Rươi, Cáy Đông Triều (Quảng Ninh)
Lâu nay nói tới Đông Triều (Quảng Ninh) người ta nghĩ ngay tới vùng lúa lớn nhất của Quảng Ninh. Cũng trên diện tích cấy lúa ấy, ven sông không ít hộ đã sử dụng để khai thác rươi và cáy có hiệu quả cao gấp nhiều lần. Việc xây dựng vùng nuôi rươi và cáy đang là hướng mở cho phát triển kinh tế cao ở Đông Triều.
Rươi và cáy là 2 loại sản vật mà thiên nhiên có ở những bãi bồi nằm ở ven sông dưới tác động của thuỷ triều lên xuống. Rươi và cáy không mất kinh phí đầu tư, việc khai thác rất đơn giản nhưng giá trị kinh tế của nó thì vô cùng lớn.
Hiện nay, giá rươi trên thị trường dao động khoảng từ 400 - 500 nghìn đồng/kg. Số lượng không đủ để cung cấp ra thị trường, trong khi cáy thời gian khai thác đều liên tục.
Theo thống kê, hiện nay diện tích khai thác rươi và cáy của huyện Đông Triều khoảng 40ha, tập trung chủ yếu ở hai xã Xuân Sơn và Hưng Đạo. Riêng xã Xuân Sơn diện tích nuôi rươi và cáy hiện nay có 27 ha, nằm ở 3 thôn với 69 hộ khai thác, sản lượng rươi hàng năm khoảng 10 tấn, còn số lượng cáy thì lên tới vài chục tấn.
Còn ở xã Hưng Đạo diện tích nuôi rươi và cáy có khoảng 10 ha tập trung ở 2 thôn Mỹ Cụ 1 và Vân Quế với khoảng 50 hộ trực tiếp khai thác. Chị Nguyễn Thị Chúc ở thôn 2, xã Xuân Sơn, một trong những hộ tiêu biểu cho mô hình phát triển trang trại khai thác kinh doanh sản vật rươi cáy của Đông Triều.
Chị Chúc chia sẻ: Năm 2006 vợ chồng tôi xin địa phương dồn điền đổi thửa diện tích 5 ha để phát triển kinh tế. Khi ra tới đây cỏ lau sậy mọc um tùm cao hơn đầu người, vợ chồng tôi đầu tư thuê nhân công lao động, cải tạo bờ chia ô nhỏ để cấy lúa. Lúc đó, rươi và cáy ở nơi đây rất ít, vào mùa chỉ thu hoạch được vài ba cân không đáng kể.
Nhưng sau khi cải tạo đất thì sản lượng cáy và rươi nhiều hơn nên vợ chồng tôi đã tăng cường cải tạo đất, sử dụng phân bón hữu cơ để làm xốp đất và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, mỗi năm nhà tôi thu hoạch được khoảng 1 tấn rươi và 10 tấn cáy.
Được biết, không những khai thác rươi, cáy bán ra thị trường mà gia đình chị Chúc còn mở nhà hàng đặc sản rươi, cáy và đăng ký nhãn hiệu mắm cáy sông Cầm. Mỗi năm gia đình chị có thu nhập 600 triệu đồng từ khai thác rươi, cáy.
Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Biên ở thôn Xuân Cầm, xã Xuân Sơn, cũng là một trong những hộ có kinh nghiệm nhiều năm làm rươi và cáy, thấy gia đình chị đang tất bật đắp bờ đón mùa rươi về. Quệt mồ hôi ngang trán, chị Biên vui vẻ nói: Muốn khai thác được nhiều rươi và cáy thì vẫn phải duy trì trồng lúa, tiến hành cải tạo đất hàng năm bằng phân bón hữu cơ và đầu tư hệ thống cống thoát nước.
Trước đây nhiều hộ ở xã chủ yếu trồng lúa thì nay ngoài việc trồng lúa, họ còn khai thác rươi để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Nhằm phát triển sản vật rươi và cáy của địa phương, xã Xuân Sơn đã xây dựng vùng quy hoạch 27 ha nằm trong vùng khai thác và bảo vệ nguồn lợi rươi, cáy này. Đồng thời, xã cũng thành lập các tổ hợp, HTX sản xuất rươi, cáy ở các thôn.
Việc tham gia các tổ hợp, HTX sẽ giúp các hộ gia đình thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng và phát triển nguồn lợi rươi, cáy và xây dựng thương hiệu rươi, cáy Xuân Sơn thành sản phẩm mang thương hiệu của địa phương. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo, cho biết: Rươi, cáy có diện tích khai thác này nằm xen canh với đất canh tác và khu vực nuôi trồng thuỷ sản.
Vừa qua xã cũng đăng ký rươi, cáy vào mỗi xã, phường một sản phẩm, và đang làm đề án quy hoạch vùng nuôi để phát triển sản vật này. Tuy nhiên, hiện nay trên thượng nguồn nước bề mặt ở các mỏ đổ về, nước thải nhà máy nhiệt điện và tình trạng khai thác cát đang dần phá vỡ hệ thống sinh thái gián đã ảnh hưởng tới sản vật rươi cáy này.
Được biết, hiện tại huyện chưa đánh giá mức độ ảnh hưởng môi trường đối với rươi và cáy, nhưng huyện Đông Triều đã giao Phòng NN&PTNN đang đi rà soát đánh giá mức độ tăng giảm và ô nhiễm vùng nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện, đặc biệt là dòng thuỷ sinh, để có biện pháp quy hoạch bảo vệ.
Làm tốt được vấn đề này sẽ tận dụng, phát huy nguồn lợi rươi, cáy và góp phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của Đông Triều.
Có thể bạn quan tâm
Lượng tiêu thụ gạo toàn cầu dự báo đạt 500 triệu tấn vào 10 năm tới, tăng 10% so với hiện nay và đạt khoảng 535 triệu tấn vào năm 2030. Các loại gạo chất lượng cao sẽ được ưa chuộng hơn.
Ngày 25/8, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội phối hợp với xã Trung Châu, huyện Đan Phượng tổ chức hội nghị hợp tác 4 nhà đẩy mạnh sản xuất cây vụ Đông và tiêu thụ giống đậu tương vụ Hè thu năm 2015.
Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng xen lẫn mưa là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh gây hại cho lúa thu đông, nhất là lúa vào giai đoạn làm đòng. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp cần chủ động thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng trừ sâu, bệnh kịp thời.
Những ngày này, bà con nhà vườn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đang thu hoạch rộ dâu Hạ Châu. Toàn huyện Phong Điền hiện có khoảng 600ha trồng dâu Hạ Châu, tập trung nhiều ở các xã Nhơn Ái, Mỹ Khánh và thị trấn Phong Điền.
Hiện nay, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đang bước vào đầu vụ thu hoạch cam xoàn, với giá bán “vũ đệm” 40 ngàn đồng/kg, cao hơn 5 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước nên nhiều nhà vườn rất phấn khởi.