Trang chủ / Rau củ quả / Dưa leo (Dưa chuột)

Quy trình rau an toàn cho cây dưa leo tại tỉnh Bình Phước - Phần 2

Quy trình rau an toàn cho cây dưa leo tại tỉnh Bình Phước - Phần 2
Tác giả: Phòng Bảo Vệ Thực Vật
Ngày đăng: 22/11/2018

4. Sinh vật hại trên cây dưa leo 

4.1. Bệnh hại

4.1.1. Bệnh sương mai

* Nguyên nhân: Do nấm Pseudoperonospora cubensis.

* Triệu chứng: Lá bị hại là chính. Bệnh phát triển từ mặt dưới lá, phía trên lá có những chấm nhỏ màu vàng, về sau lớn dần trở thành màu nâu, dọc theo gân lá có hình đa giác. Chỗ bị bệnh khô và dễ gãy, lá cuốn cong lên và rụng sớm chỉ còn lá mới ra.

* Giai đoạn nhiễm bệnh: Bệnh gây hại từ khi cây có 3 – 4 lá thật đến khi thu hoạch. Bệnh thường phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, mưa nhiều hoặc ban đêm có nhiều sương.

* Phòng trị: 

• Làm liếp cao, thoát nước tốt (trồng dưa leo trong mùa mưa). 

• Dọn sạch tàn dư cây trồng, có điều kiện nên ngâm nước ruộng một thời gian để diệt nấm. 

• Trồng mật độ vừa phải. 

• Bón phân đầy đủ, cân đối, không bón nhiều phân đạm.Chú ý trong mùa mưa nếu bón nhiều urê hoặc phân hữu cơ tươi dễ gây ngộ độc cho cây và nấm bệnh dễ xâm nhập gây hại. 

• Tỉa bỏ bớt các lá già và lá bị bệnh, dùng màng phủ nilon để lá không tiếp xúc trực tiếp mặt đất. 

• Từ khi cây dưa có 3 – 4 lá thật, dùng các thuốc gốc đồng phun phòng bệnh 2 – 3 lần cách nhau khoảng 10 ngày. Sử dụng thuốc phòng trị (xem Bảng 1). 

4.4.2. Bệnh thán thư

* Nguyên nhân: Nấm Colletotrichum lagenarium

* Triệu chứng: Bệnh gây hại cả trên quả lá, dây đều bị hại. Trên lá lúc đầu có những điểm tròn màu vàng nhạt, về sau có màu nâu. Khi khô dễ gẫy. Trên quả mới chớm bệnh vết bệnh hình tròn, lõm màu vàng. Trên dây có vết bệnh màu nâu sẫm về sau có màu tro. Đặc điểm trên vết bệnh có lớp phấn màu hồng trong điều kiện ẩm ướt.

* Giai đoạn nhiễm bệnh: Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng, mưa nhiều, từ khi cây bắt đầu có hoa đến thu hoạch.

* Phòng trị: 

• Thu gom tàn dư cây trồng. 

• Ruộng bị hại nặng luân canh cây khác trong 1 năm. 

• Không dùng hạt ở quả bị bệnh để làm giống. 

• Từ khi cây có 5 – 6 lá thật phun phòng bệnh bằng các thuốc gốc đồng. Sử dụng thuốc phòng trị (xem Bảng 1). 

4.4.3. Bệnh chết cây con

* Nguyên nhân: Nấm Rhizoctonia solani

* Triệu chứng: Cổ rễ cây con chỗ gần mặt đất bị thối nhũn, tóp lại, màu nâu, cây ngã gục trong khi lá non vẫn còn xanh, sau vài ngày cây khô héo.

* Giai đoạn nhiễm bệnh: Bệnh chỉ phát sinh phá hại từ khi cây con mới mọc đến có 1 – 2 lá thật. 

* Phòng trị: 

• Luân canh cây trồng với cây khác họ để tiêu diệt nguồn bệnh, có hiệu quả khi luân canh với cây lúa nước. 

• Sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục, không bón nhiều đạm. 

• Xới đất vun gốc kịp thời, sau đợt mưa không để mặt đất đóng váng (đối với ruộng không phủ bạt). 

• Khi bệnh xuất hiện và phát triển có thể sử dụng các loại thuốc BVTV để phòng trị (xem Bảng 1). 

4.4.4. Bệnh héo rũ

* Nguyên nhân: Rhizoctonia, Fusarium, Pythium...

* Triệu chứng: Rễ và cổ rễ gốc bị thối, điểm bị thối thắt lại, tất cả các lá trên cây biến màu vàng, cây héo và bị chết 

* Giai đoạn nhiễm bệnh: Giai đoạn nhiễm bệnh: Bệnh xuất hiện từ khi cây có 3 – 4 lá thật đến thu hoạch. Bệnh hại nặng trong mùa mưa. Đất bị úng nước, đặc biệt khi có mưa to, gió lớn gây xây xát vùng rễ, bệnh nặng có thể gây héo rũ chết hàng loạt.

* Phòng trị:

• Luân canh cây trồng với cây khác họ để tiêu diệt nguồn bệnh, có hiệu quả khi luân canh với cây lúa nước. 

• Trong mùa mưa phải lên luống cao, thoát nước tốt. Đảm bảo đủ nước cho cây nhưng không để thừa nước. 

• Xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học. 

• Bón phân cân đối. Đặc biệt nên dùng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, không dùng phân tươi. 

• Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma, kinh nghiệm một số nông dân khi dùng nước phân ủ mục để tưới cũng có thể làm giảm bệnh do trong nước phân ủ có nhiều vi sinh vật đối kháng (xem thêm quy trình ủ nấm Trichoderma spp) 

• Dùng các loại thuốc BVTV khi thấy bệnh có khả năng phát sinh mạnh (xem Bảng 1). 

4.4.5. Bệnh hoa lá

* Nguyên nhân: Virus

* Triệu chứng: Gây hại trên lá và toàn cây. Cây bị bệnh đọt non xoăn lại, lá nhạt màu và lốm đốm vàng, loang lổ, các đốt thân co ngắn, cây chùn lại, phát triển rất chậm, quả ít và biến dạng, sần sùi, có vị đắng.

* Thời gian phát bệnh: Sự phát triển và tác hại của bệnh có liên quan chặt chẽ với mật độ bọ trĩ và rệp trên đồng ruộng.

* Phòng trị:

• Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại trong ruộng và xung quanh để hạn chế nguồn bệnh và côn trùng môi giới.

• Phòng trị bọ trĩ và rệp.

• Nhổ bỏ thu gom tiêu hủy các cây dưa bị bệnh.

• Sử dụng giống khoẻ sạch bệnh.


Có thể bạn quan tâm

Phòng ngừa bệnh khảm hại dưa leo Phòng ngừa bệnh khảm hại dưa leo

Trái dưa bị chai nhỏ, còi cọc không phát triển được, làm giảm năng suất rất nhiều. Xin cho biết đó là chứng bệnh gì? Có cách nào để phòng trị chúng?

26/06/2018
Bệnh sương mai giả hại dưa chuột Bệnh sương mai giả hại dưa chuột

Triệu chứng đặc trưng của bệnh thường thể hiện rõ nhất ở trên lá là những đốm nhỏ màu xanh vàng hoặc màu nâu nhạt, hình đa giác hoặc hình bất định, nằm rải rác

18/07/2018
Quy trình rau an toàn cho cây dưa leo tại tỉnh Bình Phước - Phần 1 Quy trình rau an toàn cho cây dưa leo tại tỉnh Bình Phước - Phần 1

Nếu sử dụng thêm phân bón lá thì giảm lượng bón phân gốc 15-20% và ngừng phun xịt trước khi thu hoạch quả 7-10 ngày

20/11/2018