Quy hoạch, phát triển cây ăn trái
Người vui, kẻ buồn…
Những ngày qua giá chanh ở các tỉnh ĐBSCL giảm liên tục khiến nhiều nông dân không vui. Ông Nguyễn Văn Nam, ngụ xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) than: “Mấy năm trước giá chanh từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, nhưng nay không ngờ giảm chỉ còn 2.000 đồng/kg, thu không đủ bù chi”.
Tại các xã Thạnh Lợi, Thạnh Hòa và Bình Đức, vùng trồng chanh quy mô lớn của huyện Bến Lức (Long An), nhiều hộ buồn rầu vì rớt giá. Theo ông Dương Thanh Thái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Lợi, trước đây vùng này chủ yếu trồng mía nhưng giá mía thấp nên ai cũng phá bỏ để trồng chanh. Toàn xã hiện có hơn 800ha chanh, một trong những xã có diện tích chanh nhiều nhất ở huyện Bến Lức.
Hồi chanh không hạt có giá từ 20.000 đồng/kg trở lên, nông dân thu lời vài trăm triệu đồng/ha.
Riêng năm nay, chanh giảm giá do trái chưa đạt chuẩn, sản lượng nhiều, bị thương lái ép giá... Trong khi đó, nông dân ở Long An, Tiền Giang, Trà Vinh… đang ngao ngán vì thanh long bày bán tràn ra lề đường nhưng vẫn ít người mua. Ông Trương Văn Tâm, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết: “Do vào vụ thuận nên giá thanh long ruột trắng loại 1 giảm còn 6.000 đồng/kg, các loại khác chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg… nông dân không có lời, nhưng phải tốn công thu hoạch”.
Trong khi đó tại Hậu Giang và Đồng Tháp, nông dân trồng quýt đường lại hớn hở vì loại trái cây này hút hàng, giá cao. Ông Phạm Văn Lành, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết: “Thương lái mua quýt đường từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, giá này đảm bảo cho nhà vườn thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/ha, tương đối cao so các loại cây ăn trái khác”.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), khoảng 2 năm nay giá bưởi Năm Roi khá tốt. Dịp tết rồi, bưởi có giá tới 25.000 - 30.000 đồng/kg; còn hiện tại ổn định mức 18.000 - 20.000 đồng/kg, lợi nhuận gấp nhiều lần so trồng lúa. “Nhờ được giá nên diện tích trồng bưởi ở xã tăng lên 1.149ha. Bà con tích cực đầu tư, chăm sóc, từ đó vườn bưởi cho năng suất cao, chất lượng tốt… thu lời nhiều hơn”, ông Mạnh nói.
Tập trung bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đưa đi các nơi tiêu thụ
Cần chuyển đổi đồng bộ
Theo Bộ NN-PTNT, các tỉnh thành Nam bộ là vùng sản xuất cây ăn trái trọng điểm của cả nước với diện tích khoảng 416.000ha, sản lượng hơn 4,3 triệu tấn/năm; trong đó khu vực ĐBSCL chiếm hơn 289.000ha cây ăn trái các loại. Sản xuất cây ăn trái đóng góp vai trò quan trọng trong ngành trồng trọt, góp phần đưa kinh tế nhiều địa phương phát triển, giúp nông dân làm giàu.
Song vấn đề trở ngại lâu nay là thực trạng “tới mùa, dội chợ, rớt giá” liên tục diễn ra khiến nông dân cứ mãi lo âu. Giải quyết bài toán này, Bộ NN-PTNT đã từng khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL tính toán xử lý rải vụ nhằm khắc phục tình trạng thừa sản lượng, tránh rớt giá.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Xoài là một trong 5 mặt hàng chủ lực được tỉnh tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 2 năm qua, Đồng Tháp áp dụng rải vụ, thực hiện quy trình sản xuất xoài an toàn… bước đầu đem lại kết quả khả quan”.
Cùng với rải vụ cũng cần thực hiện nhiều giải pháp để đưa trái cây ĐBSCL phát triển. Bộ NN-PTNT nhìn nhận, so với một số sản phẩm khác, mối liên kết từ sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu cây ăn trái… vẫn còn yếu kém. Hầu như nông dân cứ ào ạt sản xuất và tới khi thu hoạch thì bán cho thương lái chứ ít có doanh nghiệp bao tiêu, vì vậy độ rủi ro còn cao.
Hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản trái cây chậm phát triển, chậm đầu tư về quy mô lẫn công nghệ. Đây là những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc HTX Thanh long Đức Mỹ (Trà Vinh), băn khoăn: “HTX có thể quy tụ nhiều nông dân tham gia xây dựng vùng sản xuất trái cây quy mô lớn; hỗ trợ kỹ thuật, vật tư để giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng trái cây. Tuy nhiên, lo ngại nhất là chưa liên kết được với doanh nghiệp nên đầu ra trái cây luôn bị động; việc xuất khẩu còn qua nhiều khâu trung gian nên tình hình còn rất khó”.
Ông Nam cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực cây ăn trái, như: xây dựng vùng nguyên liệu, hợp tác với nông dân, xây dựng nhà máy chế biến, kho trữ bảo quản; xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu… Bên cạnh đó, giúp nông dân sản xuất mô hình GAP, đáp ứng xuất khẩu trái cây vào những thị trường khó tính…
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, bộc bạch: “Ở Thái Lan, những trái xoài ngon nhất họ dành xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… hoặc tiêu thụ nội địa.
Những trái xoài còn lại hay phụ phẩm thì họ chế biến thành hàng chục sản phẩm như: mứt xoài, kẹo xoài, sinh tố xoài đóng chai, dầu thơm, xà bông, kem dưỡng da, các thực phẩm chức năng… Như vậy, trái xoài không chỉ bán tươi mà còn chế biến rất nhiều sản phẩm khác để tăng cao về giá trị. Đây là vấn đề chúng ta cần nghiên cứu, học hỏi trong quá trình phát triển cây ăn trái…”.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2013, xuất khẩu tôm Việt Nam đã vượt mốc 3 tỷ USD. Đây là thành công bất ngờ đối với ngành tôm nói riêng và với ngành thủy sản Việt Nam nói chung.
Nhắc đến Quảng Ninh, là nghĩ ngay đến Vịnh Hạ Long, đến những sản vật biển gắn với từng vùng, miền như: Cua biển - ngán Quảng Yên, mực ống Cô Tô, ghẹ Trà Cổ, sá sùng Quan Lạn, nước mắm Cái Rồng...
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện nay, tổng diện tích nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 4.679ha, giảm trên 13% so với năm trước.
Bột cá là thành phần quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chỉ khi nào hoạt động sản xuất bột cá trong nước được tổ chức, sắp xếp lại một cách hiệu quả thì giá thành thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản mới có thể đi vào ổn định.
Sau hơn một năm tranh cãi, ngày 4-2, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách trợ cấp cho các nông trại, trong đó có một điều khoản gây khó dễ cho mặt hàng cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam. Tuần trước Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự lụât này với 217 phiếu ủng hộ và 210 phiếu chống. Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ sớm ký đưa dự luật vào thực hiện.