Quy trình rau an toàn cho cây dưa leo tại tỉnh Bình Phước - Phần 4
4.3. Cỏ dại
4.3.1. Loại cỏ dại
* Cỏ dại hàng niên: Loại cỏ dại có chu kỳ sống ngắn trong 1 mùa vụ hầu hết tăng trưởng bởi hạt
• Cỏ lá hẹp: cỏ chỉ, mần trầu…
• Cỏ lá rộng: dền, đuôi chồn, màng màng…
• Cỏ cói lác: cỏ cú, lác...
* Cỏ dại đa niên: Thường tăng trưởng bằng cây, cây con mọc từ thân cây mẹ tăng trưởng mạnh hơn cây mọc từ hạt.
4.3.2. Phòng trị cỏ dại
• Làm (cày) vỡ đất, phơi nắng từ 7 – 14 ngày và sau đó bừa cho đất tơi 1 – 2 lần.
• Gom cây và rễ cỏ trong khu vực trồng.
• Diệt cỏ dại bằng tay hoặc bằng máy khi cỏ còn nhỏ chưa ra hoa.
5. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn và hiệu quả
5.1. Mục tiêu của việc dùng thuốc BVTV trên đồng ruộng
* Phát huy tác dụng tích cực của thuốc BVTV trong việc đẩy lùi tác hại của dịch hại.
* Hạn chế tới mức thấp nhất tác dụng xấu của thuốc BVTV đến con người, cây trồng, sinh vật có ích và môi trường sống.
* Để đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện hai điều cơ bản sau:
• Thực hiện phương pháp phòng trừ tổng hợp đối với mọi loài dịch hại và cây trồng, chỉ dùng biện pháp hóa học (phun thuốc trừ dịch hại trên đồng ruộng) trong trường hợp đã thực hiện mọi biện pháp phòng trừ khác, nhưng dịch hại vẫn phát sinh phát triển với mức độ cao có thể gây tổn thất nặng đến năng suất và phẩm chất nông sản.
• Đảm bảo sử dụng thuốc BVTV đúng thuốc, đúng đối tượng, đúng liều lượng, đúng nồng độ, đúng thời gian, đúng phương pháp và phạm vi cho phép, đúng thời gian cách ly; đảm bảo an toàn cho người, cây trồng, vật nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường (Điều 21, Điều lệ Quản lý thuốc BVTV).
5.2. Kỹ thuật 4 đúng trong việc dùng thuốc BVTV
5.2.1. Đúng thuốc
* Sử dụng thuốc có hiệu quả cao với loài sinh vật hại cần phòng trừ, ít độc hại với người, môi trường và thiên địch (dựa vào những thông tin trên nhãn thuốc: chỉ số LD 50 cao > 2000, băng màu chỉ độ độc, nhóm thuốc nhanh phân huỷ, thời gian cách ly ngắn, lượng sử dụng trên đơn vị diện tích thấp….)
* Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không có tên trong danh mục thuốc được phép sử dụng, không sử dụng thuốc cấm.
* Thực hiện đúng các quy định đối với thuốc hạn chế sử dụng.
5.2.2. Đúng liều lượng và nồng độ
* Liều lượng là lượng thuốc và nước cần dùng trên 1 đơn vị diện tích (.... lít, kg /ha) và nồng độ là độ pha loãng của thuốc trong nước để phun.
* Cần tuân thủ theo đúng liều lượng và nồng độ quy định trên nhãn thuốc để đảm bảo thuốc trang trãi đều và tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất, hiệu quả phòng trừ sẽ cao.
* Không sử dụng giảm liều hoặc tăng liều sẽ làm tăng tính kháng thuốc của sinh vật hại. Tăng liều sẽ làm ngộ độc cho cây trồng, con người và ô nhiễm môi trường.
5.2.3. Đúng lúc
* Nên sử dụng thuốc khi sinh vật hại phát triển tới mức cần phòng trừ, khi sâu còn nhỏ, bệnh mới chớm phát.
* Không phun thuốc khi trời nắng nóng, sắp mưa, gió to, khi cây đang nở hoa thụ phấn.
* Cần giữ đúng thời gian cách ly ghi trên nhãn thuốc để đảm bảo không còn dư lượng thuốc trên nông sản khi thu hoạch.
5.2.4. Đúng cách
* Cần phun rãi đều và đúng vào vị trí sinh vật tập trung gây hại. Không phun ngược chiều gió. Sử dụng đúng hướng dẫn theo dạng chế phẩm, thuốc hạt dùng để rải không hoà vào nước phun.
* Khi hỗn hợp các loại thuốc cần chú ý theo quy định trên nhãn thuốc, giữ đúng nồng độ mỗi loại thuốc và không hỗn hợp thuốc cùng nhóm hoặc không được phép hỗn hợp.
* Cần luân phiên thay đổi loại thuốc khác nhóm giữa các lần phun để ngăn ngừa tính kháng thuốc của sinh vật hại, giữ được hiệu quả lâu dài của thuốc BVTV.
Có thể bạn quan tâm
Nếu sử dụng thêm phân bón lá thì giảm lượng bón phân gốc 15-20% và ngừng phun xịt trước khi thu hoạch quả 7-10 ngày
Bệnh sương mai phát triển từ mặt dưới lá, phía trên lá có những chấm nhỏ màu vàng, về sau lớn dần trở thành màu nâu, dọc theo gân lá có hình đa giác
Sâu non có màu xanh lá cây nhạt, trên lưng có 2 sọc trắng chạy dọc cơ thể. Nhộng màu nâu đen. Sâu non thường sống ở đọt và mặt dưới lá non, nhả tơ cuốn lá non