Quy trình chứng nhận thực phẩm an toàn theo chuỗi
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) đã chính thức công bố một số điều kiện, thủ tục như sau:
Đối tượng cấp giấy xác nhận
Sản phẩm được xác nhận là sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bán tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm (cửa hàng, quầy hàng tại chợ, siêu thị...).
Chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm có nhu cầu, tự nguyện đăng ký để được xác nhận.
Điều kiện để được xác nhận
Đối với chuỗi cung ứng thực phẩm kết nối giữa cơ sở sản xuất với cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm:
- Cơ sở sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, khai thác/nuôi trồng thủy sản) được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận GAP hoặc tương đương. Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển (đến cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng) được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Sản phẩm tại cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng được cơ quan chức năng định kỳ lấy mẫu giám sát theo quy định và kết quả kiểm nghiệm đáp ứng các quy chuẩn, quy định hiện hành về an toàn thực phẩm.
Đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu và quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến, kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng:
- Cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại công đoạn sản xuất sản phẩm cuối cùng trước khi cung cấp thực phẩm ra thị trường.
- Sản phẩm tại cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng được cơ quan chức năng định kỳ lấy mẫu giám sát theo quy định và kết quả kiểm nghiệm đáp ứng các quy chuẩn, quy định hiện hành về an toàn thực phẩm.
Cơ quan xác nhận
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản các tỉnh, thành phố hoặc cơ quan được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ quản lý chất lượng thực phẩm thủy sản trong trường hợp địa phương chưa thành lập Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (địa chỉ liên hệ chi tiết xin vui lòng truy cập vào Báo điện tử Dân Việt: danviet.vn).
Các bước cấp giấy xác nhận
Cơ sở bày bán sản phẩm đăng ký với cơ quan cấp giấy xác nhận nêu tại mục 3 ở trên để được xem xét cấp giấy. Khi đăng ký, doanh nghiệp cung cấp bản photo giấy chứng nhận GAP hoặc tương đương hoặc bản cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ), chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng.
Cơ quan kiểm tra căn cứ kết quả thẩm định hồ sơ đăng ký của cơ sở bày bán sản phẩm và kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát để cấp giấy xác nhận.
Kiểm soát sau xác nhận
Định kỳ, cơ quan cấp giấy xác nhận đi thẩm tra thực tế việc tuân thủ các nội dung đã được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn và lấy mẫu phân tích. Trường hợp phát hiện không tuân thủ quy định sẽ bị thu hồi giấy xác nhận đã cấp cho cơ sở.
Có thể bạn quan tâm
Nửa tháng nay, các thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng mua lợn mỡ không có thông báo. Giá lợn xuất chuồng quay đầu giảm rõ rệt. Câu chuyện đã từng xảy ra với một số mặt hàng nông sản lại lặp lại trong tháng 4 này ở Việt Nam.
Để chủ động phát hiện vi rút cúm A/H5N1, H5N6, H7N9 trên gia cầm, đầu tháng 5 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã tổ chức lấy mẫu giám sát tại các chợ buôn bán, điểm thu gom gia cầm lớn tại 3 địa phương là Cẩm Phả, Uông Bí và Quảng Yên (Quảng Ninh).
Tối qua (20.5), huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Định đạt chuẩn NTM.