Rơm lên đời để sang Nhật
Nhà nông phấn khởi
Theo ông Yutaka Aoyama - Phó Chủ tịch J-Bix, hàng năm Nhật Bản cần khoảng 220.000 tấn rơm, trong đó có 5.000 tấn dành để làm thức ăn cho bò và phần còn lại dùng làm chiếu tatami.
Nguồn nguyên liệu rơm chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm, nhưng từ năm 2015, Chính phủ Nhật Bản đã ngừng nhập khẩu rơm từ Trung Quốc.
Do đó, J-Bix mong muốn hợp tác với Nông trường Sông Hậu để tìm nguồn cung cấp rơm ổn định, đảm bảo chất lượng làm thức ăn chăn nuôi.
Song song đó, J-Bix sẽ khảo sát và trình Chính phủ Nhật Bản tranh thủ nguồn vốn ODA để hỗ trợ cho dự án chăn nuôi gia súc tại Việt Nam...
Thông tin này đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, nhất là nhà nông.
Là nông dân sản xuất lúa có thâm niên trên 20 năm, ông Liêu Lol (ngụ phường 2, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) bộc bạch: Trước đây khi chưa sử dụng cơ giới hóa vào thu hoạch thì rơm, rạ được bà con bán cho những người làm nấm.
Trung bình một công lúa sẽ cho ra khoảng 700kg rơm, bán được khoảng 10.000 đồng, số tiền này rất ít nên có khi không ai mua thì bỏ luôn.
Còn bây giờ đã có máy gặt đập, khi thu hoạch xong thì rơm khó thu gom, nên bỏ lại trên ruộng, tới vụ mới thì xới và vùi rơm xuống chứ không mua bán gì nữa.
“Nếu bây giờ có doanh nghiệp đến thu mua thì bà con chắc chắn rất phấn khởi vì chỉ có lợi chứ không hại gì.
Việc làm này sẽ giúp cho bà con mình có thêm nguồn thu nhập, không bỏ phí rơm, rạ sau thu hoạch nữa” – ông Lol chia sẻ.
Cùng suy nghĩ đó, anh Lê Tấn Tài ngụ phường Thới Long, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ, cho rằng: “Từ trước đến nay chủ yếu rơm rạ chỉ được bà con nông dân tận dụng để làm rẫy hoặc ủ cho cây chứ cũng không đem lại nguồn thu nhập lớn.
Ngoài ra, việc đốt đồng hay vùi rơm, rạ xuống đồng ruộng cũng làm ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Nếu được thu mua thì bà con sẽ rất mừng, nông dân không những có thêm thu nhập mà còn bảo vệ môi trường sống”.
Cơ hội xuất khẩu 220.000 tấn rơm
Nông trường Sông Hậu có tổng diện tích khoảng 7.000ha, có gần 2.500 hộ xã viên; trong đó số hộ có diện tích đất trồng lúa chiếm khoảng 70% với diện tích sản xuất khoảng 5.600ha.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Phú - Giám đốc Nông trường Sông Hậu, khẳng định: “Với khối lượng mà phía Nhật Bản muốn thu mua hàng năm, khả năng nông trường đủ sức để đáp ứng vì ngoài diện tích của nông trường thì vẫn còn một diện tích lớn sản xuất lúa ở các vùng lân cận.
Phía Nhật Bản cam kết sẽ cử cán bộ cũng như đưa trang thiết bị sang Cần Thơ để tập huấn cho người lao động cách thu gom, chế biến rơm để xuất khẩu sang Nhật Bản”.
Cũng theo ông Phú, vừa qua phía nông trường và J-Bix mới ký kết bản ghi nhớ về những nguyên tắc hợp tác cơ bản, sau đó thì mới tiếp tục đi đến những bước đàm phán cụ thể.
Trước tiên phía Nhật Bản sẽ tiến hành kiểm nghiệm rơm, rạ của Nông trường Sông Hậu có đủ điều kiện để nhập hay không.
Tiếp theo họ sẽ đầu tư cho nông trường thiết bị thu gom, công nghệ chế biến rơm.
