Rau VietGAP Bí Đầu Ra
Hơn một năm nay, do sản phẩm gặp khó khăn về đầu ra nên nhiều hộ dân tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) phải chuyển sang canh tác rau thông thường hoặc trồng các loại hoa màu khác.
Ngừng thu mua
Ông Nguyễn Văn Kiệm - thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Lang Châu Bắc cho biết, sau khi Công ty TNHH Việt Thiên Ngân (có trụ sở tại TP.Đà Nẵng) không thu mua rau quả nữa, ông chuyển sang sản xuất theo cách truyền thống.
Ông Kiệm nói: “So với trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất rau thông thường gặp khó khăn hơn vì đầu ra của sản phẩm không ổn định, hay bị tư thương ép giá. Bây giờ, nếu có doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm theo hướng trọn gói, tôi sẽ quay lại sản xuất rau VietGAP vì không lo đầu ra. Hơn nữa quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản rau tôi đã nắm bắt rất kỹ”.
Bỏ hoang nhà máy sơ chế rau an toàn
Tháng 5.2011, từ nhiều nguồn kinh phí vận động, UBND huyện Duy Xuyên đầu tư gần 900 triệu đồng xây dựng hoàn thành nhà máy sơ chế rau an toàn tại xã Duy Phước với diện tích 400m2.
Tuy nhiên, đưa vào sử dụng chưa đầy 24 tháng thì nhà máy đành phải đóng cửa vì doanh nghiệp thu mua sản phẩm, trực tiếp là Công ty TNHH Việt Thiên Ngân không dùng hệ thống này. Được biết, nhà máy được lắp đặt 2 máy sục ozone, 1 hệ thống làm ráo, 1 máy hàn bao bì liên tục, bể rửa… Công suất sơ chế khoảng 40 tấn sản phẩm/ngày.
Dẫn chúng tôi lội khắp cánh đồng rau Lang Châu Bắc, ông Lê Trung Ba - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Phước cho biết, cách đây 3 năm, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), huyện Duy Xuyên thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gồm 21 thành viên.
Ngay sau đó, ILO, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Chất lượng nông - lâm - thủy sản vùng II (thuộc Bộ NN&PTNT) mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân… Từ đó, cánh đồng rau VietGAP ở thôn Lang Châu Bắc được các thương lái trong và ngoài tỉnh biết đến. Theo ông Ba, lúc đầu ông Trương Như Sơn ở xã Duy Trung đến đặt mua sản phẩm chở đi Đà Nẵng, Huế, Tam Kỳ tiêu thụ.
Tuy nhiên, được vài tháng, ông Sơn ngừng thu mua. Những tưởng rau VietGAP Lang Châu Bắc sẽ mất một thời gian dài mới quay lại thị trường, nào ngờ tháng 10.2012, Công ty TNHH Việt Thiên Ngân tìm đến đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Thời điểm ấy, bình quân mỗi ngày công ty này thu mua 500kg rau củ quả chở đi tiêu thụ ở các nhà hàng, siêu thị lớn.
Nhưng cách đây hơn một năm công ty ngừng việc liên kết sản xuất vì rau VietGAP khó tiêu thụ. Ông Lê Đông Sang - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Lang Châu Bắc cho rằng, hiện nay rất nhiều hộ dân ở Quảng Nam và Đà Nẵng tận dụng tối đa quỹ đất trống để sản xuất rau, dẫn đến cung vượt cầu. Mặt khác, người tiêu dùng chưa quen tiêu thụ rau VietGAP và nghi ngờ về chất lượng sản phẩm...
Loay hoay tìm thị trường
Trước tình hình này, người trồng rau ở thôn Lang Châu Bắc phải tự tìm cho mình hướng đi mới, bởi thời gian qua ngành nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra được các giải pháp ổn định thị trường.
Trong vòng một năm trở lại đây rất nhiều thành viên trong tổ hợp tác đã chuyển hàng loạt diện tích rau an toàn sang trồng bắp lai cùng một số loại hoa màu khác và chờ đợi thời cơ thích hợp để tái sản xuất rau sạch. Theo ông Lê Trung Ba, cánh đồng rau Lang Châu Bắc có quy mô 2,1ha. Trước đây, ở nơi này bốn mùa rau quả xanh tươi, nhịp điệu lao động trên đồng hết sức khẩn trương, sôi nổi, còn bây giờ, không khí rất buồn tẻ.
Mới đây, UBND xã Duy Phước đã tổ chức một cuộc hội thảo nhằm vực dậy thương hiệu rau VietGAP Lang Châu Bắc và các mô hình kinh tế hợp tác khác. Theo đó, đối với mô hình rau VietGAP, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân.
Cạnh đó, chính quyền xã Duy Phước cũng tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên và các đơn vị liên quan trực tiếp làm việc với Trung tâm Chất lượng nông - lâm - thủy sản vùng II đề nghị cấp lại giấy chứng nhận rau VietGAP để khi có đơn vị, doanh nghiệp nào đến đặt hàng thì thuận lợi cho việc mua bán sản phẩm.
Ông Lê Đào - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết, Tổ chức Hòa bình và phát triển có lồng ghép giới của Chính phủ Tây Ban Nha vừa phối hợp với địa phương mở lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân và hỗ trợ mua sắm 1 chiếc xe tải chở rau đi tiêu thụ.
Ngoài ra, một công ty ở TP.Đà Nẵng cũng đã đến tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất nhưng đến nay họ vẫn chưa có câu trả lời chính thức về việc liên doanh liên kết. Ông Đào nói: “Vấn đề mấu chốt hiện nay là cần có một doanh nghiệp đứng ra thu mua sản phẩm theo hướng bao tiêu. Tuy nhiên, đây là chuyện không phải dễ, dù rằng chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư”.
Có thể bạn quan tâm
Cái tên “Hà Độ” được nhiều người biết đến ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) bởi ông là người trồng rau an toàn (RAT) giỏi. Hiện gia đình ông trồng rau trên diện tích trên 1.500m2, mỗi năm trừ tất cả mọi chi phí vẫn còn thu nhập trên 180 triệu đồng.
Việc ứng dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học (chế phẩm Balasa N01) trong chăn nuôi mang tính đột phá, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so với chăn nuôi thông thường. Tuy nhiên, việc ứng dụng đệm lót sinh học vẫn cần những cải tiến mới và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp để mô hình này có thể nhân rộng trong cả nước.
Cư Elang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Vài năm trở lại đây, một số gia đình ở Cư Elang đã sử dụng một số diện tích đất đồi để trồng cam, quýt và bước đầu đã có thu nhập khá.
Nơi khô hạn, nắng nóng, nơi lại mưa rầm kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2014. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến hậu quả khôn lường đang diễn ra trên diện rộng tại địa bàn tỉnh ta. Nguy cơ mất mùa, thiếu đói lương thực đang hiện hữu trong các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh là điều có thực...
Khoảng 10 ngày trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giá bán các loại trái cây chủ lực tại vườn đồng loạt giảm, bình quân giảm từ 2.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, tùy theo từng loại trái. Nguyên nhân chính là do cung vượt cầu, đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn.