Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quy Định Mới Về Xuất Khẩu Sang Các Thị Trường Hồi Giáo

Quy Định Mới Về Xuất Khẩu Sang Các Thị Trường Hồi Giáo
Ngày đăng: 08/10/2014

Trong tháng 6/2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) liên tiếp gửi hai công điện về nước đề cập đến quy định mới của Bộ Môi trường và Nước UAE. Đó là từ ngày 01/9/2014, tất cả các lô hàng cá nuôi XK sang UAE phải kèm theo chứng thư có nội dung “Cá nuôi không sử dụng thức ăn có chứa protein của lợn hoặc động vật khác, chỉ được sử dụng protein có nguồn gốc từ biển nhưng không bao gồm protein của cùng loài cá nuôi đó”.

Ông Mohammed Omar Trần Xuân Giáp, Giám đốc Văn phòng Chứng nhận Halal tại Việt Nam, đã có những chia sẻ về quy định này và tác động của nó đến hoạt động sản xuất, XK cá tra của Việt Nam như dưới đây.

Cá là một sản phẩm Halal,được phép dùng theo Luật Hồi giáo và tiêu chuẩn Halal. Tuy nhiên, luật này cũng quy định, nếu một con vật Halal mà được nuôi liên tục, có chủ ý bằng thức ăn Haram (bị cấm) thì con vật đó là Haram. Tiêu chuẩn Halal cũng quy định rất rõ những loại thức ăn chăn nuôi nào được phép và những loại nào bị cấm. Chẳng hạn, các loại thức ăn có protein động vật, kể cả động vật trên cạn là Halal cũng bị cấm.

Thế nhưng, trên thực tế, có một số DN thức ăn chăn nuôi mua máu huyết động vật từ các lò giết mổ, sấy khô, rồi phối trộn vào thức ăn chăn nuôi để tăng hàm lượng đạm cũng như một số vi chất. Vì nghi ngại loại thức ăn chăn nuôi dùng cho cá cũng được làm từ những protein động vật như thế nên Bộ Môi trường và Nước UAE đã có kế hoạch đến Việt Nam với mục đích kiểm tra quy trình sản xuất và thành phần trong thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, sau khi làm việc lại với phía Việt Nam, Bộ Môi trường và Nước UAE quyết định không trực tiếp sang thanh tra. Để giảm gánh nặng chi phí cho phía Việt Nam, họ đã đồng ý chỉ định Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) chứng nhận nguyên liệu trong thức ăn chăn nuôi cho cá không chứa protein động vật và protein loại cá nuôi đó.

Sau khi được chỉ định, Nafiqad đang có những bước đầu tiên là yêu cầu DN công bố thức ăn chăn nuôi của mình sản xuất như thế nào, làm từ thành phần gì và đưa những thông tin đó lên mạng để người nuôi cá được biết.

Nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn

Trước khi thu hoạch, nếu dừng cho cá ăn loại thức ăn có chứa protein nguồn gốc động vật trong 3-4 ngày thì cá sẽ tiêu hóa hết và không còn dư lượng. Nhưng thực ra, rất ít người nuôi dừng cho cá ăn vì sẽ thiệt hại lớn về trọng lượng.

Mặc khác, vấn đề nuôi thủy sản ở Việt Nam tương đối phức tạp. Những DN khép kín chuỗi sản xuất, sở hữu cả nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và trang trại nuôi cá thì họ hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề này. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có quy mô lớn như thế.

Rất nhiều DN chế biến phải mua cá từ rất nhiều người nuôi tự sản xuất thức ăn hay mua thức ăn từ nhiều nguồn khác nhau. Chính vì thế, việc kiểm soát phải làm trên cả hệ thống và cần có sự tham gia của nhiều ban ngành, đơn vị như Nafiqad, Tổng cục Thủy sản, các Chi Cục thủy sản địa phương…

Trong đánh giá Halal có khái niệm “Halal thinking”, tức là DN “tư duy Halal” - một vấn đề tôn giáo hay chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật trong sản xuất mà thôi. Nếu DN cho rằng Halal là vấn đề kỹ thuật trong sản xuất thì họ có thể ‘làm đẹp’ hồ sơ, làm nó sai đi một chút để được cấp chứng thư.

