Quỳnh Lưu Thắng Lớn Vụ Tôm

Vụ tôm 2011, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An thả nuôi 847 ha, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng 650 ha. Năm nay, Quỳnh Lưu trúng đậm tôm thẻ chân trắng (4.500 tấn), tôm thương phẩm cũng được giá cao. Năng suất bình quân trên ao thực nuôi 10 tấn/ha/vụ, cá biệt có hàng chục hộ đạt năng suất 20 đến 24 tấn/ha/vụ.
Chúng tôi ghé vào nhà ông Vũ Văn Đức, tại xóm 7, xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu khi ông vừa xuất bán xong gần 1 tấn tôm. Ông và con gái đang đếm tiền ở ngoài sân. Thấy khách đến, ông vào nhà pha nước rồi phấn khởi cho biết: Dân Quỳnh Xuân năm nay trúng đậm tôm thẻ chân trắng. Anh tính, toàn xã chỉ có 70 hộ nuôi tổng cộng 120 ha 100% đều tôm thẻ chân trắng. Hộ nhiều nhất nuôi 2-3 ha, hộ thấp nhất cũng nuôi 1 ha. Đến nay, chưa thu hoạch xong tôm vụ 1 nhưng năng suất bình quân ước đạt 10 tấn/ha. Có hơn chục hộ nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và đầu tư cao nên năng suất đạt 20 tấn/ha/vụ. Giá tôm mua tại đầm năm nay cũng cao hơn năm ngoái là nhờ có 2 đơn vị SX, chế biến tôm đông lạnh tại Đà Nẵng và Nha Trang trực tiếp đến mua tại đầm (loại 100 con/kg giá 100.000 đồng/kg; loại 50 con/kg giá từ 113.000-115.000 đồng/kg; loại 40 con/kg giá 130.000 đồng/kg).
Theo tính toán của ông Đức thì riêng 70 hội nuôi tôm tại Quỳnh Xuân đã thu về ít nhất 12 đến 13 tỷ đồng, lãi ròng tính khiêm tốn cũng được ít ra 4 tỷ đồng. Riêng cá nhân ông Đức, diện tích ao thực nuôi 2 ha, mới bán được 24 tấn, hiện còn lại trong đầm khoảng 16 tấn nữa (năng suất 20 tấn/ha/vụ). Với mức giá bán từ 113.000 đến 115.000 đồng/kg vụ này gia đình ông thu về khoảng trên 4,5 tỷ đồng, thu lãi ròng khoảng 1,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Đầu vụ thả tôm năm nay, mặc dù địa bàn huyện có cơ sở nuôi ương tôm giống có uy tín của Công ty CP giống chăn nuôi C.P đặt tại xã Quỳnh Liên nhưng giống tôm thẻ chân trắng vẫn khan hiếm, hàng trăm hộ đã phải chờ tôm giống của C.P tới cả tháng trời nên vụ 1 có nhiều hộ phải thu hoạch muộn. Một số hộ thấy giá tôm giống của C.P về cuối vụ thả tăng lên tới trên 100 đồng/con (pots 10) nên họ liều mình chuyển mua tôm giống của một số đơn vị khác.
Điều may mắn là giống tôm thẻ chân trắng của các cơ sở khác được ngành thuỷ sản cho phép cung ứng trên địa bàn đều sạch bệnh và cho năng suất cao. Đầu vụ tôm năm nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có xẩy ra dịch đốm trắng tại một số hộ, chủ yếu là do yếu tố xử lý môi trường đầm nuôi của hộ đó không đảm bảo yêu cầu và nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi không được xử lý trước nên mới phát bệnh.
Ông Vũ Văn Đức nêu kinh nghiệm: So với các xã khác trong huyện, cơ sở hạ tầng, điện, đường, nguồn nước tại khu vực nuôi tôm của xã Quỳnh Xuân được xem là kém nhất trong toàn huyện. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, người nuôi tôm tại Quỳnh Xuân hầu như chưa nếm mùi thất bại. Nguyên nhân là bà con ở đây sau mỗi vụ nuôi đều xử lý đầm tôm trước và sau mỗi vụ rất kỹ. Việc nuôi tôm ở Quỳnh Xuân có tính cộng đồng rất cao. Nếu hộ nào xử lý không tốt môi trường trước và sau khi thả tôm giống là lập tức gây họa cho tất cả các hộ. Bởi vậy, trước khi hộ nào thả giống chúng tôi đều tổ chức kiểm tra kỹ việc xử lý môi trường của hộ đó ra sao. Xử lý tốt mới cho thả.
Lâu nay, người dân Quỳnh Xuân tuyệt đối không có hộ nào dám lấy nước thẳng từ nguồn tự nhiên vào ao nuôi cả. 100% số hộ đều có hồ lắng để lấy nước vào và thực hiện xử lý bằng Clorine nồng độ 30% trước khi vào ao nuôi khoảng 10 ngày. Ngoài ra dịch bệnh có thể xâm nhập vào ao đầm qua các vật trung gian như cua, ếch, rắn, chim nên trước khi thả tôm giống, các hộ đều phải xử lý triệt để các vấn đề trên. Ngoài lưới vây kín quanh các đầm tôm, gia đình nào cũng có chậu dung dịch Clorine nồng độ 30% hoặc thuốc tím để khách đến tham quan, cán bộ kỹ thuật và người nuôi nhúng dày dép trước khi ra thăm đầm nên dịch bệnh được ngăn chặn sớm và triệt để đảm bảo cho tôm phát triển tốt cho đến cuối vụ.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, tất cả các đơn vị được phép cung ứng tôm giống trên địa bàn tỉnh đều được Trung tâm Giống thuỷ sản Nghệ An giám sát chặt chẽ chất lượng đầu vào, được xét nghiệm mẫu trước khi cung ứng giống cho các hộ nuôi. Bởi vậy, trước khi sử dụng con giống của các đơn vị cung ứng, các hộ nuôi tôm phải yêu cầu các đơn vị cung ứng xuất trình giấy kiểm định chất lượng đạt hay không.
Mấy năm nay, người nuôi tôm Quỳnh Xuân rất "kỹ tính" khi chọn mua thức ăn, thuốc kháng sinh và thuốc diệt khuẩn. Một kg Clorine của Nhật Bản, của Thái Lan có khi giá đắt gấp đôi so với Clorine của Trung Quốc nhưng họ vẫn tìm mua về dùng…
Chúng tôi tiếp tục ghé thăm đầm tôm của ông Hồ Đức Tình, xóm Đồng Vân, người có thâm niên 8 năm nuôi tôm của xã Quỳnh Lương. Ông Tình cho biết: Nhà ông nuôi 1,8 ha tôm thẻ. Ngay từ đầu tháng 5/2011, ông đã chuyển 60 triệu đồng cho Công ty C.P để lấy giống. Giống về chậm tới hơn 1 tháng, giá đặt từ đầu là 80 đồng/con nhưng đến khi họ gọi đến lấy thì giá tôm giống đã tăng lên 105 đồng/con. Hai bên không chịu nhau nên cuối cùng tôi phải lấy lại tiền. Bí quá, tôi lấy 50 vạn con giống tôm thẻ chân trắng của Việt - Úc với giá 84 đồng/con; sau đó mấy ngày lại lấy thêm 75 vạn con tôm giống của Công ty TNHH Sản xuất & ứng dụng công nghệ thuỷ sản ViNa (Công ty ViNa) đặt ươm tại xã Quỳnh Liên với giá 65 đồng/con để thả tiếp 2 đầm nữa.
Ông Tình nói thêm: Nói thật là từ trước đến nay, tôi quen lấy giống của Công ty C.P, vụ này do bí quá nên mới lấy giống tôm thẻ của 2 đơn vị trên tôi cũng run lắm, lo ngay ngáy. Thật đáng mừng là giống tôm của cả 2 đơn vị đều chất lượng tốt. Tỷ lệ tôm Việt - Úc sống khoảng 85%, còn tôm của Công ty ViNa sống tới 90%. Tôm của Việt - Úc nuôi được gần 60 ngày hiện đã có trọng lượng 85-90 con/kg, còn trọng lượng tôm của công ty ViNa mới được 30 ngày cũng khoảng 300 con/kg. Năm tới, ngay từ đầu vụ tôi có thể yên tâm đặt mua giống tôm thẻ chân trắng của Công ty ViNa giá vừa rẻ vừa có tỷ lệ tôm sống cao. Dành tiền chênh lệch giá giống cho đầu tư kỹ thuật, thức ăn để tăng năng suất tôm lên cao hơn hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Ông Hoàng Văn Bình, nông dân nuôi tôm lâu năm ở ấp 4, xã Trà Cổ vừa thu hoạch tôm vừa chia sẻ, hiện giá tôm bán tại đầm chỉ còn 155 ngàn đồng/kg, giảm 10 ngàn đồng/kg so với đầu vụ. Tuy nhiên, nuôi tôm vẫn mang lại lợi nhuận gấp 3-4 lần so với nuôi cá.

