Rải Vụ Sầu Riêng Sản Xuất Cần Gắn Với Liên Kết, Tiêu Thụ
Sầu riêng là một trong những cây ăn trái chủ lực của cả nước và vùng Nam bộ. Những năm qua, tình trạng được mùa, rớt giá thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa thuận do đụng với nhiều loại trái cây khác. Vì thế, rải vụ được xem là giải pháp hiệu quả đang được ngành Nông nghiệp quan tâm triển khai.
Lợi thếTheo Tổ Điều hành sản xuất rải vụ thu hoạch sầu riêng, vùng Nam bộ có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, thủy văn, nhiệt độ ổn định (trung bình từ 26,90C - 27,50C), nắng bình quân 2.400 giờ/năm rất thích hợp cho cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, có nguồn nước ngọt quanh năm, đất đai phì nhiêu, phù sa bồi giúp cho sầu riêng tốt tươi quanh năm.
Những năm qua, diện tích và sản lượng sầu riêng trong vùng tăng khá nhanh. Theo thống kê, cả nước trồng trên 17.000 ha sầu riêng, trong đó có trên 15.200 ha trồng tập trung ở 4 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Đồng Nai (Tiền Giang 7.390 ha, Bến Tre 1.843 ha, Vĩnh Long 2.509 ha, Đồng Nai 3.504 ha. 4 tỉnh này cũng nằm trong quy hoạch phát triển sầu riêng của Bộ NN&PTNT).
Một thuận lợi nữa là hầu hết vườn sầu riêng trong vùng đều là vườn trẻ; cơ cấu giống sầu riêng chất lượng cao như RI 6 (chiếm 35%), Mongthong (chiếm 40%), Chín Hóa… đã được thay thế dần các giống chất lượng thấp. Nhà vườn có trình độ kỹ thuật canh tác tốt, tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (hiện có 80% nhà vườn ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa…), bước đầu hình thành mô hình sản xuất theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn Viet GAP nên giảm chi phí sản xuất, thuận lợi cho sản xuất rải vụ trong năm.
Hiện nay, toàn vùng có 12.737 ha sầu riêng cho thu hoạch với sản lượng 210.575 tấn.Do đó, để giảm áp lực thu hoạch vụ chính, tạo sự cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ, sản xuất rải vụ là rất cần thiết. Thực tế, thời gian qua, nhà vườn các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đã tiến hành xử lý sầu riêng thu hoạch rải vụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, Tiền Giang có 6.626 ha cho thu hoạch, trong đó xử lý ra hoa nghịch vụ khoảng 3.000 ha, thời điểm bắt đầu xử lý từ tháng 5 đến tháng 8; Bến Tre xử lý ra hoa nghịch vụ 900 ha từ tháng 7 đến tháng 11 (trong số 1.417 ha cho thu hoạch); Vĩnh Long xử lý nghịch vụ 700 ha từ tháng 5 đến tháng 10 (trong số 1.739 ha cho thu hoạch).
Hiệu quả sản xuất rải vụ rất rõ rệt khi bình quân giá sầu riêng mùa nghịch khá cao, từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, tổng thu 450 triệu đồng/ha; còn mùa thuận có giả rẻ hơn, khoảng 18.000 - 22.000 đồng/kg, tổng thu 370 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, do sản xuất tự phát, người dân dễ bị “hút” theo lợi nhuận nên dễ dẫn đến rủi ro trong quá trình sản xuất rải vụ. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cảnh báo: “Vừa qua, giá sầu riêng nghịch vụ rất cao. Không khéo năm sau, nhà vườn đua nhau sản xuất nghịch vụ, dễ dẫn đến ứ đọng hàng. Mặt khác, do chạy theo lợi nhuận, nhà vườn sẽ xử lý, sản xuất rải vụ “bóc lột” cây trồng. Vì thế, cần phải tổ chức sản xuất rải vụ gắn với hình thành chuỗi giá trị; tăng cường liên kiết ngang, liên kết dọc (liên kết sản xuất và tiêu thụ)”.
Định hướng rải vụ
Đặc tính chung của sầu riêng, vụ chính trổ bông từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau và thu hoạch rộ vào tháng 5 và tháng 6; vụ nghịch trổ bông vào tháng 7, tháng 8 và thu hoạch vào tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau. Để sản xuất rải vụ đạt hiệu quả, ngoài yếu tố kỹ thuật, yếu tố thị trường có vai trò rất quan trọng. Để sản lượng sầu riêng ổn định, đáp ứng cung - cầu thị trường, các nhà chuyên môn cho rằng cần thực hiện các biện pháp điều phối, tổ chức sản xuất rải vụ hợp lý. Nhằm thực hiện các giải pháp rải vụ, ngành Nông nghiệp các tỉnh đã thống nhất kế hoạch sản xuất rải vụ sầu riêng trong vùng.
