Quy Trình Sản Xuất Cải Bắp
Cải bắp là cây thích hợp với ánh sáng ngày dài nhưng có cường độ chiếu sáng yếu. Trong vụ Đông-Xuân của Đà Lạt có thời gian chiếu sáng ngắn (8-10giờ/ ngày) nên cải bắp sinh trưởng tốt, có nhiều khả năng đạt năng suất cao.
1. Giai đoạn vườn ươm
1.1/ Xử lý hạt giống
Cần phải xử lý hạt giống trước khi gieo để phòng trừ một số bệnh hại có thể lây nhiễm qua hạt như phấn trắng, thối gốc… bằng cách ngâm hạt trong nước ấm khoảng 500C trong vòng 20 phút hoặc dùng thuốc Rovral 50WP, Ridomil 72MZ, với liều lượng 5g/100g hạt giống, trộn đều vào hạt giống trước khi gieo.
1.2/ Gieo hạt và chăm sóc cây con
Hạt cải bắp nảy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 18-20oC. Cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi nhất ở nhiệt độ 15-18oC.
Gieo trong bầu, khay xốp: Hỗn hợp đất gieo ươm gồm đất mùn 2 phần, phân chuồng hoai mục 1 phần và 1–2% phân NPK 20.20.15. Đất cần xử lý bằng các loại thuốc như Benlat C, Monceren, Rovral, Nokaph để phòng trừ bệnh, tuyến trùng.
Gieo trên liếp: Làm đất tơi xốp, thoát nước tốt, cào bằng mặt luống. Bón lót 2-5 kg phân chuồng, bón phân 50-60 g/1m2 đất ươm bằng phân NPK 20.20.15 trước khi gieo. Xử lý kỹ bằng các loại thuốc BVTV như trên để phòng trừ dịch hại. Gieo hạt trên liếp phải tủ 1 lớp cỏ hoặc rơm rạ khi cây vừa mọc thì giở bỏ lớp rơm rạ này ra. Phun phòng bằng các loại thuốc như Zineb 80WP, Mancozeb 80WP, Ridomil 72MZ, Rovral 50WP nồng độ 2-3% để phòng trừ bệnh thối gốc, phấn trắng, chết rạp cây con… Khi cây con có đủ 5-6 lá thật thì nhổ cây đem trồng.
2. Trồng ra ruộng sản xuất
2.1/ Làm đất, bón phân
Rãi vôi đều trên ruộng, sau đó cày xới kỹ ở độ sâu 20-25cm.Cần xử lý bằng Sincosin (30ml/10 lít nước), Nokaph (20ml/10 lít nước). Mùa mưa lên luống cao 20 cm, mùa khô 10-15cm.
Độ ẩm đất thích hợp từ 75-85%, độ ẩm không khí đạt 80-90%. Đất quá ẩm (>90%) trong vài ngày thì sẽ gây nhiễm độc cho bộ rễ vì phải làm việc trong điều kiện yếm khí.
Cải bắp ưa đất thịt nhẹ, cát pha, tốt nhất là đất phù sa được bồi hàng năm và có độ pH >7. Tuy vậy, có những loại đất có pH 5,5-6,7 đều trồng được cải bắp.
2.2/ Mật độ, khoảng cách
Vụ Đông-Xuân: 50 x 50 cm (khoảng 33.000cây/ha); Vụ Hè-Thu: 50 x 60 cm (khoảng 30.000 cây/ha).
Chú ý chọn cây khoẻ, đồng đều, sạch sâu bệnh để trồng. Giữ ẩm cho cây đủ điều kiện bén rễ tốt sau trồng.
3. Bón phân, chăm sóc
Cải bắp đòi hỏi đất có nhiều chất dinh dưỡng. Vì vậy, phải đảm bảo đủ phân bón lót và bón thúc là yếu tố cơ bản để đạt năng suất cao.
Lượng phân tổng số tính cho 1 ha: 30-40 m3 phân chuồng, 1000-1500 kg vôi, 300 kg lân vi sinh (LVS), 250 kg N, 150 kg P2O5, 200 kg K2O. Đối với phân vô cơ, có thể dùng phân đơn chất hoặc phức hợp cân đối theo lượng trên.
Loại phân | Tổng lượng phân bón Kg (nguyên chất)/ ha | Bón lót | Bón thúc | ||
Lần 1 | Lần 2 | Lần 3 | |||
Phân đạm | 250 | 60 | 70 | 70 | 50 |
Phân lân | 200 | 140 | - | 60 | - |
Phân kali | 200 | 50 | 50 | 50 | 50 |
3.1/ Bón lót trước khi trồng
Bón toàn bộ phân chuồng, vôi, lân vi sinh, 25%N, 70% P2O5, 25%K2O.
Phân chuồng và lân vi sinh có thể rải đều bón cùng vôi khi làm đất. Phân hoá học bón vào rãnh, đảo trộn thật đều và tưới cho tan một ngày trước khi trồng.
3.2/ Bón thúc
Lần 1: 7-10 ngày sau trồng. Bón 25%N, 25%K2O. Trộn đều, rải phân cách gốc cây 10-15 cm, xăm xới vun nhẹ mặt luống, kết hợp làm cỏ. Tứơi đẫm sau khi bón cho tan phân.
Lần 2: 25-30 ngày sau trồng. Bón 30%P2O5 còn lại, 25%N, 25%K2O. Trộn đều, bón cách gốc cây 20 cm. Kết hợp làm cỏ, vun nhẹ. Tưới đẫm cho tan phân.
Lần 3: 40-45 ngày sau trồng. Bón hết số phân đạm và kali còn lại. Rải phân đều giữa hai hàng cây. Tưới đẫm.
Trong thời gian sinh trưởng có thể phun thêm các loại phân bón lá như Agrostime, Atonik, Miracle-Gro, MX1 theo nồng độ khuyến cáo. Sau mỗi lần bón thúc, phun phân vi lượng có chứa các thành phần Mg, Mn, Fe, Mo, Cu. Ngưng dùng phân bón lá và vi lượng khi cây bắt đầu cuốn.
4. Phòng trừ sâu bệnh
Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp cho cây, thường xuyên dọn vệ sinh đồng ruộng, nên có chế độ luân canh hợp lý giữa các cây trồng khác họ. Theo dõi thường xuyên để phát hiện sâu bệnh xuất hiện trên cây và có biện pháp trừ diệt kịp thời. Các lọai sâu bệnh thường gặp:
4.1/ Sâu hại
Các loại sâu ăn lá chủ yếu có Sâu tơ (Plutella xylostella), sâu xanh bướm trắng (Pieris rapae), sâu khoang (Spodoptera litura), sâu đục nõn (Hellula undalis)…Thường xuyên kiểm tra phát hiện ngắt ổ trứng và bắt giết sâu non tuổi nhỏ. Khi sâu phát sinh nhiều có khả năng gây hại rõ rệt thì dùng thuốc phun trừ.
Đối với các loại sâu ăn lá, dùng chủ yếu các chế phẩm vi khuẩn như Bacillus thuringiensis (BT) như Biocin, Delfin, Dipel, Vi-BT, NPV…, thuốc thảo mộc như Neem, chế phẩm Abamectin như Vertimec 1,8EC, Vibamec 1,8EC, Tập kỳ 1,8EC, Abatin, Silsau 1,8EC; 3,6EC…Có thể sử dụng luân phiên xen kẽ với một số loại thuốc hóa học khác như Peran, Sherpa, Polytrin, Trebon…
Rệp cải (rầy mềm, Brevicoryne brassicae): Ngắt bỏ lá già vàng úa, lá bị rệp nhiều. Dùng các loại thuốc như Sherpa, Polytrin, Trebon…
Sâu xám (Agrotis ypsilon): Sâu non sống trong đất, cắn phá gốc cây con. Phòng trừ chủ yếu là làm đất kỹ, xới xáo đất và làm sạch cỏ dại, đào bắt sâu non quanh gốc cây bị hại. Khi cần thiết có thể phun bằng các loại thuốc như Sherpa, Polytrin, Sumi alpha, Padan…Rải thuốc sâu dạng hạt xuống đất tuy có hiệu quả tốt nhưng dễ làm ô nhiễm đất và rau nên hạn chế sử dụng.
Phòng trừ sâu tơ và sâu hại khác:
Biện pháp nông học: Vệ sinh đồng ruộng tốt. Cày lật đất sớm để diệt bớt trứng, nhộng, sâu non và hạn chế mầm bệnh. Luân canh với cây trồng khác họ. Tưới nước bằng phương pháp phun mưa và phun thuốc diệt sâu vào buổi chiều tối. Có thể quây lưới cao 1,5-2 m để hạn chế sâu bay nhiễm từ vườn khác.
Dùng nông dược: Sâu tơ có trên đồng ruộng quanh năm và rất nhanh quen thuốc, vì vậy khi sử dụng các loại thuốc cần theo các nguyên tắc sau:
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và chỉ phun thuốc khi mật độ sâu non trung bình 2 con/cây ở giai đoạn 2-3 tuần sau trồng, 3 con trở lên ở gian đoạn 4-7 tuần sau trồng. Không phun thuốc đặc hiệu trị sâu tơ khi sâu chưa xuất hiện ở các ngữơng trên.
- Phun luân phiên thay đổi thuốc ở các nhóm hoạt chất khác nhau và không dùng bất cứ loại thuốc nào 2 lần liên tiếp để diệt trừ.
