Quảng Hải (Quảng Bình) Phát Huy Thế Mạnh Nuôi Trồng Thuỷ Sản
Là xã nằm ven sông Gianh, bốn bề sông nước, có nhiều diện tích đất ven bãi thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản, những năm qua, xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn - Quảng Bình) đã phát huy được thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng NTM của nơi đây.
Với hơn 45 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, đã có hệ thống thuỷ lợi xây dựng kiên cố, những năm gần đây, xã Quảng Hải tập trung mũi nhọn phát triển kinh tế ngư nghiệp và hướng mạnh vào nuôi trồng. Từ việc nuôi theo hình thức quãng canh cải tiến của người dân là chủ yếu, nay đã chuyển dần sang hình thức nuôi bán thâm canh với năng suất và sản lượng tăng cao.
Có rất nhiều mô hình nuôi thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế ở xã Quảng Hải, trong đó có mô hình nuôi cá rô phi thương phẩm và cá trắm của gia đình anh Cao Minh Chuận, thôn Văn Bắc.
Với diện tích gần 2 ha ao hồ nuôi nước ngọt. Cứ sau 5 tháng, anh lại xuất bán một lần. Khi thu hoạch, sản lượng đạt hơn 2 tấn cá thương phẩm, với giá bán trên thị trường hiện nay từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, gia đình anh thu về hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Ngoài mô hình nuôi cá rô phi và cá trắm, chúng tôi tìm đến mô hình nuôi ếch thương phẩm của gia đình ông Trần Đình Giắng ở thôn Tân Thượng, đây là mô hình nuôi thuỷ sản nước ngọt đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Quảng Hải hiện nay. Cứ cuối tháng 2 âm lịch, ông Giắng lại thả 2.000 con ếch giống xuống hồ, cuối tháng 5 âm lịch ông xuất bán và thu lãi từ 60 đến 70 triệu đồng.
Được biết, năm 2008, ông được xã cho đi tìm hiểu mô hình nuôi ếch thương phẩm ở Lệ Thuỷ, nhận thấy mô hình có thể làm được trên quê hương mình nên ông đã học hỏi và tiến hành nuôi thử nghiệm.
Ban đầu thiếu kinh nghiệm nên ếch thường hay bị chết, hiệu quả kinh tế thấp nhưng dần tới mùa thứ 2, ông đã đúc rút kinh nghiệm nuôi khá thành công mô hình ếch thương phẩm này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện xã Quảng Hải có một số hộ dân tiến hành nuôi và bước đầu đã thành công.
Ông Giắng cho biết: “Mô hình nuôi ếch thương phẩm rất thích hợp để nhân rộng cho bà con nông dân vì mô hình này ít tốn công chăm sóc, thời gian nuôi ngắn, chi phí nuôi thấp, giá cả và đầu ra ổn định.
Bà con nông dân có thể mở rộng diện tích nuôi để thu lợi nhuận cao hơn. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi và thích hợp cho hộ nghèo có ít đất sản xuất. Có thể giúp bà con nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững”.
Không chỉ nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, nhiều năm qua, việc nuôi tôm, cua xanh nước lợ cũng đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân nơi đây. Với hệ thống thuỷ lợi được xây dựng kiên cố, hệ thống nước ra vào các ao hồ luôn ổn định, tôm, cua phát triển nhanh và năng suất khá cao.
Năm 2013, mặc dù điều kiện thời tiết có diễn biến phức tạp, dịch bệnh xảy ra ở một số địa phương ở tỉnh ta, nhưng tổng giá trị nuôi trồng ở Quảng Hải thu về trên 3 tỷ đồng cho người dân.
Tại các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, nông dân cũng đã chú trọng đầu tư, nâng cấp các đầm nuôi và đã dần đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật. Đến nay, tổng diện tích nuôi thuỷ sản trên địa bàn xã đạt trên 45 ha, trong đó tập trung nuôi tôm, cua nước lợ hơn 40 ha và hơn 5 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt.
Ông Cao Xuân Đại, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hải cho biết: “Việc đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản ở Quảng Hải là điểm tựa quan trọng cho việc phát triển kinh tế nông thôn và sự thay đổi diện mạo của xã Quảng Hải hiện nay.
Do đó, trong thời gian tới xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, có hình thức hỗ trợ hộ nông dân trong quá trình sản xuất và không ngừng nhân rộng các mô hình ra nhiều địa bàn như mô hình nuôi ếch thương phẩm, nuôi cá rô phi, nuôi tôm, cua...”
Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể nhưng việc phát huy lợi thế ven sông để phát triển kinh tế của xã còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, người dân chưa biết tận dụng tối đa tiềm năng để phát triển kinh tế, giá cả, đầu ra của sản phẩm thuỷ sản còn nhiều biến động.
Do chưa có cơ sở sản xuất giống thuỷ sản tại địa phương, người dân phải mua gom, mua từ tỉnh ngoài không qua kiểm dịch nên chất lượng con giống không bảo đảm, ảnh hưởng tới năng suất của người nuôi trồng. Mặt khác, việc nuôi cua xanh nước lợ ở xã Quảng Hải hiện nay chưa có nơi cung cấp con giống cụ thể. Đa số bà con mua con giống của dân chài bắt được trên sông Gianh về thả nuôi hoặc tự đi bắt về thả nên năng suất nuôi cua xanh nước lợ của bà con chưa được bảo đảm.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng và phát triển, sử dụng một cách bền vững những lợi thế về nuôi trồng thuỷ sản ven sông, người nuôi thủy sản của địa phương mong muốn cơ quan chức năng tìm giải pháp giúp họ tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt là tạo điều kiện cho vay vốn, tăng cường kiểm soát nguồn tôm, cua giống, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm... để sản xuất ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Cua đồng bắt đầu có nhiều từ đầu tháng 5 âm lịch đến cuối tháng 10 âm lịch hàng năm. Các vựa hiện nay thu mua cua đồng từ các nông dân đi đặt lọp; các cánh đồng Campuchia về phân loại và bán ra thị trường.
Huyện ủy - UBND huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau - chi nhánh Bạc Liêu về việc chuẩn bị khai trương, kế hoạch sản xuất, kinh doanh sau khi chi nhánh đi vào hoạt động.
Trong tháng 8/2015, các doanh nghiệp đã tập trung chế biến được hơn 5.000 tấn thủy sản; trong đó, tôm chiếm hơn 4.900 tấn, còn lại là các loại thủy sản khác như: cá, mực... Cùng với chế biến, các doanh nghiệp cũng tập trung xuất bán từ đầu năm đến nay hơn 32.700 tấn tôm. So với cùng kỳ năm, hoạt động xuất khẩu năm nay gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh giá bán với nhiều nước xuất khẩu lớn trong khu vực, làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm.
Ngày 7/9/2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 01/2/2013 đến 31/01/2014. Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8.
Để giảm áp lực và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị các đơn vị chức năng cần điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các doanh nghiệp xuống dưới mức trần 7% như hiện nay; tăng hạn mức tín dụng và tăng thời gian cho vay.