng lại từ vụ đông xuân đã bốc hơi gần hết.
“Mấy năm trước, ruộng đồng lai láng nước, bà con tha hồ mà gieo sạ. Chúng tôi chưa bao giờ phải lo thiếu nước vì ruộng nằm sát kênh. Năm nay lại quá khô hạn mình phải chuyển sang trồng bắp. Bà con nông dân đang ngày đêm trông mưa nếu không thì trắng tay”- ông Ưu than thở.
Ông Võ Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường lo lắng: “Nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều diện tích lúa, đậu, rau màu ở những vùng không chủ động được nước tưới cũng chết khô luôn. Nhiều người đã đóng giếng vẫn không có nước. Vụ đông xuân địa phương đã mất mùa giờ không gieo sạ được nên nhiều hộ dân không dám bán lúa mà để dự phòng ăn cả năm”.
Hiện mực nước trên các sông, suối, hồ đập xuống thấp chưa từng thấy. Hồ Liệt Sơn là một trong những hồ có dung tích chứa lớn nhất tỉnh, đảm nhiệm tưới 1/2 diện tích của huyện Đức Phổ hiện chỉ còn dưới 40% dung tích thiết kế nên vụ này phải cắt giảm một số diện tích. Một số hồ khác đã ở mực nước chết.
Mọi năm, thời điểm này đã xảy ra lũ tiểu mãn, các hồ đập tích được khá nhiều nước, nhưng năm nay hầu như không xảy ra. Vì thế, vụ hè thu này chắc chắn hạn hán sẽ nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh đề nghị huyện Đức Phổ hỗ trợ tiền xăng dầu để bà con bơm nước ở những vùng không chủ động được nước để chống hạn.
Có thể bạn quan tâm
Đề tài đã tiến hành thử nghiệm và chứng minh được loại phân này phát huy hiệu quả cao trên đất chua mặn, đất hạn, đất nghèo dinh dưỡng.
Ước tính sơ bộ, vụ Đông Xuân 2011 – 2012, cả nước đạt sản lượng 20,26 triệu tấn, tăng 466.000 tấn so với vụ năm trước.
Thời gian qua, ở Nghệ An người nuôi tôm ở 3 địa phương Nghi Lộc, Quỳnh Lưu và TP Vinh đang phải đối mặt với dịch bệnh, khi gần 200 ha ao đầm tôm nuôi chết hàng loạt chưa xác định được nguyên nhân. Để cứu tôm thoát khỏi hoàn cảnh bi đát đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để.
Những năm gần đây, cây ca cao ngày càng được nhiều nông dân ở Đắk Nông chọn lựa. Đến cuối năm 2010, tổng diện tích ca cao trên địa bàn đạt khoảng 650ha, tăng 177ha so với năm 2009
Sau khi rời xã Thúy Loa (Nà Hang - Tuyên Quang) để nhường chỗ cho công trình thủy điện Tuyên Quang, 36 hộ dân đã về định cư tại thôn 21, xã Lăng Quán (Yên Sơn)