Tại hội thảo “Nông sản Việt Nam với công nghệ Nhật Bản” do Báo Tuổi Trẻ và Báo Mainichi (Nhật Bản) phối hợp tổ chức mới đây tại TP.Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cũng như nhà quản lý đều nhấn mạnh rằng Nhật Bản là một thị trường lớn nhưng khó tính, vì vậy trong sản xuất phải hết sức nghiêm ngặt.

Những ngày này về Hải Hậu, trên những cánh đồng sản xuất vụ đông ở các địa phương đâu đâu cũng bắt gặp không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân. Tranh thủ buộc giàn cho cà chua, bác Trịnh Văn Giang, đội 6, xã Hải Tân tâm sự: “Từ nhiều năm qua, gia đình tôi xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, bởi hiệu quả sản xuất cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Vụ đông năm 2013, 3 sào cà chua gia đình tôi thu lãi 12 triệu đồng.

Lâu mới có dịp trở lại Yến Mao, một vùng quê miền núi thuộc diện nghèo của huyện Thanh Thủy, thấy cảnh sắc có nhiều đổi thay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Được hỏi về nguyên nhân những thay đổi này, đồng chí Phạm Ngọc Vân, Bí thư Đảng ủy xã đánh giá: Có được sự thay da đổi thịt như Yến Mao hôm nay, trước hết nhờ tác động từ chính sách đầu tư của Nhà nước, nhất là nguồn vốn của chương trình 135, rồi vốn đầu tư hạ tầng vùng chậm lũ; cộng với đó là sự đồng tâm hiệp lực, cố gắng của lãnh đạo, bà con nhân dân.

Mang quyết tâm đổi đời lên quê hương mới, vợ chồng trẻ dựng tạm căn lều nhỏ, ngày đêm chịu khó khai hoang đất đồi trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. “Ngày đó vùng này hoang vu lắm, có đêm nằm ngủ trong lều, thú dữ cứ gầm rú bên ngoài sợ đến kinh hoàng. Bữa ăn thì chỉ toàn rau rừng, lâu lâu đi chặt bó củi về miền xuôi bán mới mua được miếng thịt cải thiện bữa ăn”– anh Tánh nhớ lại tháng ngày cơ cực.