Quy Hoạch Nuôi Trồng Thuỷ Sản Bảo Đảm Phát Triển Bền Vững
Là một trong những địa bàn trọng điểm nuôi thuỷ sản của tỉnh, thời gian qua, UBND huyện Giao Thủy đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển thuỷ sản của tỉnh giai đoạn 2010-2020 và đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế - xã hội huyện nói chung.
Các xã, thị trấn đã từng bước sử dụng có hiệu quả các vùng bãi bồi ven sông, ven biển, các vùng đất thấp trũng, nhiễm mặn, hồ ao trong dân cư để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), hình thành các vùng nuôi chuyên canh, nuôi tổng hợp, nuôi thủy sản nước ngọt tập trung. Sản phẩm nuôi trồng đa dạng, có giá trị kinh tế cao, năng suất, sản lượng nuôi trồng tăng dần, sản phẩm xuất khẩu ngày càng đa dạng.
Huyện thường xuyên tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch các vùng nuôi, huy động nguồn lực của các tập thể và cá nhân xây dựng hệ thống thủy lợi, điện, đường giao thông, quy hoạch vùng nuôi và mua sắm thiết bị, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại xã Giao Phong, Bạch Long và thuỷ sản nước ngọt tập trung ở các xã, thị trấn.
Quy hoạch nuôi ngao tại vùng đệm và phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy; nuôi sinh thái tại vùng bãi bồi Cồn Ngạn. Để NTTS phát triển hiệu quả và bền vững, khâu sản xuất giống được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ giúp huyện chủ động nguồn giống, đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi nhằm phát triển NTTS bền vững. Tại huyện Nghĩa Hưng, nhiều vùng NTTS tập trung được quy hoạch theo hướng sản xuất hàng hóa.
Vùng nuôi thủy sản Đông Nam Điền được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, điện, thuỷ lợi đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tạo nhiều điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp và các hộ nuôi đầu tư phát triển kinh tế thuỷ sản.
Vùng nuôi thủy sản Cồn Xanh là vùng nuôi tập trung, được thiết kế, đầu tư xây dựng khá đồng bộ các hệ thống thủy lợi, giao thông và các công trình phục vụ sản xuất. Vùng nuôi nông trường Rạng Đông là vùng nuôi khá tập trung và đa dạng cả đối tượng nuôi nước ngọt và nuôi mặn lợ với các loại cá song, cá bống bớp, cá vược… cùng các đối tượng nuôi truyền thống và cá lóc bông, cá rô phi đơn tính, ba ba…
Bên cạnh các vùng nuôi theo quy hoạch kể trên, các vùng ven sông Ninh Cơ, sông Đáy cũng đã được nông dân trong huyện tận dụng tối đa diện tích mặt nước nuôi thả, phương thức canh tác ngày càng được cải tiến, con giống được chọn lọc hơn, mật độ thả hợp lý phù hợp với trình độ canh tác cũng như khả năng đầu tư đã góp phần đa dạng hoá con nuôi, phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho nông dân Nghĩa Hưng.
Thực hiện “Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030", trong lĩnh vực NTTS, trong những năm qua, các địa phương đã quản lý và thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản của tỉnh.
Vốn ngân sách đầu tư được tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cấp I cho vùng NTTS tập trung như: kênh cấp và thoát nước cấp I, cống và trạm bơm lớn, đường giao thông chính, điện. Nhiều vùng nuôi bảo đảm có hệ thống kênh tưới và hệ thống kênh tiêu riêng biệt.
Ở các vùng nuôi tập trung, các chủ hộ đã xây dựng hệ thống ao nuôi, ao chứa lắng, xử lý nước, ao ương giống, ao nuôi thương phẩm. Hệ thống ao này được xây dựng theo quy hoạch chi tiết và thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt. Hầu hết các diện tích nuôi thủy sản theo quy hoạch đều phát huy được hiệu quả, các hộ dân trong vùng đã tận dụng thời gian và mặt nước, đưa nhiều giống nuôi có giá trị kinh tế vào tổ chức NTTS đạt hiệu quả cao.
Ngoài vùng nuôi ở các xã Xuân Hoà - Xuân Vinh (Xuân Trường) nông dân vẫn tổ chức nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến là chủ yếu, phương thức nuôi tại các vùng tập trung theo quy hoạch đã chuyển sang hướng nuôi thâm canh và bán thâm canh. Công nghệ nuôi được thay đổi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Công tác cải tạo ao, đầm; chăm sóc, quản lý ao nuôi đã đi vào nền nếp.
Các hộ NTTS tại các vùng nuôi tập trung theo quy hoạch đã chuyển từ sử dụng thức ăn tự chế sang thức ăn công nghiệp; từ dùng hoá chất, thuốc kháng sinh chuyển hẳn sang dùng các chế phẩm sinh học. Đây là bước đi đúng đắn, hạn chế ô nhiễm môi trường và nuôi trồng hiệu quả cao, bền vững. Ngành NN và PTNT và các địa phương có vùng NTTS tập trung đều tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, trao đổi, hội thảo, tham quan… nên trình độ của các hộ nuôi được nâng lên đáng kể.
Ở vùng nuôi nước lợ, đã hình thành các vùng nuôi tập trung với các đối tượng con nuôi có giá trị kinh tế cao như vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở Bạch Long, Giao Phong (Giao Thuỷ); Hải Hoà, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu); Rạng Đông, Nam Điền (Nghĩa Hưng); vùng nuôi cua biển, vùng nuôi cá bống bớp, cá vược và một số loài khác ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Ở vùng nước ngọt cũng đã hình thành các vùng nuôi thương phẩm tập trung như vùng nuôi cá lóc bông ở Nghĩa Hưng, vùng nuôi cá rô phi, diêu hồng ở Hải Châu (Hải Hậu), nuôi cá truyền thống ở Mỹ Tiến, Mỹ Thắng (Mỹ Lộc); Nam Vân (TP Nam Định); Nghĩa An (Nam Trực)…
Tại một số vùng nuôi tập trung theo quy hoạch, các hộ đã thành lập các Hội, HTX, CLB ngành nghề nhằm nâng cao tính cộng đồng hợp tác, liên kết trong NTTS như: CLB NTTS xã Hải Châu, CLB nuôi ếch của Hội Nông dân xã Hải Ninh; CLB nuôi tôm xã Hải Lý (Hải Hậu); HTX NTTS xã Giao Phong, CLB Nhuyễn thể xã Giao Xuân (Giao Thủy); CLB NTTS huyện Nghĩa Hưng…
Qua sinh hoạt của Hội, CLB, HTX, các hội viên đã học hỏi kinh nghiệm của nhau trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; tương trợ nhau trong việc cung cấp con giống sạch bệnh, thức ăn, điều trị, chăm sóc phòng bệnh tốt; tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc NTTS tập trung theo quy hoạch của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Mặc dù hệ thống cơ sở hạ tầng đã được Nhà nước đầu tư song hiện nay một số công trình đã xuống cấp, vẫn còn công trình thủy lợi dùng chung với hệ thống trong sản xuất nông nghiệp và làm muối nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi luôn ở mức cao, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho sản xuất.
Để quản lý chặt chẽ việc NTTS theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tỉnh đang chỉ đạo các huyện, thành phố và Sở NN và PTNT tiếp tục rà soát, lập và điều chỉnh quy hoạch vùng NTTS, sản xuất giống thủy sản trên cơ sở quy hoạch và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được phê duyệt. Tập trung chỉ đạo phát triển đồng bộ nuôi trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thuỷ sản theo hướng ưu tiên phát triển NTTS đảm bảo bền vững, tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi sang NTTS, kiên quyết nuôi theo quy hoạch, tránh hiện tượng nuôi tràn lan, nhỏ lẻ tự phát phá vỡ quy hoạch. Đẩy mạnh phát triển NTTS theo hướng trang trại, gia trại. Tập trung phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Tăng cường công tác khuyến ngư, áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn ViepGAP trong NTTS. Tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế thuỷ sản. Từng bước xây dựng thương hiệu thuỷ sản của các địa phương trong tỉnh.
Qua rà soát, bổ sung quy hoạch NTTS, các huyện đang đề xuất xây dựng hệ thống thủy lợi vùng NTTS tập trung tại xã Hải Phúc (Hải Hậu), xã Bạch Long (Giao Thủy), vùng bãi bồi ven sông Hồng huyện Xuân Trường; chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang NTTS tại xã Giao Nhân và Giao Hải (Giao Thủy), Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).
Sở NN và PTNT đề xuất xây dựng vùng sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, tôm sú, nhuyễn thể tập trung; hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ NTTS tỉnh; hệ thống thủy lợi cung cấp nước ngọt phục vụ nuôi tôm nước lợ tập trung tại Giao Thủy đảm bảo cho NTTS của tỉnh phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều nông dân đã mạnh dạn thử nghiệm những mô hình mới từ việc nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của khoa học trong việc chăn nuôi, sản xuất của mình. Nhờ những ứng dụng này, không chỉ hiệu quả sản xuất tăng cao mà còn mở ra những hướng mới cho người nông dân trong công việc.
Hiện nay, nông dân huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đang khẩn trương thu hoạch su hào, bắp cải vụ Đông. Vụ này, do thời tiết mưa nhiều, một số cây rau màu khác kém phát triển, nên giá bán su hào và bắp cải cao hơn mọi năm từ 2.000 - 4.000 đồng/bắp (củ).
Sau bao phen thăng trầm, nghề trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) sắp có cơ hội vươn xa hơn, bởi nơi đây lần đầu tiên vừa thí điểm thành công và được cấp chứng nhận mô hình sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn GlobalGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu).
Chỉ với diện tích vài chục mét vuông, anh Võ Thành Tâm (ấp Bến Đồn, xã Hòa Lợi, Bến Cát, Bình Dương) không tận dụng để trồng rau hay hoa kiểng như nhiều người khác mà đã chọn cách nuôi rắn hổ hèo. “Ban đầu chỉ thấy người khác nuôi hiệu quả rồi làm theo nhưng không ngờ lại trở thành cái duyên của tôi đối với nghề nuôi rắn thương phẩm”, anh Tâm vui vẻ nói.
Thời gian qua, một số nông dân tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư trồng rau diếp cá cho lợi nhuận khá cao. Người đầu tiên mang rau diếp cá về trồng tại xã Láng Biển là vợ chồng chị Huỳnh Ngọc Diệp.