Rộng cửa xuất khẩu chuối tiêu
Chỉ trong một thời gian ngắn, nông dân Đồng Nai phát triển cả ngàn hécta chuối tiêu nhắm đến thị trường xuất khẩu. Nông dân cũng mạnh dạn đổ vốn đầu tư hệ thống tưới, chuyển đổi sang trồng giống nuôi cấy mô đáp ứng về cả chất lượng và hình thức sản phẩm theo chuẩn xuất khẩu.
* Tiềm năng lớn
Về Đồng Nai tìm hiểu vùng nguyên liệu chuối để đặt đơn hàng xuất khẩu sang Nga, bà Nguyễn Phương Minh, đại diện Công ty cổ phần dầu khí và công nghệ Phương Đông (TP. Hồ Chí Minh), nhận xét thị trường Nga đang rộng cửa với nông sản Việt Nam, đặc biệt là dòng sản phẩm trái cây, rau tươi. Người tiêu dùng Nga rất thích hoa quả Việt Nam.
Thị trường này cũng không đòi hỏi quá khắt khe hoặc cần các chứng nhận, như: VietGAP, Global GAP, sản phẩm chỉ cần đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là không nhiễm kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật...
Bà Minh cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đã ký hợp đồng với doanh nghiệp (DN) tại địa phương để xuất khẩu mặt hàng chuối tiêu. Thời gian đầu, DN xuất khẩu khoảng 500 tấn chuối/tháng. Chúng tôi cũng quan tâm đến một số mặt hàng khác cũng được thị trường Nga ưa chuộng, như: xoài, bưởi, thanh long, rau sạch...”.
Đại diện một công ty Hàn Quốc chuyên nhập trái cây tươi của Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đang nhập khẩu xoài, thanh long của Việt Nam và hiện muốn nhắm đến mặt hàng chuối. Trước đây, chúng tôi chủ yếu nhập khẩu chuối từ Philippines với sản lượng tăng nhanh qua từng năm. Thăm vườn chuối tại Đồng Nai, tôi thấy hình thức và chất lượng sản phẩm khá đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trái cây xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc có những yêu cầu khắt khe từ chất lượng đến khâu sơ chế, đóng gói”.
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, chế biến rau, củ, quả Toàn Cầu (huyện Thống Nhất), cho biết: “DN vừa ký được đơn hàng xuất khẩu chuối tươi trị giá trên 11 triệu USD sang thị trường Nga. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xuất khẩu rất tốt mặt hàng này sang thị trường các nước Trung Đông và sắp tới sẽ mở rộng thị trường sang Hàn Quốc, Nhật Bản...
DN đang đầu tư một phần chi phí cho nông dân trồng chuối và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. DN cũng đang tiêu thụ sản phẩm cho hàng ngàn hécta chuối tiêu tại Đồng Nai, tập trung nhiều nhất tại Trảng Bom với khoảng 1.600 hécta”.
* Cần liên kết với doanh nghiệp
Nhờ có đầu ra tốt, những nông dân trồng chuối tiêu trong tỉnh đang chuyển đổi đầu tư trồng chuối bằng giống nuôi cấy mô, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... nhằm đảm bảo chất lượng và hình thức đồng đều để xuất khẩu. Nông dân không ngại đầu tư lớn, thay đổi tập quán canh tác theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, điều nông dân lo ngại nhất vẫn là vấn đề giá cả và đầu ra bền vững cho dòng sản phẩm giàu tiềm năng xuất khẩu này. Ông Ngô Tuấn Lộc, nông dân trồng chuối tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Trồng chuối xuất khẩu bằng giống nuôi cấy mô cần đầu tư vốn lớn hơn, với những yêu cầu khá khắt khe từ khâu chăm sóc đến thu hoạch. Nông dân không ngại làm nếu sản phẩm có giá tốt. Tuy có DN về đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm nhưng nhiều nông dân tại địa phương vẫn chưa mặn mà, vì còn băn khoăn về mức giá bao tiêu sản phẩm”.
Theo các thương lái tiêu thụ chuối, thời gian qua nông dân ở Đồng Nai phát triển diện tích rất nhanh chuối tiêu do mặt hàng này có giá tốt. Tuy nhiên, do diện tích phát triển quá nhanh, giá mặt hàng này đang giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Để phát triển bền vững, nông dân cần liên kết với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm mà không nên đua nhau trồng theo hướng tự phát.
Có thể bạn quan tâm
Người nuôi heo thời nay không còn trông chờ vào “lộc bà” (cách gọi quen thuộc của một số người nuôi heo ở vùng nông thôn khi bán heo được giá) nữa. Không chỉ nắm chắc kiến thức trong chăn nuôi, người nuôi còn thành thạo việc tiêm ngừa phòng dịch bệnh cho đàn heo, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.
Mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index tăng ngay từ những phút đầu. Có lúc chỉ số này lên tới trên 594 điểm. Trong khi đó, sàn Hà Nội lại mở đầu bằng sắc đỏ, chỉ số HNX-Index xuống thấp nhất tới mức 86,44 điểm.
Theo bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn thợi thủy sản (KT-BVNTTS) Bình Định, vụ đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định đã kết thúc vào tháng 9 âm lịch. Mọi năm, thời điểm này, do nhiệt độ nước lên cao nên cá ít xuất hiện, và nếu đánh bắt được thì chất lượng cá cũng rất thấp, nên các tàu đánh bắt đều neo bờ hoặc làm nghề khác.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục phản ánh việc bơm nước vào gia súc trước và sau khi giết mổ tại một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Đăk Lăk...
Đây là hình thức đánh bắt gần bờ, phù hợp với những ghe tàu nhỏ, đi về trong ngày. Vùng chuyên đánh bắt cá cơm tập trung tại các cửa biển thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển…, trong đó cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) là hai điểm được người dân tập trung trao đổi mua bán mặt hàng này.