Xây Dựng Thương Hiệu Cho Vú Sữa Xã Diên Bình, Huyện Diên Khánh (Khánh Hòa)
Xây dựng thương hiệu cho nông sản trong nước là bài toán được đặt ra từ bao lâu nay của nhiều địa phương. Tại Khánh Hòa, sầu riêng Khánh Sơn là thương hiệu nông sản đầu tiên được xây dựng thành công, góp phần đưa nông sản địa phương vào hệ thống phân phối của các siêu thị và đến với nhiều tỉnh thành khác.
Từ bài học của sầu riêng Khánh Sơn, bà con nông dân ở xã Diên Bình – huyện Diên Khánh cũng mong muốn xây dựng được thương hiệu cho trái vú sữa của địa phương. Mặc dù chưa có thương hiệu chính thức nhưng vú sữa ở vùng quê ven sông này được không ít người dân trong và ngoài tỉnh biết đến.
Do điều kiện thổ nhưỡng địa phương phù hợp nên nhiều năm qua, vú sữa xã Diên Bình luôn cho năng suất cao, cây càng lớn cho trái càng sai. So với mọi năm, giá thành vú sữa năm nay cũng ổn định hơn. Giá thu mua tại nhà vườn trung bình từ 17 đến 20 nghìn đồng/kg. Với đại đa số người dân Diên Bình, mỗi năm vú sữa mang lại nguồn thu nhập trung bình từ vài chục triệu, có hộ lên tới vài trăm triệu đồng.
Có thể khẳng định rằng, giá vú sữa Diên Bình có giá cao và ổn định như hôm nay là nhờ vào chất lượng vú sữa đã được khẳng định trong thời gian dài. Mặc dù chưa chính thức nhưng tên tuổi, thương hiệu vú sữa Diên Bình đã được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh biết đến.
Chị Nguyễn Thị Thanh Loan – xã Diên Bình cho biết khi chở xuống chợ bán, nghe vú sữa Diên Bình là người ta mua. Trái ngon, ngọt nên người dân rất thích.
Vú sữa cho năng suất cao và mang lại hiệu quả kinh tế, bà con mừng. Nhưng câu chuyện làm thế nào để xây dựng thương hiệu vú sữa Diên Bình, từ đó nâng cao giá trị kinh tế cho bà con vẫn còn là câu chuyện dài. Vài năm trước, người dân địa phương cũng đã nghe phong phanh về câu chuyện xây dựng thương hiệu cho cây vú sữa nhưng vì nhiều lý do khác nhau rồi lại thôi.
Điều dễ nhận thấy nhất là tiềm năng phát triển, cung ứng vú sữa chất lượng ở Diên Bình là rất lớn nhưng làm thế nào để khai thác triệt để, tối đa hiệu quả mà cây vú sữa mang lại thì vẫn chưa làm được.
Chia sẻ về vấn đề xây dựng thương hiệu vú sữa, chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Bình cho biết: nguyên nhân không xây dựng được thương hiệu vú sữa Diên Bình là do không đủ diện tích quy hoạch. Liệu đây có phải là lý do chính đáng để gác lại câu chuyện xây dựng vú sữa Diên Bình trong nhiều năm ?
Ông Hồ Văn Đài – Chủ tich Hội Nông dân xã Diên Bình – huyện Diên Khánh cho biết, qua các đợt họp Ủy ban có đưa ra vấn đề bà con muốn nâng thương hiệu cho vú sữa Diên Bình nhưng cuối cùng lại không đủ điều kiện. Theo ông Đài, việc này là do ở trên, đặc biệt là phòng Nông nghiệp huyện Diên Khánh.
Với các đơn vị quản lý - xây dựng thương hiệu vú sữa đã khó nên với người dân – tự mình xây dựng thương hiệu còn khó hơn nhiều.
Chẳng hạn đơn cử như việc đưa vú sữa vào siêu thị thì phải mất nhiều công đoạn. Từ việc đảm bảo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đến nhiều giấy tờ chứng nhận phức tạp khác, nếu không có sự giúp sức của cơ quan quản lý mà chỉ riêng người dân lo xây dựng thương hiệu thì chắc chắn không thể kham nổi.
Theo ông Võ Đình Dũng – Giám đốc siêu thị Co.op Mart Nha Trang, cho biết vừa qua Co.op Nha Trang có đến nhà vườn để bao tiêu sản phẩm. Nhà vườn đảm bảo an toàn về thực phẩm, không thuốc, có giấy chứng nhận... thì siêu thị Co.op Mart sẵn sàng hỗ trợ người dân về đầu ra.
Thị trường tiêu thụ vú sữa Diên Bình ngày càng được mở rộng cả trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc chú trọng đến công tác chăm sóc để vú sữa tiếp tục cho năng suất cao thì hiện nay, câu chuyện làm thế nào để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế cây vú sữa Diên Bình đang được người dân địa phương hết sức quan tâm.
Bên cạnh sự cố gắng của người dân thì chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp huyện cũng cần quan tâm hơn nữa để vú sữa Diên Bình sớm có thương hiệu thật sự trên thị trường. Và chỉ khi đó, niềm vui của nông dân Diên Bình mới thật sự trọn vẹn mỗi khi mùa vú sữa về.
Có thể bạn quan tâm
Theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với mức thuế rà soát hành chính lần thứ chín (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh so với POR8, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ trong những tháng cuối năm sẽ khởi sắc, sau khi sụt giảm trên 50% trong Tám.
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh bởi một trong những lý do cơ bản là chúng ta vẫn chưa thể chủ động được thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn còn quá cao.
20 năm là khoảng thời gian quá dài để có thể đánh giá những được - mất mà mô hình tôm – lúa mang lại. Những cách làm hay, những kinh nghiệm qua các lần thất bại, cùng những đề xuất, kiến nghị của những người trong cuộc sẽ là bài học bổ ích cho việc tái cơ cấu sản xuất vùng tôm – lúa ở Sóc Trăng được hiệu quả và bền vững hơn.
Nghiên cứu tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi do TS Nguyễn Thị Thu Hằng đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) trình bày tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam số 4 ngày 8-9 tại Hà Nội cho thấy, ngành chăn nuôi trong nước có xu hướng bị thu hẹp sản xuất khi đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các nước TPP, đặc biệt là đối với ngành thịt.
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp với tỷ lệ 1/500.