Phấp phỏng với nhập khẩu gạo của Trung Quốc
Bí ẩn “bồ thóc” Trung Quốc
Với hơn 95 triệu héc ta gieo trồng các loại lương thực, chỉ chiếm 13,1% diện tích gieo trồng của thế giới nhưng Trung Quốc đạt sản lượng xấp xỉ nửa tỉ tấn, đóng góp gần 20% tổng sản lượng lương thực của thế giới.
Tuy nhiên “bồ thóc” của cải Trung Quốc hiện đang có ba vấn đề nổi cộm sau đây:
Thứ nhất, mặc dù đã chặn đứng được tình trạng giảm mạnh diện tích đất lúa rất đáng lo ngại trong thập kỷ trước, đồng thời liên tục tăng và duy trì được năng suất hàng đầu châu Á, nhưng vai trò bảo đảm an ninh lương thực của lúa gạo vẫn giảm mạnh.
Thay vì chiếm 55,3% trong “rổ lương thực” nói chung (bao gồm gạo, lúa mì và bắp) trong năm 1970, tỷ trọng của gạo trong năm 2014 đã giảm rất mạnh, chỉ còn 29,8%, còn nếu chỉ tính lúa gạo và lúa mì thì tỷ trọng này cũng giảm từ 72,5% xuống còn 53,5%.
Điều này có nghĩa là, dù thị hiếu của người Trung Quốc rất chuộng gạo, nhưng họ đã buộc phải chuyển mạnh sang lúa mì. Đây là lý do rất quan trọng khiến Trung Quốc không thiếu lương thực nhưng nhập khẩu gạo trong những năm gần đây lại tăng đột biến.
Thứ hai, những giải pháp nhằm khôi phục diện tích đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực đã khiến Trung Quốc trở thành thị trường hút gạo nhập khẩu ngày càng mạnh trong bối cảnh giá gạo thế giới giảm.
Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nếu như năm 2005 Trung Quốc chỉ mới chi 2,559 tỉ đô la Mỹ để hỗ trợ sản xuất lương thực thì năm 2011 đã đạt kỷ lục 30,21 tỉ đô la Mỹ và năm 2014 cũng đạt 29,562 tỉ đô la Mỹ.
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc rất khó lường như hiện nay, việc tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn. |
Trong đó, tuy đã chuyển rất mạnh sang hỗ trợ gián tiếp (trợ cấp giống, máy móc, phân bón và nhiên liệu) và hiện đã chiếm 91,6% (năm 2005 chỉ chiếm 24,2%), nhưng kinh phí hỗ trợ trực tiếp của Trung Quốc cho nông dân vẫn tăng từ 1,94 tỉ đô la Mỹ lên gần 2,5 tỉ đô la Mỹ với giá lúa đã được đẩy lên rất nhanh.
Ngoài trợ cấp, Trung Quốc còn trợ giá cho nông dân bằng cách đẩy giá mua lúa Japonica tăng 2,56 lần trong vòng tám năm.
Chính việc trợ cấp và trợ giá để khuyến khích nông dân khôi phục diện tích và sản lượng lúa là nguyên nhân đẩy giá gạo của Trung Quốc lên rất nhanh.
Theo quy luật, giá gạo trong nước càng cao thì thị trường Trung Quốc trở thành “cục nam châm” ngày càng khổng lồ “hút” gạo từ các thị trường lân cận đổ vào.
Thứ ba, trong khi gạo nhập khẩu có sức cạnh tranh như vậy, người Trung Quốc lại “ngán” gạo của “Chính phủ Trung Quốc”, cho nên tiêu thụ kho gạo dự trữ khổng lồ này hiện đã trở thành vấn đề nan giải.
Trong khi giá gạo nhập khẩu rất “mềm” thì giá lúa Indica mà Chính phủ Trung Quốc mua vào cao ngất ngưởng ở mức 439 đô la Mỹ/tấn, tương ứng với giá mua gạo 627 đô la Mỹ/tấn. Đó là chưa kể tới việc tồn trữ càng lâu ngày thì chất lượng càng giảm.
Đây chính là những căn cứ để lý giải tại sao Trung Quốc cho bán đấu giá 7,87 triệu tấn gạo dự trữ trong tháng 4 vừa qua, nhưng chỉ bán được vỏn vẹn 2%!
Cơ hội cho gạo “made in Việt Nam”?
Câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là, liệu Trung Quốc có tăng tốc nhập khẩu gạo của nước ta trong những tháng cuối năm hay không, trong khi nhập khẩu năm tháng đầu năm của nước này chỉ mới đạt hơn 1 triệu tấn, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2014?
Nếu theo dự báo của cả Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) và USDA, câu trả lời hẳn nhiên là có.
Có hai căn cứ chủ yếu để cho rằng kịch bản này có thể xảy ra. Đó là, giá gạo xuất khẩu của các quốc gia đều đang ở mức đáy. Cụ thể, không chỉ giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam tháng 6 vừa qua đang ở mức đáy 415 đô la Mỹ/tấn, mà giá các loại gạo trắng (kể cả gạo đồ, gạo lức, tấm) của Thái Lan tháng 5 vừa qua cũng đã rớt thê thảm xuống chỉ còn 375 đô la Mỹ/tấn, còn giá bình quân các loại gạo trắng của Ấn Độ (gạo phi Basmati) bốn tháng đầu năm nay cũng rất thấp, ở mức 388 đô la Mỹ/tấn.
Bên cạnh đó, với khả năng El Niño có thể mạnh lên trong những tháng tới, sản lượng gạo của cả ba quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới đều giảm, cộng với quyết định xả mạnh kho gạo dự trữ của Thái Lan cho các mục đích tiêu dùng phi lương thực gần đây, giá chào xuất khẩu của cả Ấn Độ và Thái Lan đều đã được đẩy lên, cơ hội nhập khẩu gạo với giá quá rẻ sắp kết thúc, cho nên đây chính là cơ hội không thể thuận lợi hơn để các quốc gia nhập khẩu gạo tăng tốc nhập khẩu.
Thế nhưng, riêng với Trung Quốc, kịch bản này cũng có thể không xảy ra. Bởi lẽ, khi đã không thể xả kho gạo dự trữ khổng lồ của mình bằng con đường bán đấu giá như đã nói ở trên, rất có thể các nhà quản lý Trung quốc sẽ tiếp tục “ép” các thương nhân nước này muốn được giao hạn ngạch nhập khẩu thì phải đồng thời tiêu thụ gạo dự trữ của Chính phủ theo như thông tin của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lúa, gạo và thủy sản vùng ĐBSCL vừa mới diễn ra.
Ngày 11.7, tại Đồng Tháp, Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở các tỉnh Nam Bộ.
Tuy phong là vùng đất nổi tiếng khô cằn, thừa nắng gió, thiếu mưa, thiếu nước; bởi vậy 30 năm trước khi mới thành lập chỉ là một huyện nghèo nàn; còn bây giờ bộ mặt địa phương đã khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện; phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa…
Lúc chúng tôi đến, vợ chồng ông đang tất bật cho đàn lợn 70 con ăn. Nhìn khu chuồng nuôi gần 200m2 của gia đình ông được quy hoạch bài bản, chúng tôi cũng phải khâm phục.
Hiện nay, tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp) mô hình nuôi lươn trong bể có lót bạt nilon, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp đạt năng suất và lợi nhuận khá.