Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quảng Ninh Báo Động Tình Trạng Đánh Bắt Con Móng Tay Bằng Máy Bơm Áp Lực Lớn

Quảng Ninh Báo Động Tình Trạng Đánh Bắt Con Móng Tay Bằng Máy Bơm Áp Lực Lớn
Ngày đăng: 24/07/2014

“Là vùng biển thích hợp cho con ốc móng tay (thường gọi là móng tay) sinh sống, hiện nay khoảng 90% số lượng con móng tay tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều được đánh bắt và vận chuyển về từ Cô Tô.

Tuy nhiên, để đánh bắt chúng thì vẫn chưa có kỹ thuật khai thác nào, ngoài việc dùng máy bơm nước công suất lớn tạo áp lực để thổi”. Ông Bùi Thế Tuân, Phó phòng Tài nguyên Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô khẳng định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, con móng tay thường sống rất ít ở trong vùng Vịnh mà chủ yếu là ở vùng biển lộng như Cô Tô. Trước đây, người dân Cô Tô gần như không biết khai thác loài này vì chúng nằm sâu trong đất bùn hoặc cát với mực nước biển sâu từ 8-10m, rất khó để đánh bắt theo những kỹ thuật thông thường.

Khoảng 3 năm trở lại đây, khu vực biển Cô Tô bắt đầu xuất hiện khá nhiều các hộ khai thác đánh bắt đến từ miền Trung (chủ yếu đến từ Hà Tĩnh).

Qua thống kê sơ bộ của huyện, hiện nay Cô Tô có khoảng 371 phương tiện đánh bắt là của người dân trên đảo nhưng phương tiện ở các địa phương khác đến đánh bắt trên vùng biển Cô Tô có khoảng trên 400 chiếc.

Điều đáng nói là, những hộ khai thác này đến Cô Tô chủ yếu để đánh bắt con móng tay. Chỉ cần trang bị bình nén khí, quần áo lặn, van thở, máy nổ công suất lớn, bơm cao áp, hệ thống ống dẫn nước… là họ có thể càn quét, sục tung đáy biển, đánh bắt hàng trăm kg móng tay/ngày.

Với giá trị dinh dưỡng cao, cách chế biến đơn giản, con móng tay ngày càng được nhiều người dân cũng như khách du lịch ưa thích khi đến Cô Tô và Quảng Ninh. Giá 1kg móng tay cũng vì thế mà có sự tăng dần theo từng năm.

Đến nay, 1kg móng tay ở chợ Cô Tô có giá từ 150.000-160.000 đồng và thường được bán cao hơn tại các địa phương khác. Nhu cầu thưởng thức con móng tay ngày một nhiều, cho nên vì lợi nhuận trước mắt mà các đối tượng vẫn cố tình sử dụng những hình thức khai thác mang tính huỷ diệt và bị cấm trong lĩnh vực thuỷ sản để khai thác.

Trước tình trạng trên, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện Cô Tô đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng, tổ chức các chuyến công tác trên biển để thanh kiểm tra các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thuỷ sản.

Tuy nhiên, do những khó khăn hạn chế về nguồn kinh phí, nhân lực, phương tiện nên trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, mới có 3 chuyến thanh, kiểm tra được thực hiện.

 Qua đó đã phát hiện 12 trường hợp tàng trữ, sử dụng công cụ lặn kết hợp với kích điện, máy bơm nước tạo áp lực để khai thác thuỷ sản và hàng chục hộp xốp có chứa con móng tay. Hầu hết các vụ vi phạm nói trên đều bị xử phạt hành chính, tịch thu tang vật và không thể khởi tố vì thiếu chế tài.

Theo ông Bùi Thế Tuân, trung bình một chuyến công tác trên biển như vậy, chi phí về tiền xăng dầu lên tới 40-50 triệu đồng/chuyến (chưa kể các chi phí khác).

Trong khi đó, hàng năm nguồn kinh phí dành cho việc kiểm tra đánh bắt cũng chỉ tối đa khoảng 50 triệu đồng/ năm. Năm 2014 này, theo phân khai kinh phí thì phần dành cho hoạt động này cũng không được tăng thêm.

Trong khi đó, nhân lực của huyện mỏng, chỉ có 1 đồng chí chuyên trách các hoạt động tuần tra, kiểm tra trên biển, phát hiện và xử lý vi phạm liên quan. Không ít đối tượng hoạt động rất tinh vi, có biện pháp bảo vệ, thông tin cho nhau nên việc phát hiện, thu giữ thường trở nên khó khăn, dẫn đến hiệu quả không cao như mong muốn.

Thiết nghĩ, nếu các cấp, ngành và địa phương không nhanh chóng có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn thì với hình thức khai thác này, chắc chắn kết cấu địa tầng biển Cô Tô sẽ bị phá huỷ, sản lượng và chất lượng nòi giống con móng tay sẽ ngày càng suy giảm.

Bởi lẽ đây là loài nhuyễn thể sống tự nhiên, thường ăn phù du, chất hữu cơ làm sạch dòng chảy và cũng là nguồn thức ăn của một số loài cá, cua. Từ đó, hệ sinh thái ở vùng biển Cô Tô sẽ không thể tránh khỏi tình trạng bị đảo lộn, mất cân bằng và có thể dẫn đến suy giảm nguồn lợi của nhiều loại thuỷ sản khác.

Cách đây 2 năm, theo một nghiên cứu chính thức của Viện Tài nguyên và Môi trường biển về mức độ xâm hại của các rạn san hô ở Cô Tô cho thấy, độ che phủ của các rạn san hô khu vực này đang thấp đến mức báo động, chỉ còn 10%-15%, nhiều vị trí còn dưới 5%.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng san hộ bị chết là do tác động của việc đánh bắt thuỷ sản bằng mìn, kích điện, dùng hoá chất, nhất là hoá chất độc hại xyanua.


Có thể bạn quan tâm

Heo Thịt Từ Phía Bắc Đổ Vào Đồng Nai Heo Thịt Từ Phía Bắc Đổ Vào Đồng Nai

Theo nhiều thương lái chuyên mua heo hơi trên địa bàn tỉnh, hơn 2 tuần qua, nguồn cung heo thịt trên địa bàn tỉnh khan hàng nên nhiều thương lái đã phải đặt hàng từ phía Bắc đưa vào. Hiện giá heo hơi tại Đồng Nai là 53-54 ngàn đồng/kg, nhưng lượng heo thịt cung cấp ra thị trường không nhiều, một số trang trại đã xuất loại heo trên 80kg/con.

20/05/2014
Tín Dụng Cho Thủy Sản Càng Được Hỗ Trợ… Nợ Càng Tăng Tín Dụng Cho Thủy Sản Càng Được Hỗ Trợ… Nợ Càng Tăng

Hơn nữa, với những cách làm như hiện nay, cộng với khó khăn trong nuôi trồng, khiến nông dân càng được hỗ trợ thì gánh nặng nợ nần càng tăng.

10/06/2014
Hơn 1.000 Ha Rau Quả Tập Trung Được Doanh Nghiệp Bao Tiêu Sản Phẩm Hơn 1.000 Ha Rau Quả Tập Trung Được Doanh Nghiệp Bao Tiêu Sản Phẩm

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng cánh đồng mẫu lớn của tỉnh, nhiều địa phương đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh. Cùng với đó là chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém năng suất sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao.

20/05/2014
Ứng Dụng Công Nghệ Sinh Học Vào Sản Xuất Nông Nghiệp Ứng Dụng Công Nghệ Sinh Học Vào Sản Xuất Nông Nghiệp

Thông qua hướng dẫn, chuyển giao công nghệ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (thuộc Sở KHCN), một số hộ nông dân đã sản xuất thành công chế phẩm nấm ký sinh Metarhizium sp. phòng trừ rầy nâu hại lúa, góp phần tăng năng suất, lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

20/05/2014
Điều Tiết Lại Thị Trường Điều Tiết Lại Thị Trường

Chiều 9-6, UBND TP HCM làm việc với các sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

10/06/2014