Nhưng với người Hồi giáo, đó là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Với bất kỳ một tôn giáo nào cũng thế, chữ tâm được đặt lên hàng đầu. Không phải vấn đề ở chỗ đơn vị A kiểm soát đơn vị B mà vấn đề liên quan đến đức tin, giáo lý của tôn giáo. Với họ, khi chúng ta tuyên bố ‘sản phẩm cá này được sản xuất và nuôi bằng thức ăn chăn nuôi không có protein động vật’, tức là chúng ta cam kết chúng ta sẽ làm đúng như thế.

Trong đức tin của người Hồi giáo, việc cam kết với đối tác còn quan trọng hơn cả ký hợp đồng, bởi đây là thực hiện cam kết với thượng đế của họ chứ không phải chỉ đơn thuần là trên giấy tờ. Nếu DN không tuân thủ những gì họ đã cam kết thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề.

Sự cố gần đây với hãng sôcôla Carbury của Anh là một ví dụ điển hình về hậu quả khi làm mất lòng tin của người Hồi giáo. Cụ thể là, tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế của Malaixia lấy mẫu và phát hiện hai dòng sản phẩm của hãng Carbury, chi nhánh Malaysia, có dư lượng thịt heo.

Lập tức cơ quan chứng nhận Halal của Malaixia là Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM) đình chỉ tất cả các sản phẩm của Carbury này và lên tiếng cảnh báo trên toàn hệ thống của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo Quốc tế (OIC).

Gần như tức thì, Inđônêxia, Ả-rập Xê-út và các quốc gia khác dừng nhập sôcôla Carbury để lấy mẫu kiểm tra. Hiện tại, sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra nhưng đã có nhiều làn sóng kêu gọi tẩy chay tất cả các sản phẩm mang thương hiệu Carbury.

Như vậy, thiệt hại cho DN đã quá rõ ràng. Sau này, kể cả khi Carbury được phép tiếp tục bán hàng thì chưa chắc người tiêu dùng đã mua. Một sự việc đã liên quan đến giáo lý, đức tin của tôn giáo thì khó có gì cứu vãn được.

Vì vậy, DN Việt Nam phải hết sức thận trọng trong việc áp dụng tiêu chuẩn Halal cho sản phẩm cá nuôi của mình. Đây là vấn đề trách nhiệm tuân thủ trong cả chuỗi sản xuất. Chỉ cần một vi phạm nhỏ là DN không có cơ hội quay lại thị trường đó nữa.

Ý thức tự giác là trên hết

Hiện nay, tiêu chuẩn Halal đã có các quy định về thức ăn chăn nuôi, nhưng tiêu chuẩn này chưa được phổ biến ở Việt Nam. Văn phòng Chứng nhận Halal sẵn sàng hướng dẫn và hỗ trợ các DN trong việc áp dụng tiêu chuẩn này. Nếu khách hàng yêu cầu, DN có thể đăng ký chứng nhận với Văn phòng Chứng nhận Halal. Còn nếu không DN hoàn toàn có thể tự công bố chất lượng sản phẩm.

Thực tế. nếu muốn XK sản phẩm cá nuôi sang thị trường Halal, việc có chứng nhận Halal hay không là không quan trọng, vấn đề là các DN sản xuất thức ăn phải chủ động xây dựng hệ thống kiểm soát để đảm bảo rằng sản phẩm của họ không chứa protein động vật cấm. Còn các DN chế biến thì phải đánh giá nhà cung cấp một cách kỹ lưỡng, nhất là người nuôi và đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi, đồng thời xem xét thành phần nguyên liệu họ sản xuất có đáp ứng yêu cầu Halal hay không.

Lưu ý rằng, nước NK có thể tổ chức lấy mẫu kiểm tra bất cứ lúc nào. Trong trường hợp họ phát hiện dư lượng protein động vật trong cá thì không riêng DN bị thiệt hại mà cả ngành thủy sản của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Với tốc độ tăng trưởng 200%/năm, thị trường thực phẩm Halal là một thị trường vô cùng tiềm năng. Các sản phẩm thủy sản đánh bắt của họ không ngon như sản phẩm NK, nên DN Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường. Đặc biệt, nhà NK ở thị trường Hồi giáo có văn hóa hơi khác biệt so với châu Âu và Mỹ, đó là khi hai bên đã đạt được niềm tin với nhau thì việc mua bán rất dễ dàng. Tuy nhiên, không nên vì thế mà DN chủ quan, nhất là trong vấn đề thanh toán.

