Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rộn Ràng Mùa Ruốc

Rộn Ràng Mùa Ruốc
Ngày đăng: 03/06/2013

Tuy không phải là mặt hàng chủ đạo, thế nhưng liên tục mấy năm gần đây, con ruốc bất ngờ mang lại cho ngư dân một khoản thu nhập đáng kể. Thời gian này, nhiều ngư dân dọc theo bờ biển Cà Mau đang tất bật chuẩn bị cho một mùa ruốc mới.

Từ sáng sớm, tại các xóm biển Tân Thuận (huyện Đầm Dơi), Tam Giang Đông (huyện Năm Căn), Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển), Hòn Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời)… nhộn nhịp hẳn. Nhiều tấm lưới mành được căng trên những khu đất trống theo mé biển, ghe thuyền bắt đầu vào bờ với đầy ắp những cần xé ruốc.

Niềm vui đến sớm

Con ruốc được xem là “lộc” biển mà thiên nhiên ban tặng cho ngư dân Cà Mau. Ông Huỳnh Văn Phận, ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cho biết, mùa ruốc bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào khoảng giữa tháng 7 âm lịch.

Năm nay, con ruốc có sớm hơn thường lệ gần 15 ngày và ruốc rất tốt (trắng, to). Ngay từ đầu vụ con ruốc đang mang lại nhiều kỳ vọng cho ngư dân nơi đây.

Tại Tân Thuận (huyện Đầm Dơi), Tam Giang Đông (huyện Năm Căn) và Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển), những cần xé ruốc đầu tiên mang lại nhiều phấn khởi cho ngư dân. Ông Trần Văn Đa, ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, bộc bạch: “Hiện nay, nhiều người dân đã gác lại những nghề khác để chuẩn bị phương tiện, lưới te đón mùa ruốc mới. Tuy chỉ xuất hiện hơn 2 tháng nhưng con ruốc mang lại cho người dân thu nhập rất cao. Nếu vào chính vụ, một phương tiện có thể mang về trên 1,5 triệu đồng/ngày, nên nhiều người rất mong đến mùa ruốc”.

Lúc này, dọc theo tuyến đê biển Tây thuộc ấp Đá Bạc, nhiều tấm lưới mành được căng lên chuẩn bị cho mùa ruốc đầy triển vọng. Đàn ông, thanh niên thì đảm đương việc cào vớt ruốc trên biển, phụ nữ thì mỗi người thủ cho mình một cái sàng chờ những mẻ ruốc tươi chồng con mang từ biển vào để phơi cho được nắng. Những nụ cười lấp lánh trên gương mặt của các bà, các cô.

Là người hơn 30 năm gắn bó với vùng đất Đá Bạc, ông Phận chia sẻ: “Hai, ba ngày nay tôi gác lại nghề câu mực để chuẩn bị lưới đẩy ruốc. Theo như những mẻ ruốc vừa qua thì vụ ruốc năm nay ngư dân sẽ trúng đậm. Hễ thấy gió rộc bờ (gió từ Sông Đốc thổi lên) là bữa đó sẽ trúng ruốc, còn hôm nào gió Nam trên (gió từ Phú Quốc thổi về) thì năng suất ruốc giảm hơn”.

Còn đó nỗi lo...

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui đầu vụ, người dân vẫn không thoát khỏi nỗi lo giá cả thị trường, nhất là khi con ruốc phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Do chưa có cơ sở chế biến trên địa bàn nên con ruốc vẫn tiêu thụ chủ yếu qua trung gian là thương lái. Hiện tại, trong những mẻ sản phẩm đầu tiên người dân ấp Đá Bạc bán được giá ruốc khô dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg.

Ông Phận nhận định, với chất lượng ruốc như hiện nay, nếu so với năm ngoái giá phải từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Do mới đầu vụ chỉ có 1-2 thương lái, chưa có sự cạnh tranh nên giá còn thấp.

Nghề đẩy ruốc không cực, nhưng cũng chẳng hề nhẹ nhàng. Để có được nguồn lộc biển này, ngư dân phải đội nắng, chịu gió biển từ sáng sớm trên chiếc thuyền máy gắn một lưới cào chạy đuổi theo đàn ruốc. Khi ruốc lên bờ, người dân phải một lần nữa đội nắng gay gắt để phơi.

Chị Hương chia sẻ: “Ruốc phải được phơi dưới nắng tốt, ít nhất 3 giờ mới bán được và phải đảo liên tục. Để được 1 kg ruốc khô phải có trên 3,5 kg ruốc tươi. Cực khổ là vậy nhưng có khi cũng bị thương lái ép giá thê thảm”.

Những ngày này, ngư dân các xã ven biển không chỉ kỳ vọng vào một vụ ruốc bội thu mà còn mong được giá. Tuy nhiên, kỳ vọng ấy khá mong manh khi con ruốc vẫn còn phải qua tay thương lái.

Ông Võ Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận, cho biết, trên địa bàn xã hiện có cơ sở sơ chế mặt hàng ruốc. Tuy nhiên, cũng chỉ dừng lại ở việc sơ chế và người dân vẫn phải bán sản phẩm thông qua lái, giá cả chưa ổn định.

Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng trăm ghe chuyên khai thác ruốc và có người theo con ruốc lâu đời. Con ruốc khi vào chính vụ, mỗi ngày đem lại nguồn thu nhập cả trăm triệu đồng cho ngư dân. Dù vậy, đến nay sản phẩm này vẫn chưa có lối đi khả quan hơn để mang lại cuộc sống ổn định cho bà con.

Với năng suất như hiện nay, Cà Mau hoàn toàn có thể tạo ra thương hiệu ruốc để ngư dân yên tâm sản xuất và làm giàu.


Có thể bạn quan tâm

Được Mùa Đậu Nành Được Mùa Đậu Nành

Những ngày này, trên cánh đồng đậu nành (ĐN) 51 ha của xã Trường An (TP Vĩnh Long), nông dân đang dồn sức thu hoạch. Tất bật nhưng ai cũng vui bởi vụ ĐN năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá.

13/05/2012
Mở Rộng Diện Tích Mía Nguyên Liệu 60.000 Ha Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Mở Rộng Diện Tích Mía Nguyên Liệu 60.000 Ha Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Theo định hướng phát triển ngành mía đường ĐBSCL đến năm 2020, các tỉnh này sẽ mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu rộng khoảng 60.000 ha, tập trung tại Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, tăng 8.000 ha so thời điểm hiện tại.

12/09/2012
Nỗ Lực Phát Triển Bền Vững Cây Sơ Ri Gò Công Ở Tiền Giang Nỗ Lực Phát Triển Bền Vững Cây Sơ Ri Gò Công Ở Tiền Giang

Tiền Giang là địa phương có vùng chuyên canh sơ ri lớn với diện tích đất trồng khoảng 300 hecta, tập trung chủ yếu ở vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Hơn 3 năm qua, đầu ra cây sơ ri được ổn định, có giá cao, người trồng sơ ri lãi gấp 3 lần trồng lúa.

29/05/2012
Cách Ném Mạ Khi Gieo Mạ Ném Cách Ném Mạ Khi Gieo Mạ Ném

Khi cấy, gốc và rễ mạ bị dúi sâu 3-5 cm trong bùn đất do vậy cây lúa lâu hồi xanh, đẻ nhánh muộn và hay bị bệnh nghẹt rễ làm giảm năng suất, tăng chi phí phân bón, kéo dài thời gian sinh trưởng. Ném mạ trong phương pháp gieo mạ ném bằng khay nhựa khắc phục được những nhược điểm này.

12/07/2012
Phần Lớn Hợp Tác Xã Nuôi Nghêu Ở Ngọc Hiển Tan Rã Ở Cà Mau Phần Lớn Hợp Tác Xã Nuôi Nghêu Ở Ngọc Hiển Tan Rã Ở Cà Mau

Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có 17 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu, thu hút 1300 lao động, hiện có 11 HTX tan rã. Sau gần 2 năm thành lập, mặc dù đây là mô hình có hiệu quả kinh tế, xã hội hóa tốt, nhưng do các HTX ở lĩnh vực này còn chưa tạo được sự liên kết, vẫn thường xuyên tranh giành lợi nhuận và mạnh ai nấy làm dẫn tới không tạo được uy tín, thương hiệu cho nghề nuôi nghêu.

15/05/2012