Xóm Nấm

Nấm mèo, hiện đang là cây trồng chủ lực của bà con “xóm nấm”. “Xóm nấm” do bà con đã quen gọi thành tên, của tổ 5, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), nơi gần như 100% cư dân sinh sống bằng nghề trồng nấm mèo. Nấm mèo của “xóm nấm” cung cấp hầu khắp thị trường toàn quốc và cả xuất ngoại, là nghề mang lại trù phú cho một vùng dân cư.
Nghề trồng nấm mèo của xóm hình thành từ những năm 1990, ngay khi dân cư bắt đầu quần tụ. Mới đầu, chỉ một vài hộ trồng, thấy có thu, lần lượt bà con học nhau làm nhà trồng nấm. Riêng 6 tháng đầu năm 2013 này đã có gần 70 nhà nấm mới được xây dựng. Hiện tại, xóm với 250 hộ đã có tới 700 nhà nấm, mỗi nhà treo từ 8 - 12 thiên (1 thiên = 1 ngàn bịch).
Nhà ít có một vài nhà nấm, nhà nhiều có hàng chục nhà nấm. Gia đình bác Lưu Thế Hùng là một trong những hộ trồng nấm lâu năm của xóm có 9 nhà nấm, trung bình 8 thiên/nhà.
Bác Hùng cho hay: “Dân xóm quen với nghề trồng nấm, tuy thu nhập không cao nhưng ổn định, người già trẻ con đều làm việc được. Cả xóm nhà nào cũng trồng nấm, nghề nấm càng ngày càng phát đạt ở đây. Đất chật người đông, không có nhiều đất để trồng rau thì trồng nấm là hiệu quả nhất”.
Hiện tại, nghề trồng nấm của bà con đã được nâng cao một bước, nhà nấm cũng được làm kiên cố với rường thép và mái tôn phủ bên ngoài lớp rơm rạ. Đầu tư nhà thép lớn hơn nhà nấm truyền thống, (khoảng từ 18-25 triệu đồng/nhà) nhưng sử dụng lâu bền hơn, lớp rơm rạ giữ ẩm, giữ nhiệt cũng lâu phải thay thế. Meo giống bà con nhập từ Đồng Nai với giá 3.100 đồng/bịch, sau khi treo bịch đợi nấm ra trắng, xử lý rạch, gần 2 tháng là bà con bắt đầu thu hoạch…
Nấm trồng tại đây thường đạt năng suất 3,6 lạng/bịch, mỗi năm 4 vụ quay vòng. Nấm mèo thường được hái và phơi khô, xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước, mỗi năm bà con sản xuất và bán hàng trăm tấn nấm khô với các mức giá khác nhau tùy loại như nấm khay, nấm xô... Hiện xóm nấm đã hình thành được 3 tổ vần công mỗi tổ 10 người, đổi công để giúp nhau làm nấm.
Việc vần công, đổi công đã giúp các gia đình giải quyết khó khăn những lúc cao điểm thu hoạch rộ hay phơi sấy, treo bịch nấm. Ngoài ra, chỉ cần công lao động trong các gia đình là đủ chăm sóc, thu hoạch nấm nên thuận tiện trong thời điểm khan hiếm công lao động.
Không chỉ trồng nấm mèo, thời gian gần đây bà con xóm nấm đã thêm nghề trồng nấm bào ngư. Dù là giống nấm mới làm quen nhưng bà con nắm bắt kỹ thuật rất nhanh do kỹ thuật trồng nấm bào ngư dễ hơn, nấm thu hoạch và bán tươi, ít mất công rửa, phơi khô như nấm mèo. Năng suất một bịch nấm khoảng 0,3 kg, với giá bán sỉ 20 ngàn/kg cho lời 25 - 30 triệu/10 thiên/vụ. Bởi vậy, nhiều gia đình chuyển bớt từ nấm mèo sang trồng nấm bào ngư để cung cấp nấm tươi cho thị trường.
Nghề nấm vẫn phát triển rất nhanh nhưng bà con đang phải đối mặt với những khó khăn: Thứ nhất, các bịch nấm vẫn phải mua từ xa, việc vận chuyển chiếm khá nhiều chi phí, không giám sát được chất lượng giống; giá lên xuống thất thường. Theo chị Nguyễn Thị Thủy, một người chuyên trồng nấm cho biết, giá nấm mèo khô đạt từ 95 ngàn đồng trở lên là đã có lời.
Tuy nhiên, vì giá bấp bênh lên xuống theo nhu cầu nên nhiều thời điểm trong năm, giá nấm giảm khiến bà con lo lắng. Chị mong muốn: “Dân mình trồng nấm nhiều nhưng giống vẫn phải lấy từ xa, chịu tiền xe rất nhiều. Chúng tôi chỉ mong có cơ sở sản xuất giống nấm mèo tại địa phương đạt chuẩn để bà con yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất, bớt nỗi lo thua lỗ cho bà con nông dân”.
Nghề trồng nấm đã trở thành nghề truyền thống, mang lại ấm no cho bà con, đồng thời cung cấp cho thị trường một loại thực phẩm cao cấp. Xóm nấm vẫn ngày càng thịnh vượng và nghề trồng nấm đang ngày càng được mở rộng trên địa bàn huyện Đức Trọng với hy vọng vào một loại cây trồng đặc sắc.
Có thể bạn quan tâm

Hôm qua (2/6), TCty Cao su Đồng Nai đã long trọng tổ chức buỗi lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (2/6/1975-2/6/2015).

Đó là khẳng định của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) (Bộ NN&PTNT) ngày 2/6, trước thông tin “sốt” về quả dâu rượu (còn gọi là quả thanh mai) đang bán nhiều ở Hà Nội có nguồn gốc Trung Quốc.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vừa ký kết được cho là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong đó có thủy sản...Việc tận dụng các lợi thế của Hiệp định này đang được các doanh nghiệp rất quan tâm.

Năm nay, nhiều nhà vườn trồng dâu xanh tại Cần Thơ, Vĩnh Long không những trúng mùa dâu mà còn được về giá cả.

Kết quả kinh doanh quí 1 của các doanh nghiệp khai thác cao su tự nhiên hầu hết chịu ảnh hưởng từ diễn biến kém tích cực của giá cao su thế giới. Nếu giá tiếp tục thấp, có thể sẽ có thêm nhiều héc ta cao su bị chặt bỏ và khi đó chịu thiệt nhiều nhất vẫn là nông dân.