Một số thông tin hữu ích

Hiện nay, các thương gia Hồi giáo tập trung ở hai quốc gia: Một là UAE, chủ yếu là Dubai,ở đây số lượng công ty còn nhiều hơn dân số của họ. Thứ 2 là Malaxia, do phương thức thanh toán của họ dễ dàng hơn so với các quốc gia Hồi giáo khu vực Trung Đông và châu Phi. Vì thế DN Việt Nam thường xuất qua hai đầu mối trung gian này.

Với mặt hàng thực phẩm Halal, có rất nhiều hội chợ lớn được tổ chức để DN tìm đối tác. Ở Malaxia có hội chợ MIHAS vào tháng tư, quy tụ rất nhiều DN lớn trên thế giới. Đáng tiếc là Việt Nam mới chỉ có một số DN tham gia hội chợ này chứ chưa tổ chức thành gian hàng quốc gia ở đó như Thái Lan, Inđônêxia. Ngoài MIHAS, một hội chợ lớn khác được nhiều nhà NK uy tín tham gia là Gulfood ởDubai.

Một kênh nữa để DN tìm kiếm đối tác kinh doanh là thông qua các thương vụ và đại sứ quán Việt Namtại nước ngoài. Hằng năm vào tháng 12 hoặc tháng 1, các thương vụ Việt Nam trên thế giới sẽ quay về Việt Nam để họp, đánh giá tổng kết tình hình. Các DN nên tranh thủ cơ hội này để tham dự, trực tiếp gặp các thương vụ, tìm hiểu thị trường và nhà NK.

Về phía Văn phòng Chứng nhận Halal, văn phòng đang dự kiến sẽ xây dựng một danh bạ về các nhà NK và đưa lên trang web để hỗ trợ thêm cho các DN trong việc tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, phần lớn những thông tin này là do thương vụ cung cấp. Vì thế, trước khi ký hợp đồng, DN nên tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác qua thương vụ.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Ngô, Đậu Tương Thay Cây Lúa Cầu Cao Nhưng Cung Ít Trồng Ngô, Đậu Tương Thay Cây Lúa Cầu Cao Nhưng Cung Ít

Trong khi giá lúa đang ở mức thấp khiến người trồng lúa không có lãi, thì các mặt hàng ngô (bắp), đậu tương (đậu nành) lại tiêu thụ khá tốt, giá cao vì nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mua để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

18/06/2013
Ương Giống Thành Công Cá Chạch Lấu Ương Giống Thành Công Cá Chạch Lấu

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang vừa nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Ương giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu”, do thạc sĩ Phan Phương Loan, giảng viên Trường đại học An Giang làm chủ nhiệm.

03/06/2013
Gia Súc, Gia Cầm Rớt Giá, Người Chăn Nuôi Lao Đao Gia Súc, Gia Cầm Rớt Giá, Người Chăn Nuôi Lao Đao

Chưa bao giờ người chăn nuôi lâm vào tình trạng “điêu đứng” như hiện nay. Không chỉ heo hạ giá mà liên tiếp trong nhiều tháng trở lại đây, giá các loại gia cầm cũng giảm “thê thảm”. Đây là đợt giảm giá mạnh và kéo dài nhất từ trước đến nay, trong khi đó, giá các loại thức ăn liên tục tăng từ 10 - 15% khiến cho người chăn nuôi thua lỗ.

03/06/2013
Phòng, Chống Sâu Bệnh Gây Hại Lúa Hè Thu Phòng, Chống Sâu Bệnh Gây Hại Lúa Hè Thu

Thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm phát sinh nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại lúa vụ Hè Thu (HT) trên địa bàn tỉnh Bình Định. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đồng thời khuyến cáo bà con nông dân các biện pháp phòng trừ.

03/06/2013
Nuôi Tôm Thẻ Thay Tôm Sú Nuôi Tôm Thẻ Thay Tôm Sú

Trong vụ nuôi tôm năm 2013 này, đa số bà con nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Nguyên nhân là do khi nuôi tôm, dịch bệnh hoại tử gan tuỵ vẫn còn đe doạ đến sự phát triển của tôm nuôi.

05/08/2013