Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rủ Nhau Xuống Biển Bắt Dời...

Rủ Nhau Xuống Biển Bắt Dời...
Ngày đăng: 21/10/2014

Với ngư dân, bao đời nay biển cả là chốn mưu sinh. Biển yên, gió lặng thì ra khơi buông câu, thả lưới. Mùa biển động thì bãi triều chính là nơi tạo nguồn sống. Thời điểm này đang là mùa của dời biển, sò giá (loại dùng để làm thức ăn cho tôm giống, tôm hùm); chỉ trong nửa ngày đi đào người dân đã kiếm được tiền triệu.

Nhộn nhịp trên bãi triều

Mùa này biển động. Những cơn gió mùa thông thốc thổi, làn nước lạnh tanh, sóng cuộn liên hồi. Vậy mà tờ mờ sáng, ở khu vực đầm Thủy Triều (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), người dân đã kéo nhau ra bãi triều đào dời biển và sò giá. Những người lớn tuổi đi một mình thì ở trên cạn để đào, những người khỏe mạnh thì xuống nước để đào, bởi càng ra xa bờ, dời càng nhiều.

Để phục vụ những người đi đào dời biển, dịch vụ ghe thuyền chở người ra vùng nước chính giữa đầm Thủy Triều cũng nhộn nhịp.

Theo quan sát của chúng tôi, người đào dời dưới nước thường di theo cặp, người đào, người đãi. Ngâm mình dưới làn nước, vợ chồng anh Phạm Văn Quang (thôn Cam Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc) xuýt xoa: “Mùa này nước biển lạnh lắm, nhưng nghề này phải làm theo con nước. Thủy triều rút khi nào thì mình đi đào khi đó. Nhiều hôm, mới 2 giờ sáng, nước xuống, chúng tôi đã lục đục kéo nhau ra bãi triều rồi. Từ tháng 8 đến tháng 11 là mùa dời biển xuất hiện nhiều nhất”.

Nước biển lạnh cóng nhưng anh Quang vẫn đều đặn xúc từng xẻng bùn đổ vào rổ, còn chị Nga (vợ anh Quang) cầm chiếc rổ sắt lắc đều để cho bùn chảy xuống hết, lộ ra mấy chú dời biển màu đỏ và sò giá ngoe nguẩy. Thấy chúng tôi có vẻ như chưa hiểu lắm về loại nhuyễn thể này, anh Quang nói: “Không biết tên chính thức của loài này là gì, nhưng vì nó có hình dáng giống con dời, lại có chân nhỏ chi chít nên từ xưa các cụ cứ gọi nó là dời biển.

Trước đây, vùng này nhiều dời biển lắm nhưng không ai bắt. Mấy năm trở lại đây, thấy người ta mua về làm thức ăn cho tôm giống nên bà con đua nhau đi đào, đào đến khoảng 11 giờ thì về”. Nhìn mấy chú dời ngoe nguẩy trong rổ như giun, mấy chú sò giá bò lổm ngổm chúng tôi nổi hết da gà, thấy vậy anh Quang cười vang: “Sợ gì, loại này nhìn ghê thế nhưng nó không gây hại. Tên là dời nhưng nó không có chất độc gây phồng da như dời trên cạn đâu. Thân nó mềm, không cắn cũng không gây ngứa”.

Thoạt nhìn, cứ tưởng nghề đào dời đơn giản, nhưng để bắt được những con dời chỉ bằng đầu đũa, người đào phải hết sức khéo léo. Khi lắc rổ để đãi dời phải nhẹ nhàng, nếu lắc quá mạnh, dời bị đứt, dễ chết, bán không được giá. Còn sò giá nếu để đứt chân, đứt vòi giá bán cũng thấp.

Đặc biệt, dời biển chỉ có ở những vùng bãi ngang, có nhiều bùn lắng. Ai không nắm được đặc điểm này thì đi đào cả ngày cũng không kiếm nổi 1kg. Anh Đinh Anh Ngọc (thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam) bật mí: “Không nơi nào nhiều dời biển, sò giá như đầm Thủy Triều. Nhưng trong các bãi ngang thì chỉ có xã Cam Thành Bắc là có số lượng nhiều nhất. Muốn “săn” được nhiều dời phải biết nhìn màu nước. Chỗ nào nước màu đục thì chắc chắn nhiều, còn nhìn nước thấy trong veo thì có đào cũng tốn công, mất sức. Vì thường khi thủy triều rút, dời sẽ chui xuống đất làm hang, phân của nó đùn ra cửa hang làm đục nước biển”.