“Đây là cơ hội lớn không chỉ riêng Nông trường Sông Hậu mà cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trước mắt, phía nông trường sẽ cung cấp thông tin J-Bix về quy trình sản xuất lúa của mình và các thông tin về việc sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực để họ kiểm nghiệm và sẽ có những kế hoạch chi tiết tiếp theo.
Nếu rơm, rạ của mình đạt chuẩn thì phía J-Bix sẵn sàng hỗ trợ máy móc, công nghệ và cả vốn để mình thực hiện thu mua rơm, rạ” – ông Phú thông tin thêm.
Ông Phạm Văn Quỳnh – Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, nhận định: “Đây là một điều kiện để tận dụng phụ phẩm của sản xuất lúa gạo, tăng thu nhập cho người nông dân, trong khi trước đây mình chưa tận dụng có hiệu quả.
Bên cạnh đó, mình cũng học hỏi được những kỹ thuật mới của Nhật Bản để phục vụ cho ngành chăn nuôi”.
Ông Trương Hoàng Khương - xã viên Nông trường Sông Hậu: Dễ đáp ứng yêu cầu về chất lượng
Gia đình tôi có 2,5ha diện tích đất sản xuất lúa, mỗi năm lượng rơm bỏ lại trên đồng ruộng cũng khoảng 20 tấn.
Nếu có doanh nghiệp đến thu mua lượng rơm này thì quá tốt.
Còn về chất lượng rơm thì cũng không phải quá lo, khi có doanh nghiệp thu mua thì sẽ phải có hợp đồng ngay từ đầu vụ quy định về cách canh tác, bón phân và thuốc bảo vệ thực vật...
đảm bảo được chất lượng rơm xuất khẩu.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng Khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ):
Mỗi năm có 25 triệu tấn rơm
Đối với sản xuất lúa thì sản lượng rơm, rạ được tạo ra tương đương với sản lượng lúa thu được.
Hiện nay, tại ĐBSCL sản lượng lúa thu được khoảng 25 triệu tấn/năm, như vậy cũng có khoảng 25 triệu tấn rơm được tạo ra.
Trong vùng, rơm, rạ trước nay được nông dân tận dụng để làm nấm rơm hoặc cho gia súc ăn, nhưng vẫn còn lại một lượng lớn bị bỏ lại trên đồng ruộng.
Việc nông dân bỏ lại rơm, rạ trên ruộng rồi lại tiếp tục sạ vụ mới ngay lập tức dẫn đến hậu quả là lúa sẽ bị ngộ độc hữu cơ.
Trong thời gian tới, khi rơm, rạ của vùng có khả năng được xuất khẩu thì đây là tín hiệu đáng mừng cho người trồng lúa để nâng cao thu nhập và làm sạch ruộng đồng.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, bằng những cách làm khác nhau, nông dân tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều mô hình, sáng kiến hay trong việc bảo đảm nguồn thức ăn cho gia súc, từng bước vượt qua những khó khăn do hạn hán kéo dài, tiếp tục ổn định đời sống, sản xuất và chăn nuôi hiệu quả.
Quy hoạch vùng mía tập trung đến năm 2015, Quảng Ngãi phấn đấu đạt diện tích ổn định khoảng 9.000ha, sản lượng mía cây đạt 600-700 nghìn tấn/năm. Thế nhưng dù từng là vùng đất mía, diện tích QH mía của tỉnh không những không đạt mà còn giảm.
UBND TP.Hội An vừa phê duyệt phương án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015-2020 với tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 3 tỷ đồng, trong đó hơn 1,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, số còn lại từ nguồn xã hội hóa và nguồn đối ứng của người dân.
Chất lượng kém, khiến muối Sa Huỳnh mất khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, cuộc sống của diêm dân cũng lao đao. Dù thực trạng này đã lặp lại nhiều năm nay nhưng đến giờ nó vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, triệt để…
Không dừng lại hành nghề khai thác hải sản bằng tàu vỏ gỗ, mà gần đây ngư dân Quảng Ngãi đã vươn khơi xa với tàu đánh cá vỏ thép, nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ.