Ngư Dân Canh Cánh Nỗi Lo Bám Biển
Mùa khai thác thủy sản năm nay được xem là thất bát nặng nề nhất trong 20 năm qua. Ngư dân dù đã và đang được hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, nhưng do biển mất mùa, chi phí đánh bắt tăng cao nên hiện tại họ đang gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu vậy, nhiều chủ tàu vẫn tìm mọi cách huy động vốn, kể cả vay “tín dụng đen” để “đặt cược” trong những chuyến biển cuối vụ khai thác…
Âu lo từng chuyến biển Mất mùa
Chúng tôi đến cảng cá Vĩnh Lương (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) vào giờ cao điểm tàu thuyền cập bến. Không khí nhộn nhịp, tất bật nơi cảng cá không còn, thay vào đó là khung cảnh đìu hiu buồn tẻ với nhiều tàu cá nằm chòng chành trên cảng. Ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ - chủ 2 chiếc tàu khai thác xa bờ tâm sự: “Bám biển gần cả đời người, tôi thấy năm nay “biển đói” (ít cá) nhất trong vòng 20 năm qua; ra khơi 10 chuyến thì già nửa là hòa vốn và thua lỗ.
Thế nhưng, ngư dân mà không làm nghề biển, không bám biển thì biết làm gì bây giờ? Trước đây, khi còn ăn nên làm ra, việc thuê lao động không mấy khó khăn; còn bây giờ thuyết phục mãi họ mới ra khơi, nhưng trước khi đi đều phải ứng tiền trước để họ lo cho gia đình.
Chính vì thế, nếu không đánh bắt được thì gánh nặng cứ thế đè lên vai chủ tàu chúng tôi, đấy là chưa kể rủi ro gặp phải trong mỗi chuyến biển. Ngoài ra, theo luật bất thành văn của người đi biển, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận chuyến biển sẽ được chia tỷ lệ cho chủ tàu và bạn tàu là 60/40. Còn nếu tàu không đánh bắt được hoặc bị thiên tai, hỏng hóc thì mọi chi phí đều do chủ tàu gánh chịu”.
Theo ông Tính, thời gian trước, với đội tàu khai thác xa bờ của gia đình ông, bình quân mỗi chuyến biển 5 - 7 ngày cũng đánh bắt được 10 tấn cá hố. Sau khi trừ chi phí, mỗi tàu có thể lãi đến cả trăm triệu đồng. Còn bây giờ, phí tổn quá cao, nhất là giá xăng dầu, trong khi sản lượng đánh bắt đạt thấp, chỉ được vài trăm kg/chuyến nên chủ tàu như ông phải bù lỗ. Chính vì vậy, mỗi lần 2 con tàu của gia đình ông xuất bến ra khơi, trong lòng ông lại thấp thỏm, lo lắng, bởi cuộc mưu sinh của gia đình đều trông chờ vào từng chuyến biển.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại phường Vĩnh Thọ có 120 tàu thuyền có công suất lớn hơn 45CV, trong đó có 80 tàu thuyền hành nghề khai thác cá hố ở tuyến lộng. Năm trước, sản lượng cá hố khai thác của địa phương này lên đến 400 tấn/tháng. Năm nay, lượng cá hố đánh bắt được chỉ khoảng 30% so với trước. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như đời sống của nhiều gia đình ngư dân.
Ông Trần Xuân Minh Thế - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ cho biết: “Hiện nay, trên 70% dân cư của phường làm nghề biển, nhưng từ đầu năm đến nay từ nuôi trồng đến đánh bắt đều thất bại, nhất là nghề khai thác thủy sản mất mùa nặng. Điều này khiến đời sống của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chủ tàu thua lỗ nặng và không còn khả năng trả nợ”.
Tương tự như ngư dân ở phường Vĩnh Thọ, ngư dân tại nhiều vùng biển khác trên địa bàn tỉnh cũng lâm vào cảnh lao đao khi biển mất mùa. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 8-2013, toàn tỉnh khai thác được 56.200 tấn thủy sản các loại, đạt 66% kế hoạch, trong đó khai thác biển đạt 52.800 tấn.
Theo ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục Phó phụ trách Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, năm nay nghề biển mất mùa nhất trong vòng 20 năm qua. Hầu hết các nghề khai thác biển của ngư dân đều thất bát, sản lượng đánh bắt chỉ đạt khoảng 70% so với trước đây. Không riêng ở Khánh Hòa, đây là thực trạng chung về khai thác thủy sản ở nhiều địa phương trong cả nước.
Nhiều tàu nằm bờ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các cảng cá Hòn Rớ, Vĩnh Lương, Đá Bạc… lúc cao điểm có đến 70% tàu cá nằm bờ. Hiện tại, đang trong thời điểm cuối mùa khai thác cá ngừ đại dương, nhưng không ít tàu thuyền của ngư dân Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi vẫn neo lại bờ.
Ông Trần Đức, ngư dân trên tàu câu cá ngừ đại dương ở tỉnh Bình Định chia sẻ: “Thời điểm trước Tết, khi cá ngừ đại dương có giá hơn 150.000 đồng/kg, sản lượng khai thác đạt đến 2,5 - 3 tấn/chuyến, tàu nào ra khơi đánh bắt cũng có lãi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, thời gian gần đây, sản lượng đánh bắt đạt thấp, giá cá ngừ đại dương tuy đã tăng nhưng chỉ được khoảng 80.000 đồng/kg nên thu không đủ bù chi, nhiều chủ tàu câu thua lỗ nặng, bạn thuyền chúng tôi cũng chẳng có thu nhập vì tàu nằm bờ cả tháng nay”.
Khi chúng tôi đến, ông Trần Văn Minh - một chủ tàu câu cá ngừ đại dương ở khu vực Hòn Rớ đang chạy đôn, chạy đáo gọi các bạn ghe đến sửa sang lại lưới, ngư cụ để chuẩn bị cho một chuyến đi biển mới. Ông Minh cho biết: “Đây là thời điểm cuối vụ khai thác cá ngừ đại dương, nếu không tranh thủ ra biển thì hết mùa, nhưng mỗi lần tàu ra khơi chúng tôi lại lo ngay ngáy.
Bởi toàn bộ chi phí chuyến biển chúng tôi đều phải đi vay, thậm chí phải vay nóng với lãi suất cao. Chỉ mong sao trời yên biển lặng, “Ông” (cá voi) phù hộ tàu đi trúng luồng cá để có tiền trả nợ cho chuyến biển trước”.
Theo ông Minh, chi phí cho mỗi chuyến câu cá ngừ đại dương kéo dài 15 - 22 ngày phải mất hơn 150 triệu đồng, trong khi đó nhiều tàu chỉ câu được 400 - 500 kg cá ngừ nên nhiều chủ tàu lâm vào cảnh thua lỗ, đành phải nằm bờ hoặc chuyển sang nghề khác. Quan sát tại cảng Hòn Rớ, chúng tôi thấy không ít chủ tàu cá đang nằm bờ vẫn ngày ngày ra cảng, nắm bắt tình hình ngư trường, giá cả… để kịp thời chuẩn bị tổn phí, cho tàu ra khơi với hy vọng được chuyến “biển no”.
Chi phí tăng cao, biển lại mất mùa khiến không ít chủ tàu thiếu vốn đầu tư cho những chuyến biển kế tiếp. Thế nhưng, ngoại trừ một số chủ tàu không còn khả năng trả nợ, phải bán tàu hay cho tàu nằm bờ, hầu hết ngư dân vẫn tìm mọi cách để có vốn chi phí cho những chuyến biển cuối vụ.
Ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc Hội): Năm nay, mất mùa biển là tình hình chung của nhiều địa phương trong cả nước. Trước tình hình đó, tháng 8-2013, đoàn công tác của Ban Dân nguyện đã đi khảo sát, ghi nhận thực tế tại một số địa phương ven biển nhằm kiến nghị sửa đổi, ban hành thêm các chính sách, cơ chế hỗ trợ để giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân.
Qua làm việc với các các địa phương, trong đó có tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều kiến nghị của ngư dân cũng như lãnh đạo địa phương như: Ngư dân khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đóng mới tàu, trang bị ngư cụ hiện đại đi khai thác xa bờ; sản phẩm đánh bắt được bị thương lái ép giá vì chính sách tiêu thụ, xuất khẩu chưa tốt; nguồn nhân lực có trình độ phục vụ khai thác, sản xuất thủy sản đang thiếu hụt nghiêm trọng; các chính sách hậu cần nghề cá chưa được chú trọng...
Sau chuyến khảo sát này, chúng tôi sẽ làm việc với các bộ, ngành trung ương nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Đồng thời sẽ tổng hợp kiến nghị của các địa phương để trình tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới để Quốc hội có những quyết sách nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Có thể bạn quan tâm
Có giá trị kinh tế cao, giàu vitamin, là thứ trái cây được nhiều người ưa thích, quýt hồng Lai Vung được bình chọn trong top 5 “siêu trái Việt Nam”.
Niềm vui vì vụ vải thiều được giá vừa kịp lắng xuống, nay người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) đang đứng ngồi không yên trước hiện tượng cây vải chết hàng loạt.
Sau loạt “Báo động việc nông dân bỏ ruộng”, NTNN trao đổi với ông Tăng Minh Lộc- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển NT (Bộ NNPTNT) - để lý giải sâu hơn vấn đề này cũng như tìm giải pháp.
“Mấy chú xuống trễ quá, phải cách đây 2 ngày là vui lắm, anh em mới thịt một con heo ăn mừng vụ mùa thành công”, ông Nguyễn Minh Phối, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) nuôi cua thương phẩm 2/9, ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau), nhanh miệng khoe khi chúng tôi vừa đến thăm.
Xã Nhị Mỹ (Cai Lậy, Tiền Giang) hiện mở rộng diện tích sản xuất cá giống lên gần 130 ha mặt nước với sản lượng mỗi năm khoảng 100 triệu con cá giống các loại cung ứng thị trường. Các loại cá giống được sản xuất đại trà tại địa phương gồm tai tượng, trê lai, phi dòng gifl, điêu hồng...