- Giai đoạn sớm trước 50 ngày sau trồng, sử dụng chủ yếu thuốc nội hấp, lưu dẫn. Giai đoạn sau dùng các loại có tác dụng xông hơi, tiếp xúc nhanh phân giải và thuốc vi sinh (xem giới thiệu của nhà sản xuất);
- Ngưng phun thuốc ít nhất 20 ngày trước khi thu hoạch.
4.2/ Bệnh hại
Bệnh chết cây con do nấm (Rhizoctonia solani):Xới đất, vun gốc kịp thời, khi bệnh phát sinh phun các loại thuốc như Monceren, Anvil, Validacin,Topsin M…
Bệnh sưng rễ (do nấm Plasmodiophora brasicae): Bón vôi để tăng pH đất có tác dụng hạn chế nấm bệnh. Trước khi trồng xử lý thuốc Nebijin 0,3DP. Khi bệnh phát sinh loại bỏ kịp thời các cây bị bệnh, rắc vôi vào gốc, dùng các loại thuốc như Mexyl-MZ, Ridomil Gold, Plant, Aliette hoặc tưới thuốc gốc đồng quanh gốc. Ruộng bị bệnh cần luân canh cây trồng khác họ.
Bệnh thối nhũn (do vi khuẩn Erwinia carotovora): Lên luống cao cho thoát nước. Không bón nhiều phân đạm, thường xuyên cắt bỏ lá già úa ở gốc, phun ngừa bằng các loại thuốc gốc đồng như Kasuran 47WP, Cuprimicin 81WP, Cuproxate 345SC, COC 85, Kocide 53,8DF…Ruộng bị bệnh nặng có thể trồng luân canh cây khác họ.
Phòng trừ một số bệnh chính:
Bệnh đốm cháy lá và thối nhũn vi khuẩn: Phun Funguran (20gr/10 lít nước), Score (10ml/10 lít nước), Kocide 53.8DF (20gr/10 lít nước).
Bệnh đốm vòng: phun Benlate C (20-30gr/10 lít nước), Rovral (10gr/10 lít nước);
Bệnh thối hạch (bông gòn): phun Topsin M (20gr/10 lít nước), Anvil 5SC (10 ml/10 lít nước), Kasuran 47WP (25g/10 lít nước). Khi bệnh chớm xuất hiện, rắc vôi bột quanh gốc và tỉa bỏ lá bệnh.
5. Thu hoạch
Thu hoạch khi cây đã cuốn chặt. Trước thu hoạch 2 ngày, tưới nước sạch rửa bớt đất cát bám trên cây và phun nước vôi 1% (lọc lấy nước trong) đều trên cây để trung hoà dư lượng nông dược còn lại và diệt bớt vi khuẩn. Một ngày trước khi thu, tứơi rửa cây bằng nước sạch. Khi thu hoạch hạn chế làm chấn thương, dập nát bắp. Xuất hàng theo yêu cầu đóng gói bao bì, vận chuyển của khách hàng.
Có thể bạn quan tâm
2Lúa xin giới thiệu cách trồng Cải Bó Xôi. Về y học, cải bó xôi là thuốc đắc dụng, vị ngọt, nhẫn pha chát, tính mát, được các bác sĩ đông y sử dụng trị các chứng về tiêu hóa, tuần hoàn, lão hóa tế bào, mất calci
2Lúa giới thiệu cách trồng cải Xà Lách Xoong (Cải Xoong). Cải xoong được trồng chủ yếu ở vùng cao, có khí hậu mát như miền Bắc, Đà Lạt, Bình Thuận. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, Huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long là nơi trọng điểm trồng xà lách xoong, có truyền thống từ lâu đời, không những cung cấp cho đồng bằng mà cả thành phố Hồ Chí Minh.
2Lúa giới thiệu với bà con cách trồng Cải Ngọt. Cải ngọt là cây ngắn ngày, rất cần nước để sinh trưởng, do vậy cần phải giữ ẩm thường xuyên. Sau trồng tưới mỗi ngày 1 lần, sau đó 2 - 3 ngày thì tưới 1 lần. Kết hợp các lần tưới với các đợt bón thúc.
Cùng với thối nhũn, bệnh sưng rễ, sâu tơ… thì bệnh Đốm vòng (Alternaria brassicae) cũng là một đối tượng thường xuất hiện và gây hại trên cây cải bắp ở nước ta hiện nay, đặc biệt là vào những tháng mùa mưa.
Cải cúc giàu dinh dưỡng, ngoài lipit, protit, gluxit còn có vitamin B, C và vitamin A. Theo Đông y, cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi the, đắng, mùi thơm, tính mát, không độc có tác dụng tán phong nhiệt, trừ đờm, giúp tiêu hóa tốt, chữa ho và chữa chứng đau mắt. Dưới đây là một số bài thuốc cụ thể