Nửa ngày kiếm tiền triệu

Hơn 11 giờ trưa, người đào dời bắt đầu í ới gọi nhau về bờ. Những gương mặt tái nhợt, những dáng đi xiêu vẹo lần lượt bước đi trên bãi triều đầy khó nhọc. Song, có lẽ ai cũng đào được số lượng dời kha khá nên trong không gian vẫn rộn tiếng bông đùa.

Khệ nệ đưa dời lên bờ, anh Phan Thành Sơn (xã Cam An Nam) cười nói: “Hôm nay trời thương, cả nhà 4 người đào được 6kg dời. Với giá 150.000 đồng/kg thì chỗ dời này đã cho 900.000 đồng, cộng với 30kg sò giá nữa thì cả gia đình cũng kiếm được hơn 1,6 triệu đồng”.

Ông Lê Thành Nhơn (phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh) cũng cho hay: “Hôm nay, vợ chồng tôi đào được hơn 3kg dời biển và hơn 20kg sò giá, nhiêu đây đã kiếm được hơn 1 triệu đồng. Chỉ mong sao nước triều rút nhanh để bà con đào được nhiều, thu nhập cao hơn nữa”.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân đi đào dời biển, sò giá cho biết, vùng bãi triều ở đầm Thủy Triều là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân đến từ các địa phương ở TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm. Nhờ làm nghề này mà nhiều gia đình có thêm thu nhập, lo cho con cái học hành. Nghề đào dời tuy vất vả, thậm chí có người bị vỏ hàu cắt vào chân, bị nhiễm trùng nặng, có người vì kiệt sức, say nắng mà ngất xỉu... nhưng do thu nhập cao nên ai cũng ham làm.

Những gia đình mỗi ngày thu tiền triệu từ việc đào dời và sò giá như nhà anh Sơn có khá nhiều. Trong điều kiện đánh bắt thủy sản gặp khó khăn, nghề đào dời ở đầm Thủy Triều đã và đang tạo ra một nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương và các xã lân cận. Chị Nguyễn Thị Thu (thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc) tâm sự: “Nhờ có bãi triều này, có dời biển mà nhà tôi có tiền trang trải cho cuộc sống, lo cho con ăn học”.

Để tìm hiểu đầu ra của dời biển, sò giá, chúng tôi tìm gặp bà Lê Thị Yến, người chuyên thu mua dời biển, sò giá tại khu vực Cam Thành Bắc. Bà Yến cho biết: “Tôi thu mua thức ăn cho tôm hùm, tôm thẻ chân trắng giống đã mấy năm nay. Con dời biển thì bán lại cho các trại ương tôm giống, sò giá thì bán cho các hộ nuôi tôm hùm. Mỗi ngày, tôi có thể gom được mấy chục ký dời biển và 4 - 5 tạ sò giá.

Hiện nay, do nghề nuôi tôm hùm, ương tôm giống phát triển nên nhu cầu thức ăn rất lớn. Tôi mua được bao nhiêu là bán hết sạch!”. Cũng theo chia sẻ của bà Yến, tại địa bàn xã Cam Thành Bắc có 5 điểm thu mua dời biển, sò giá, còn tính chung địa bàn TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm thì lên đến vài chục điểm thu mua, khối lượng gom được cũng rất lớn.

Ông Nguyễn Như Đào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: Khu vực đầm Thủy Triều là nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài thủy sản. Việc khai thác quá mức các loài sò giá, dời biển với quy mô lớn gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cũng như nguồn lợi thủy sản tại khu vực này.

Không chỉ vậy, còn khiến cho môi trường nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh nói chung và đầm Thủy Triều nói riêng, UBND tỉnh đã ban hành quyết định quản lý hoạt động khai thác thủy sản; trong đó quy định một số nghề cấm, vùng cấm khai thác.

Hệ lụy trước mắt

Rời vùng bãi triều, chúng tôi ghé thăm một số hộ nuôi trồng thủy sản tại thôn Tân Thành, Tân Quý. Nhiều hộ dân tỏ ra bức xúc khi nguồn nước hàng ngày họ lấy vào đìa nuôi tôm, cá đang bị ô nhiễm do đáy đầm bị đào xới.

Ông Lê Văn Minh, một hộ nuôi cá trong thôn nói: “Ngày nào cũng vậy, hàng trăm người dân ở địa phương và các xã lân cận đổ xô ra đầm Thủy Triều để khai thác dời biển, sò giá... Họ sục sạo, đào xới khắp nơi, nhiều tạp chất tích tụ dưới đáy đầm lâu ngày bị xới lên, hòa lẫn trong nước khiến cho nguồn nước trong đầm bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Những hộ nuôi cá chẻm, tôm thẻ chân trắng như chúng tôi thường xuyên phải lấy nguồn nước này vào ao nuôi nên rất lo lắng; nếu tình trạng này không sớm chấm dứt, số tôm, cá đang thả nuôi có nguy cơ chết rất cao; người nuôi rất dễ trắng tay”. Cũng theo chia sẻ của ông Minh, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đã nhiều lần ngăn cản người đi đào dời, sò giá nhưng không ngăn được.

Ông Hồ Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc khẳng định: Việc người dân đổ xô ra bãi triều để đào bắt sò giá, dời biển đã gây nên xung đột lợi ích với các hộ nuôi trồng thủy sản gần đó. Mới đây, một số hộ dân ở thôn Tân Thành, Tân Quý đã gửi đơn lên UBND xã phản ánh tình trạng này và đề nghị UBND xã can thiệp.

Tuy nhiên, tình trạng người dân khai thác vẫn diễn ra, dù UBND xã đã đến những khu vực tập trung đông người đào dời, sò giá để vận động ngừng khai thác. Nguồn thu nhập từ việc khai thác sò giá và dời biển rất cao nên càng thu hút người đào. Trong khi đó, xã không thể xử phạt được. Thiết nghĩ, trước tình trạng này, cơ quan chức năng sớm có những quy định, hướng dẫn trong việc khai thác nguồn lợi này để cân bằng lợi ích giữa người khai thác và hộ nuôi trồng.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Câu Lạc Bộ Nuôi Trồng Rong Sụn Hiệu Quả Từ Câu Lạc Bộ Nuôi Trồng Rong Sụn

Nhận thấy một số hộ dân nuôi trồng rong sụn đạt hiệu quả kinh tế cao, tháng 7- 2012, Hội Nông dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh mở lớp nuôi rong sụn cho 33 hội viên nông dân ở địa phương.

29/07/2013
Thực Hiện Hiệu Quả Công Tác Giảm Nghèo Thực Hiện Hiệu Quả Công Tác Giảm Nghèo

Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành huyện Thuận Nam quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể, góp phần tích cực trong việc cải thiện đời sống nhân dân.

29/07/2013
Cà Đú Mùa Nho Chín Cà Đú Mùa Nho Chín

Ít ai ngờ dưới chân núi Cà Đú nắng tháng tư khô khốc là những vườn nho đang mùa cho trái ngọt. Vườn nho tiếp nối vườn nho lá xanh biêng biếc, trái chín treo chật cành. Nông dân địa phương đoàn kết nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu trên vùng đất sỏi bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, chung tay xây dựng nông thôn mới.

29/07/2013
Anh Nguyễn Văn Hùng Thoát Nghèo Bền Vững Anh Nguyễn Văn Hùng Thoát Nghèo Bền Vững

Anh Nguyễn Văn Hùng, 52 tuổi, khu phố 5, thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn) vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ sản xuất nông nghiệp.

29/07/2013
Nỗ Lực Thoát Nghèo Nỗ Lực Thoát Nghèo

Là một trong những xã nghèo nhất của huyện miền núi Bác Ái, Phước Thành đang tìm kiếm và áp dụng nhiều mô hình kinh tế mới, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giúp nhân dân từng bước thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

29/07/2013