Theo đó, vụ chính thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 6, còn rải vụ thu hoạch từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Riêng tỉnh Đồng Nai chỉ sản xuất 1 vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Như vậy, toàn vùng có 12.737 ha cho thu hoạch, trong đó có 8.050 ha sản xuất vụ chính, 4.987 ha sản xuất rải vụ.
Cụ thể, Tiền Giang có 6.626 ha sầu riêng cho thu hoạch, trong đó vụ chính sản xuất 3.326 ha với sản lượng thu hoạch ước 76.498 tấn, 3.300 ha sản xuất rải vụ với sản lượng 66.000 tấn; diện tích sản xuất vụ chính của Vĩnh Long 1.044 ha với sản lượng 13.000 tấn, diện tích sản xuất rải vụ 695 ha với sản lượng trên 7.200 tấn và Bến Tre sản xuất vụ chính 425 ha, sản lượng thu hoạch 5.500 tấn, còn lại 992 ha sản xuất rải vụ với sản lượng 13.000 tấn.
Kế hoạch sản xuất rải vụ như thế, song theo các nhà quản lý và chuyên gia nông nghiệp, để sản xuất rải vụ đạt hiệu quả, bền vững sẽ không dễ dàng, cần những khuyến cáo và các giải pháp hỗ trợ nhà vườn.
TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất rải vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Tuy nhiên, để bảo đảm sản xuất cây sầu riêng bền vững trên cùng một diện tích, ngành chức năng cần khuyến cáo nhà vườn chỉ nên sản xuất 1 vụ trong năm để tránh cây bị suy kiệt; tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho nhà vườn sản xuất rải vụ, phòng trừ sâu bệnh; mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; khảo sát nắm lại thị trường tiêu thụ đối với trái cây này để tổ chức sản xuất phù hợp; tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương cùng trồng loại cây ăn trái này, tiến tới thành lập hiệp hội sầu riêng.
Bên cạnh tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương trồng sầu riêng, hỗ trợ kỹ thuật cho nhà vườn sản xuất rải vụ, PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương trồng sầu riêng cần xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin về cây trồng này, hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị; quan tâm đến sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng.
* Hiện nay, có khoảng 60% sản lượng sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc, 40% tiêu thụ nội địa (TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và Hà Nội). Sản xuất trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng thường vướng điệp khúc “trúng mùa rớt giá” do quy luật cung - cầu, khi thừa khi thiếu. Có nhiều yếu tố dẫn đến điệp khúc trên nhưng trong đó một phần do yếu tố sản xuất chưa mang tính liên kết, chưa có kế hoạch rải vụ.
* Kỹ thuật xử lý rải vụ sầu riêng chủ yếu là vận dụng các biện pháp canh tác như tạo khô hạn, đậy nilon và phun hóa chất ức chế quá trình sinh trưởng, tạo điều kiện cho phân hóa mầm hoa. Hóa chất thường được sử dụng là Paclobutrazol, liều lượng sử dụng tùy thuộc vào tuổi cây.
Có thể bạn quan tâm
UBND thành phố Hải Phòng vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương liên quan về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh ở tôm nuôi trên địa bàn tình phố.
Để khai thác tối đa hiệu quả kinh tế và bảo tồn, phát triển nguồn gen giống quýt vàng bản địa, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vân Hồ (Sơn La) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm tiến hành “Xây dựng mô hình thâm canh, trồng mới và bình tuyển quýt” tại xã Chiềng Yên; thực hiện các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất những vườn quýt hiện có, góp phần giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người trồng quýt.
Sau thành công từ mô hình nuôi gà sao, gà nòi, gà đồi Bắc Giang, gà Hơmông của một số nông dân trong tỉnh, thì nuôi gà giống Bình Định đang là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho một số hộ dân ở xã Thanh Lương (TX. Bình Long, Bình Phước).
Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện địa lý, những năm gần đây, thương hiệu rau an toàn bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu - Sơn La) đã hình thành và cung cấp ổn định cho thị trường trong tỉnh cùng một số siêu thị lớn tại Hà Nội, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Nhằm từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, huyện Phúc Thọ đã áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa. Bước đầu, mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập.