Quạt Nuôi Tôm Quấn Nát Của Quý
Đứng cạnh hệ thống tạo ôxy trên ao nuôi tôm, anh Tính bất ngờ bị cánh quạt của thiết bị này quấn lấy quần lôi luôn vào trong. Tai nạn khiến nông dân 27 tuổi phải nhập viện trong tình trạng chỗ ấy đầm đìa máu.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, các bác sĩ xác định dương vật của bệnh nhân tổn thương, phần da bọc bên ngoài bị bóc tróc. Việc phẫu thuật được tiến hành ngay sau đó, tuy nhiên phải đến 3 tháng sau, dương vật của bệnh nhân mới có thể hy vọng trở lại bình thường.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thái - Trưởng Khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết, tai nạn tưởng chừng hy hữu nhưng từ đầu năm đến nay có ít nhất 5 ca tương tự.
“Bệnh nhân nhập viện thường là chỗ ấy bị thương rất nặng do hệ thống quạt nước tạo ôxy dưới đầm tôm quấn phải. Tai nạn này bắt nguồn từ sự vô ý để quần áo quấn vào cánh quạt đang xoay rồi quấn luôn lớp da của bộ phận sinh dục nam”, ông Thái nói.
Anh Hùng, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), một nạn nhân kể, khi anh đang ngồi trên thuyền rải thức ăn xuống ao nuôi tôm thì bất ngờ gió giật mạnh làm ngã xuống nước. Tuy cố gắng né được hệ thống quạt nước đang quay, nhưng tà áo bị dính vào cánh quạt nên anh bị giật ngược trở lại, xoay tròn dưới nước theo quạt hàng chục vòng. Nghe tiếng kêu cứu, vợ anh chạy ra ngắt điện thiết bị thì người anh đã dính chặt vào cánh quạt, dưới hạ bộ đau buốt vì lớp da bên ngoài “của quý” bị cuốn mất, máu chảy xối xả.
Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, một nông dân ở tỉnh Bạc Liêu cũng được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng “thằng bé” bị tai nạn. Bệnh nhân kể, lúc đứng gần máy quạt nước tạo ôxy trong ao nuôi tôm, anh sơ ý cúi gần và áo bị vướng vào máy. Cú lôi đưa anh vào guồng quạt đã khiến da dương vật bị rách và gãy xương cánh tay...
Tiến sĩ Nguyễn Thành Như, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) cũng cho biết, khoa này thi thoảng vẫn điều trị cho các nạn nhân của máy sục khí trên các ao tôm, hầu hết bệnh nhân đều sinh sống ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.
“Dương vật bệnh nhân lúc nhập viện thường bị tróc hết da, hoặc còn da nhưng vẫn không dùng được phải cắt bỏ. Biện pháp cứu chữa là chôn “tấm thân không còn áo” vào trong bìu để da bìu bám vào bên ngoài. Việc phẫu thuật tách dương vật và tạo hình được thực hiện sau đó từ 1 đến 3 tháng”, ông Như nói.
Với kỹ thuật điều trị này, hầu hết bệnh nhân được cứu chữa tại Bệnh viện Bình Dân đều phục hồi khả năng sau đó. Tuy nhiên theo các bác sĩ, nếu dương vật bị tổn thương nặng hơn, tức không chỉ “bóc vỏ”, thì chưa thể nói trước điều gì.
Phân tích nguyên nhân quạt sục khí gây tai nạn, các nạn nhân cho rằng do cánh quạt vận hành bằng điện không thể ngừng được, đồng thời chiều cao của cánh quạt thường ngang với “chỗ ấy” nên dương vật dễ bị tổn thương nhất so với các bộ phận khác trên cơ thể, nếu nông dân bị cuốn vào cánh quạt.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng cho biết, không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ cũng từng là nạn nhân của hệ thống quạt nước tạo ôxy dưới ao nuôi tôm. Vài tháng trước, chị Yến nhà ở huyện Vĩnh Châu từng bị lột da đầu phải đưa vào bệnh viện cấp cứu vì để tóc vướng phải cánh quạt đang xoay.
Qua những trường hợp trên, các bác sĩ khuyên người nuôi tôm khi làm việc trên ao lúc cánh quạt vận hành, phải thật sự chú ý đến vấn đề an toàn
Có thể bạn quan tâm
Hơn 100 hộ dân của 2 xã Đông và Lơ Ku (huyện Kbang, Gia Lai) khốn đốn khi trồng giống ngô NK67 không có hạt, hoặc có hạt nhưng nảy mầm, ra rễ…
Theo thống kê, tổng diện tích vườn cây ăn trái huyện Châu Thành gần 6.500ha. Trong đó, có trên 3.500ha nhãn bị bệnh chổi rồng (với 12.084 hộ bị thiệt hại). Đến nay, các địa phương đã cấp phát tiền hỗ trợ người dân có nhãn bị bệnh chổi rồng đợt 2, với tổng số tiền hỗ trợ gần 16,8 tỷ đồng.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, giá vật tư đầu vào cao làm tăng giá thành sản phẩm, thu nhập của người sản xuất giảm.
Hiện nay, xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng ngày càng tăng khiến ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành sản xuất quan trọng, cung cấp thực phẩm từ thủy sản cho một lượng dân số ngày càng tăng.
Sau hơn 30 năm thực hiện khá thành công chương trình “Zebu hóa”, với kết quả tỉ lệ bò lai Zebu chiếm 86% tổng đàn, từ năm 2011 huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã tiếp tục tạo hướng chăn nuôi bò chuyên thịt bằng giống mới Drought Master, là giống bò thuần siêu thịt có nguồn gốc từ Úc. Đến nay, hiệu quả của chương trình này đã được khẳng định.