Quỳnh Lưu (Nghệ An) Được Mùa Tôm
Thông thường hàng năm, nuôi tôm vụ 2 khá bấp bênh do thời tiết hay xảy ra mưa lũ. Song năm nay, thời tiết khá thuận lợi cho việc nuôi tôm suốt cả vụ 2, tuy không được mùa đồng đều, nhưng nhìn chung người chăn nuôi vẫn có lãi.
Xã Quỳnh Bảng có 186,2 ha nuôi tôm, trong đó vùng nuôi tôm công nghiệp 100 ha; vùng HTX Lộc Thuỷ 86,2 ha, lớn nhất huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Nuôi tôm vụ 2 đạt 70% diện tích. Ông Hoàng Xuân Tin, xóm Mai Giang, Quỳnh Bảng không giấu nổi niềm vui khi thành công của vụ 2 đã ăn chắc.
Đến thời điểm này, 3 ha tôm của gia đình ông đã cho thu hoạch 10 tấn tôm thương phẩm, đạt 80 con/kg, giá bán 150.000 đồng/kg, thu về 1,5 tỷ đồng. Hiện vẫn còn 10 tấn tôm ở dưới đầm chưa bán, ông Tin cho biết đang chờ giá lên cao hơn nữa mới xuất bán đợt hai, khi tôm đạt 60 con/kg thì giá bán càng cao.
Dự kiến tổng sản lượng thu hoạch tôm vụ 2 được 20 tấn, với giá bán như hiện nay thì tổng mức thu thấp nhất cũng được 3 tỷ đồng, sau khi trừ các loại chi phí đầu vào còn lãi ròng khoảng 1,3 tỷ đồng.
Từ thành công này, ông Tin nhận thấy môi trường nước ao nuôi rất quan trọng, nó quyết định đến thành công của vụ nuôi. Rút kinh nghiệm của các năm trước, vụ này gia đình ông chỉ nuôi 3 ha, và dành hẳn 2 ha ao lắng bơm nước từ sông vào lắng lọc giữ trữ đảm bảo nguồn nước sạch để thường xuyên thay nước cho các ao nuôi, cứ 10 - 20 ngày thay nước một lần.
Nhờ đó môi trường nước ao nuôi luôn đảm bảo sạch sẽ, tôm phát triển ổn định, hiện nay số lượng tôm chưa thu hoạch đã nuôi được hơn 100 ngày khoẻ mạnh, lớn nhanh.
Ông Nguyễn Khắc Đức (xóm Chí Thành, Quỳnh Bảng) cũng là hộ nuôi tôm thắng lợi trong năm nay. Với diện tích 2 ha, vụ 1 cho sản lượng thu hoạch gần 20 tấn, lãi ròng khoảng 1,7 tỷ đồng. Sang vụ 2, gia đình ông tiếp tục nuôi 4 ao tôm, hiện đã thu hoạch được 3 ao, sản lượng hơn 8 tấn, dự kiến lãi khoảng 600 triệu đồng.
Kinh nghiệm của ông Đức là xử lý ao hồ cẩn thận, trong quá trình nuôi, định kỳ lấy mẫu tôm đến các trạm kiểm dịch thuỷ hải sản và các công ty giống để kiểm tra tình hình sức khoẻ của tôm. Nhờ đó mà kiểm soát được dịch bệnh và có hướng phòng, chữa bệnh kịp thời.
Ông Vũ Văn Dương – cán bộ nông nghiệp - xây dựng xã Quỳnh Bảng cho biết: Trong vụ 2, toàn xã ước thu hoạch được 280 tấn tôm. Hiện nay, tôm vụ 2 đã thu hoạch gần xong, ngoài những ao bị bệnh, nhiều hộ thu hoạch có lãi lớn, một số hộ đã thả nuôi tôm vụ 3. Năm 2014, dự kiến sản lượng thu hoạch của xã Quỳnh Bảng khoảng 880 tấn tôm thương phẩm, đem lại giá trị 80 tỷ đồng.
Còn tại xã Quỳnh Thanh có tổng diện tích 75 ha tôm. Dự kiến tổng sản lượng tôm thu hoạch năm 2014 của cả xã đạt từ 580 - 600 tấn, giá trị khoảng 70 tỷ đồng. Vụ 2 năm 2014, gia đình ông Trần Văn Thường, xóm 14 thả nuôi gần 2 triệu con giống nhưng tôm chậm lớn, nên nuôi được 60 ngày phải xuất bán, sản lượng thu hoạch được hơn 10 tấn tôm, giá bán 110.000 đồng/kg, thu về trên 1,1 tỷ đồng.
“Vụ này chỉ lãi được khoảng 200 triệu đồng, như vậy cũng thành công rồi”, ông Thường bộc bạch. Diện tích nuôi tôm vụ 2 năm 2014 của huyện Quỳnh Lưu đạt 335 ha, nhờ thời tiết thuận lợi, người nuôi chấp hành nghiêm lịch thời vụ và tập trung chăm sóc tôm nuôi cẩn trọng nên sản lượng đạt chỉ tiêu đề ra.
Đến thời điểm hiện nay, mặc dù chưa thu hoạch xong nhưng trên cơ sở kết quả nuôi của từng hộ tại các xã cho thấy khả năng tổng sản lượng tôm vụ 2 sẽ đạt 900 tấn.
Có thể bạn quan tâm
Từ điểm trình diễn này, sẽ là cơ sở gợi mở, giúp cho bà con nông dân ở Cà Mau có thể lựa chọn thêm những loại hình sản xuất, chăn nuôi mới phù hợp để áp dụng vào thực tế của từng địa phương, gia đình góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông hộ.
Giá mía liên tục sụt giảm trong thời gian qua khiến cho người trồng mía ở các địa phương vùng ĐBSCL như Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh… lao đao. Nghiêm trọng hơn tại nhiều địa phương, do mía đã vượt ngưỡng thu hoạch nhiều ngày nhưng không có thương lái tìm mua nên đã trổ cờ, chết khô giữa đồng.
Cục Cảnh sát Môi trường phía Nam vừa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm TPHCM kiểm tra hộ ông Trần Minh Thạch (phường Thới An, quận 12) và hộ ông Võ Quốc Quang (huyện Hóc Môn, TPHCM), phát hiện nhiều cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm được nuôi nhốt trái phép gồm: 1 sóc đen, 1 kỳ tôm, 7 gà lôi, 1 cầy gấm cực hiếm và nhiều sản phẩm ĐVHD khác như 27kg thịt gấu, chồn, dúi, heo rừng...
Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết đã nghiên cứu thành công giống lúa mới vụ Xuân 2014, kết quả thu hoạch lúa vụ Xuân đạt hiệu quả rất rõ rệt về chống đổ, khả năng chịu rét, chống nhiễm bệnh và năng suất đạt cao hơn giống lúa truyền thống từ 5-10 tạ/ha.
Những hộ đang trồng cây thầu dầu cho biết: Trong 4 năm đầu, bình quân mỗi ha chỉ cho mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/ha bởi năng suất còn thấp. Từ năm thứ 4 trở đi, cây thầu dầu phát triển mạnh cho năng suất cao và ổn định thì mức thu nhập đạt 35 - 40 triệu đồng/ha (sau khi trừ chi phí). Nếu so với các loại cây trồng khác trên những vùng đất cằn khô nay đưa vào trồng cây thầu dầu thì hiệu quả cao hơn.