Quản lý môi trường ao nuôi ban đêm tại Thái Lan - Phần 1
Sự thành bại nuôi tôm nước lợ phụ thuộc rất lớn vào giám sát, quản lý môi trường ao nuôi tôm, đặc biệt vào ban đêm. Dưới đây là các khuyến cáo của Soraphat Panakorn (Aquaculture Asia Pacific, Novozymes Biologicals, Thái Lan) về quản lý ao tôm với người nuôi và cán bộ thực hiện quan trắc môi trường trong nuôi tôm.
pH
pH trong ao thay đổi chủ yếu do các ion trong nước và hoạt động của thực vật phù du (TVPD).
Ban đêm hoạt động của TVPD thấp làm pH giảm.
Tôm sẽ lột xác sớm khi pH < 8,3 và pH thấp làm tăng độc tính của H2S.
Nếu pH ban ngày và ban đêm chênh nhau 1 sẽ làm tôm yếu, dễ stress.
Để ổn định pH trong ao nuôi, nên kiểm tra pH vào lúc 9 giờ tối và độ kiềm cần đạt từ 100 mg/l.
Người nuôi phải thường xuyên kiểm tra độ kiềm, ít nhất 3 – 4 ngày/lần.
Ban đêm, khi tôm không lột xác nên bổ sung vôi để nâng độ kiềm…
Nhiệt độ
Nhiệt độ nước ao ban đêm thường thấp hơn ban ngày.
Do nhiệt được giải phóng chậm từ bề mặt nước ao tạo phân tầng nhiệt độ, cản trở sự hòa trộn ôxy trong nước.
Khi nhiệt độ giảm, tôm yếu có xu thế chuyển vào vùng bùn, tiếp xúc với khí độc H2S, vi khuẩn gây bệnh và hoạt động ít hơn.
Khi nhiệt độ giảm 10C trao đổi chất của tôm sẽ giảm khoảng 10%.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của thay đổi nhiệt độ, người nuôi phải chạy sục khí để ngăn sự phân tầng nhiệt trong ao và giữ đáy ao sạch có ít chất hữu cơ bằng chế độ cho ăn hợp lý.
Tránh cho tôm ăn ban đêm.
Ôxy hòa tan
Ôxy trong ao được tạo từ hai nguồn là sục khí và quang hợp.
Ôxy sẽ cao vào ban ngày, giảm dần vào ban đêm và thấp nhất vào nửa đêm.
Vào ban đêm, khi ôxy giảm, tôm sẽ giảm hoạt động, phần lớn tôm sẽ nằm đáy và những con tôm cần ôxy cao hơn thường cố gắng bò dọc bờ ao.
Khi ôxy đủ, phần lớn tôm sẽ bơi khắp trong ao.
Ban đêm, hoạt động quang hợp ngừng, thiếu ôxy dễ xảy ra.
Để duy trì ôxy, sục khí liên tục là cần thiết.
Hàm lượng ôxy hòa tan trong ao tối ưu là 4 ppm lúc 4 giờ sáng được đo cách đáy 30 cm, cách bờ 3 m.
Thiếu ôxy làm H2S cao hơn, các khí độc khác được giải phóng, vi khuẩn gây bệnh phát triển, giảm hiệu quả sử dụng thức ăn, khiến tôm sau lột xác dễ chết.
Cần thường xuyên kiểm tra và duy trì ôxy hòa tan tối ưu trong ao.
Người nuôi có thể tính khái quát cứ 400 kg tôm trong ao cần 1 “mã lực” sục khí.
Khối lượng tôm trong ao có thể tính dựa trên mật độ thả, tỷ lệ sống, trọng lượng tôm và phần trăm thức ăn tiêu tốn mỗi ngày.
H2S
H2S có mùi thối, hiện diện khi thừa vật chất hữu cơ và thiếu ôxy trong ao.
H2S gây thiệt hại cho người nuôi cá, tôm nhiều hơn các tác nhân khác gây ra.
Chúng gây độc cho tôm và động vật thủy sinh khác ở nồng độ 0,02 ppm.
Trong khi NH3, NO2 chỉ gây độc khi ở nồng độ cao hơn rất nhiều lần.
Khi nhiệt độ, pH và ôxy thấp, H2S dễ tăng cao gây độc cho tôm.
Ảnh hưởng nhẹ của H2S làm tôm yếu, dễ nhiễm bệnh.
Nồng độ cao dẫn đến tôm chết đột ngột.
Khi có các điều kiện bất lợi khác như mưa nhiều, gió mạnh, thiếu sục khí, khi lột xác và tảo tàn thì sáng hôm sau người nuôi sẽ thấy tỷ lệ tôm chết cao.
Để đối phó với khí độc, cần duy trì pH ổn định, khoảng 7,8 – 8,1.
Không được cao hơn vì tôm sẽ bị độc do NH3.
Luôn luôn duy trì ôxy tối ưu, xử lý bùn đáy tốt.
Người nuôi có thể dùng vi sinh để kiểm soát H2S và quan trắc ao nuôi vào ban đêm cũng rất quan trọng.
Có thể bạn quan tâm
Tôm càng xanh (tên khoa học Macrobrachium rosenbergii), còn gọi là tôm lớn nước ngọt hay tôm Malaysia (theo cách gọi của người Âu-Mỹ), là một loài tôm nước ngọt có nguồn gốc ở vùng Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương và bắc Úc.
Tôm biển có hệ miễn dịch rất đặc biệt. Ngoài miễn dịch tế bào với sự tham gia của tế bào bạch cầu với hai quá trình cơ bàn là melanin hóa
Cần kiểm soát trong ao nuôi thủy sản. Nhằm tránh được các tác động xấu của nó lên sức khỏe động vật thủy sản, cũng như môi trường ao nuôi.