Quảng Ninh Sẵn Sàng Cho Nuôi Trồng Thuỷ Sản Vụ Xuân Hè
Hiện nay, bà con nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn Quảng Ninh đang gấp rút hoàn thành vệ sinh, cải tạo ao đầm để chuẩn bị xuống giống vụ xuân hè năm 2014. Năm nay diện tích nuôi trồng thuỷ sản cả tỉnh sẽ vào khoảng 20.400ha. Trong đó diện tích nuôi mặn, lợ đạt gần 17.000ha; diện tích nuôi nước ngọt trên 3.400ha, tổng sản lượng nuôi trồng ước đạt 34.000 tấn.
Đối tượng nuôi chủ yếu được bà con lựa chọn là tôm bởi vì con tôm ngoài đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nó còn là một trong bốn đối tượng nuôi được quy hoạch trong ngành Thuỷ sản với hình thức nuôi đa dạng, nuôi bán thâm canh và nuôi thâm canh có sử dụng chế phẩm sinh học theo hướng nuôi công nghiệp.
Rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi trước, vụ nuôi xuân hè năm nay, công tác cải tạo ao, đầm nuôi đã được các chủ hộ quan tâm thực hiện chu đáo, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, thông qua các lớp tập huấn từ trước vụ nuôi.
Ông Tô Văn Sẹc, thôn Sán Xế Nam, xã Đông Ngũ (Tiên Yên) cho biết: “Gia đình tôi đang cho phơi ao, cải tạo lại bờ và hệ thống tiêu thoát nước, sang đầu tháng 4 tới sẽ tiến hành xuống giống. Năm ngoái gia đình tôi thu hoạch được 30 tấn tôm, bán cũng được giá nên cũng có chút ít thêm vào đầu tư tu bổ tổng thể lại ao nuôi để có thể ứng dụng công nghệ nuôi cao hơn”.
Được biết đến thời điểm này nhiều hộ dân, doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xuống giống vụ nuôi mới. Huyện Vân Đồn đã xuống giống được 150ha tôm, 2.030ha nhuyễn thể, 4.500 ô lồng cá.
Ông Vương Văn Oanh, Chi cục Phó Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh cho biết, để công tác nuôi trồng thuỷ sản năm nay được thuận lợi, đảm bảo đúng tiến độ, Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế về quản lý giống vùng nuôi trồng thuỷ sản, phê duyệt đề án phát triển thuỷ sản, chỉ đạo các địa phương bám sát vào kế hoạch giao.
Cùng với đó, việc phối hợp với các trung tâm, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học thực hiện quan trắc lấy mẫu tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh để có biện pháp quản lý, hạn chế bệnh dịch lây lan cũng đã được quan tâm đúng mức. Vận động hộ nuôi tăng cường đầu tư mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng điều kiện nuôi trồng thuỷ sản theo hướng công nghiệp; giám sát các cơ sở sản xuất con giống trên địa bàn tỉnh một cách chặt chẽ để đảm bảo chất lượng giống cung cấp cho người nuôi.
Bà con nông dân cần quan tâm đến nguồn gốc tôm giống, không mua tôm trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc về nuôi. Đặc biệt, tôm giống trước khi thả phải được kiểm dịch, tránh tình trạng dịch phát sinh, lây lan rộng gây thiệt hại lớn.
Các hộ nuôi cần áp dụng hình thức nuôi theo hướng VietGAP đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế sử dụng các chất hoá học trong thức ăn. Từng bước xây dựng ngành nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá mang tính bền vững có giá trị xuất khẩu cao, đưa lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Cây xạ đen mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3 – 4 lần so với canh tác lúa hoặc các loại hoa màu khác. Đặc biệt, người dân trồng cây xạ đen không cần phải mang đi xa mà thương lái vào tận vườn thu mua.
Ngày 18.8, tại hội trường UBND xã Suối Dây, Hội Nông dân huyện Tân Châu (Tây Ninh) tổ chức hội thảo về đề tài máy thu hoạch khoai mì. Chủ nhiệm đề tài này là ông Trần Quốc Hải, thường trú ấp 2, xã Suối Dây.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo phát triển vụ Đông 2015 như một vụ chính, quan trọng và là một mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây trồng trên đất lúa, góp phần vào sự tăng trưởng của toàn ngành trong thời gian tới.
Do giá hạt tiêu trên thị trường luôn ở mức cao so với nhiều loại nông sản chủ lực khác nên trong những tháng đầu mùa mưa năm nay, nông dân ở Đác Lắc đua nhau trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, khiến diện tích cây tiêu tăng nhanh. Việc phát triển “nóng” diện tích cây tiêu không chỉ phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng của tỉnh mà kéo theo nhiều hệ lụy, bức xúc ở địa phương.
Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình làng trồng nấm Bào ngư ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang”, do thạc sĩ Lê Trần Như Thảo, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện.